5 cách để xác định kiểu tính cách của con khi còn bé
Cùng một tình huống, mỗi trẻ phản ứng một cách
Tính cách là điều làm mỗi chúng ta trở nên độc nhất, và đó là yếu tố quan trọng quyết định cách mà mỗi người phản ứng với thế giới bên ngoài.
Đây là một tình huống mà chúng ta có thể quan sát thấy sự khác biệt về tính cách của 3 đứa trẻ:
Ví dụ, ba em bé 2 tuổi được đưa tới lớp mẫu giáo buổi đầu tiên.
Rahim đi cùng với mẹ, cả 2 mở cửa phòng và quan sát một lượt. Chưa đầy vài phút sau, Rahim lột áo ngoài, bỏ mẹ đứng một mình và tham gia vào một nhóm các bạn đang chơi trò xếp nhà.
Một lúc sau, Frank và cha mình đến lớp. Cậu bé dựa vào chân bố rất lâu, từ chối cởi mũ và áo.
Sau khi quan sát những đứa trẻ khác một lúc lâu, cậu kéo tay bố để đến gần hơn và quan sát một cái bàn, nơi bọn trẻ đang chơi trò giải đố.
Cha Frank gợi ý cậu bé tham gia. Bé nắm tay cha, họ cùng đi lại gần cái bàn. Frank ngồi xuống cạnh các bé khác và bắt đầu chơi.
Carlos thì lao vào phòng, trước cả khi bà cậu bước chân vào – không lãng phí thời gian để nhìn quanh xem chuyện gì đang xảy ra. Bé chạy bừa đến chỗ hai cậu nhóc đang bò trên sàn, chụp lấy một cái ô tô, và hét: ‘Của con!’
Tại sao 3 đứa trẻ lại phản ứng khác nhau như vậy trước cùng một tình huống? Đó là vì mỗi bé đều được sinh ra với tính cách riêng.
Có nhiều cách để xác định kiểu tính cách của mỗi đứa trẻ, nhưng chúng ta sẽ dễ thấy 5 đặc điểm đại diện cho những tính cách bẩm sinh: Cường độ phản ứng, mức độ năng động, phản ứng khi thất bại, phản ứng với sự thay đổi, phản ứng với người lạ.
Mỗi một đặc điểm trên đều thể hiện ở con trẻ, nhưng theo những cách khác nhau.
Ví dụ: khi gặp một người lạ, đứa trẻ này thì vui vẻ chào đón với người anh họ chưa bao giờ gặp, trong khi đứa khác thì chẳng thèm để mắt.
Bạn có thể phát hiện ra tính cách của con mình khi nào?
Vào tầm em bé được 6 – 9 tháng tuổi, hầu hết các bậc cha mẹ bắt đầu nhìn thấy cách ứng xử của bé trong nhiều tình huống. Đó chính là những căn cứ ban đầu.
Sau đó tính cách bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn khi trẻ đến tuổi tập đi, tập nói – khi bé bắt đầu thể hiện được cảm xúc bằng lời nói và có tương tác rộng hơn với xã hội.
1. Đo cường độ phản ứng
Những đứa trẻ giống Carlos nói với thế giới một cách rất dõng dạc về điều mà chúng cảm thấy.
Những đứa trẻ mạnh mẽ như thế có thể hét ầm lên khi chúng cảm thấy hạnh phúc, và quát, ném đồ vật, đánh người khác khi chúng giận dữ.
Bọn trẻ có cường độ phản ứng nhẹ nhàng hơn, ngược lại, thường lặng lẽ, hiếm khi mè nheo, ngủ nhiều hơn mức trung bình. Bé thể hiện cảm xúc của mình với những thay đổi nhẹ nhàng, thể hiện qua gương mặt hoặc tông giọng.
Cách mà cha mẹ có thể giúp con:
Với những trẻ mạnh mẽ:
Hãy ‘vặn nhỏ’ tất cả, từ âm nhạc cho đến ánh sáng xung quanh bé. Tất cả đều nên thật nhẹ nhàng.
Cha mẹ cần ước đoán khi nào bé sẽ ‘bùng nổ’. Nhẹ nhàng đưa bé ra khỏi những tình huống đó.
Nên thử uốn nắn bé bằng cách: cho bé tham gia vào các hoạt động khác, ít có nguy cơ gây giận dữ hơn, hoặc, chỉ cần ôm bé.
Đảm bảo rằng con bạn được ngủ đủ.
Với những trẻ phản ứng với xung quanh tương đối nhẹ nhàng:
Tìm cách thu hút sự chú ý của bé là lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.
Cha mẹ nên chọn những loại nhạc với âm thanh sôi động hoặc giọng diễn cảm khi đọc truyện cho con.
Tổ chức các hoạt động năng động để con bị thu hút. Cho con vận động, di chuyển – trẻ có tính cách nhẹ nhàng sẽ phản ứng tốt hơn nếu chúng đang chuyển động.
2. Đo mức độ năng động
Khi trẻ bắt đầu hoàn thành các kỹ năng vận động, bạn có thể biết rằng bé năng động hay không.
Nếu bé luôn luôn muốn khám phá thế giới xung quanh bằng cách bò, chạy, trèo, lục lọi các thừ đồ… thì chắc chắn sau này bé rất hiếu động.
Ngược lại, có những bé chỉ thích ngồi, chơi đồ chơi rất lặng lẽ, và thích thú khám phá đôi tay của chúng hơn so với đôi chân. Chúng có xu hướng khám phá thế giới thông qua nhìn ngắm và lắng nghe.
Các bé theo kiểu này hoàn toàn khỏe mạnh như những trẻ năng động, nhưng chúng không cảm thấy nhu cầu về chuyển động nhiều như các bạn đó.
Cách mà cha mẹ có thể giúp con:
Với những trẻ ‘luôn tay luôn chân’
Cha mẹ nên tạo cho bé nhiều cơ hội để khám phá, tuy nhiên vẫn phải an toàn. Chơi trốn tìm, chơi đuổi bắt… là những trò chơi vận động mà bé yêu thích.
Đừng mong đợi bé con của bạn chịu ngồi im một lúc lâu. Hãy để bé đứng ngay cả khi đang thay tã và cho bé rời khỏi ghế ăn ngay khi bé vừa ăn xong.
Nên bắt đầu giới hạn các trò chơi vận động ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ buổi đêm và 30 phút trước giờ ngủ buổi trưa để giúp bé bớt phấn khích và ngủ ngon hơn.
Với những trẻ ít vận động
Khuyến khích bé vận động bằng cách đặt các đồ chơi thú vị hơi xa một chút so với nơi mà bé có thể dễ dàng với tới.
Theo dõi cách mà bé chuyển động và nhẹ nhàng khuyến khích bé tham gia vào các trò chơi vận động. Có thể bạn nên tham gia chơi cùng con trong giai đoạn đầu.
Nghe nhạc cùng con, thật dễ dàng để chuyển từ ‘nghe’ sang ‘nhảy múa’ nếu như âm nhạc tạo cảm hứng cho bé.
3. Đo mức độ phản ứng trước thất bại
Bạn sẽ có những dấu hiệu đầu tiên về khả năng thích ứng với thất bại của bé ngay trong năm đầu đời, nhưng điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bé đến tuổi tập đi.
Trẻ với tính kiên trì sẽ tiếp tục thử sức khi đối mặt với khó khăn, kiên trì chờ đợi cho đến khi những nhu cầu của bé được đáp ứng.
Với trẻ có khả năng thích nghi với thất bại, chúng sẽ không ngừng cố gắng cho đến khi đạt được mục đích. Trong khi đó, những trẻ ít kiên trì hơn có thể từ bỏ, khóc hoặc tìm cách thực hiện một hoạt động khác thay thế.
Cách mà cha mẹ có thể giúp con:
Với trẻ ‘Thử tiếp xem sao’:
Hãy cùng trẻ tham gia vào các trò chơi. Có thể bé không cần có bạn ở đó để yên tâm, nhưng trẻ cần và hưởng nhiều lợi ích từ sự tương tác của bạn.
Bạn cũng có thể thấy con cứ làm đi làm lại cùng một cách mà không đạt được kết quả. Hãy gợi ý cho con một phương án khác. Bạn có thể giúp con học thêm nhiều kỹ năng khi chơi cùng con.
Bạn cũng cần nhất quán. Trẻ có tính cách kiên trì có thể rất khó khăn để chấp nhận câu trả lời ‘không’ của cha mẹ.
Thay vì chào thua, hãy hướng bé đến một cái gì đó mà bé chắc sẽ đồng ý làm.
Với trẻ bỏ cuộc dễ dàng:
Ví dụ như khi con bị ngã, hãy xác nhận tâm trạng của con bằng cách nói: ‘Cũng khó đấy con, chắc là con bực mình vì chưa làm được đấy nhỉ’.
Giúp con nghĩ ra giải pháp, nhưng cha mẹ đừng làm hộ con.
Bạn nên khuyến khích con thử lại, một việc có vẻ như không thể làm được khi trẻ đang đói và cần ngủ trưa lại trở nên rất dễ sau đó.
4. Đo mức độ phản ứng trước thay đổi
Trong khi đa phần trẻ thường rất linh hoạt trước những thay đổi, một số trẻ khác lại có phản ứng tiêu cực trước bất cứ thay đổi nào.
Chỉ cần một món mới trong đĩa thức ăn hay một thay đổi nhỏ trong lịch trình đi ngủ cũng làm cho những trẻ này không thoải mái.
Bé có thể khóc nhiều hơn, cần dỗ dành nhiều hơn, cần nhiều thời gian hơn để thích nghi.
Ở xu hướng ngược lại, trẻ luôn luôn thích những thứ mới: áo jacket mới, bạn mới hay món ăn mới đều làm bé hứng thú. Bé có thể ngủ ngon ngay giữa âm thanh ồn ào của nhà hàng, ăn ở nơi mà bạn tình cờ dừng lại trong chuyến du lịch, ngồi vẽ lăng nhăng ra một tờ giấy bỏ đi hoặc ngó nghiêng xung quanh khi mẹ cho đến quán cà phê.
Cách mà cha mẹ có thể giúp con:
Với trẻ ‘Con thích mọi thứ mới’
Hãy nhạy cảm với những dấu hiệu của con. Khi con cực kỳ dễ tính, chúng ta đôi khi lại giả định rằng thay đổi kiểu gì cũng được, trong khi thực tế không phải như vậy.
Dù cho con có thích nghi với môi trường bên ngoài dễ dàng đến thế nào, việc dùng thời gian ở bên con, ôm con trên ghế bành phòng khách và cùng con đọc một cuốn sách vẫn vô cùng quan trọng.
Với trẻ ‘Cái gì mà lạ vậy mẹ?’
Hãy sử dụng những đồ quen thuộc, từ cái chăn bé vẫn thích hay thú nhồi bông… để giúp bé làm quen với những giai đoạn chuyển đổi.
Đầu tiên hãy nói với bé về thay đổi, chờ đợi một thời gian đủ để con có thể cảm thấy thoải mái với thay đổi đó.
Hãy giúp con biết trước về thời điểm một hoạt động nào đó sắp kết thúc. Ví dụ, bạn có thể nói: ‘Khi chuông reo, con đi tắm nhé!’
5. Đo lường phản ứng với người lạ
Một đặc điểm thường xuất hiện ở trẻ khi thấy người lạ là nép vào cha mẹ, xấu hổ hoặc e ngại khi ở giữa những người lạ mặt. Trẻ thường cần nhiều thời gian và sự hỗ trợ của người nuôi dưỡng để cảm thấy thoải mái khi có mặt người lạ.
Tuy nhiên, có những trẻ lại nhanh chóng hòa đồng, cười tươi hớn hở chỉ vài phút sau khi làm quen với một người lạ.
Cách mà cha mẹ có thể giúp con:
Đối với trẻ ‘làm quen chậm’
Giới thiệu trẻ với người lạ trong vòng tay an toàn của bạn. Cha mẹ có thể đưa cho con một đồ chơi hoặc một quyển sách mà con thích, rồi giúp con dùng đồ vật đó như ‘cầu nối’ để làm quen dần với người lạ.
Bất cứ lúc nào có thể, hãy nói với con rằng con sẽ gặp người ‘mới’, nói sơ qua về người đó và dành cho bé nhiều thời gian khi bắt đầu làm quen.
Đừng đóng mác là con bạn ‘nhút nhát’. Cách dán nhãn này sẽ khiến bé ‘tự kỷ ám thị’. Bạn có thể chỉ giải thích cho trẻ và những người khác rằng bé thích làm mọi thứ ‘chậm’ hơn một chút.
Đối với trẻ ‘quan hệ rộng’
Cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội để tương tác xã hội.
Đồng thời, giúp trẻ chơi một mình khi cần.
Tạo cơ hội cho bé sử dụng những đồ chơi sẵn có và trí tưởng tượng để chơi một mình. Bé sẽ cần biết rằng mình có bản sắc riêng và có thể cảm thấy thoải mái, khi ở bên bạn bè cũng như lúc một mình.
Đặt tất cả mảnh ghép vào cạnh nhau
Sự kết hợp của 5 kết quả định lượng trên đây sẽ giúp bạn nhận ra con bạn thuộc kiểu tính cách nào.
Tính cách không phải là điều mà con chọn, cũng không phải là điều mà bạn có thể tạo nên. Chính vì thế, cũng không có khái niệm đúng – sai, tốt hơn – tồi hơn khi đánh giá tính cách.
Điều thực tế là, bạn có thể thích một số tính cách này của con hơn một số tính cách khác. Căn nguyên của điều đó là: các hành vi của con có thể nhắc bạn về phần tính cách của chính bạn, mà bạn không thích lắm và muốn thay đổi.
Thêm nữa, bạn cũng cảm thấy không thoải mái về tính cách quá khác biệt với bạn của con, ví dụ như con rất dễ dàng thích nghi với cái mới trong khi bạn muốn ‘sống chậm’.
Trên tất cả, việc chấp nhận tính cách của trẻ như thực tế vốn có là điều cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa với con.
Bạn cũng cần nhớ rằng những tính cách có thể coi là ‘nhược điểm’ của trẻ khi còn bé lại hóa thành ưu điểm khi trẻ lớn lên.
Ví dụ đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động sau này sẽ nhiệt tình, sáng tạo, quyết đoán. Những trẻ hơi nhát sau này sẽ lớn lên rất nhạy cảm, biết suy nghĩ, biết lắng nghe và thông cảm với bạn bè.
Hiện tại, việc nhận ra tính cách của con sẽ giúp cha mẹ ước đoán được phản ứng của con trước mỗi tình huống, giúp con luôn cảm thấy an toàn và được che chở.
Vậy nhưng, nhiều khi bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên: một đứa trẻ thường e ngại khi gặp người lạ lại vô cùng yêu cô giáo mới.
Thực tế là con luôn có thể làm cha mẹ bất ngờ.
Bất ngờ chính là món quà thú vị nhất và đẹp đẽ nhất dành cho việc làm cha, làm mẹ.
Theo Gia đình mới
- Đây mới là “công thức” chuẩn giúp cha mẹ nuôi dạy con thành công
- Điểm chung trong cách dạy con của những người giàu nhất thế giới
- Đọc 'Bức thư của người mẹ gửi con trai' ai cũng sẽ nghĩ lại về cách dạy con
- Không phải khen ngợi, bố mẹ Tây đã luôn dạy con điều này để trẻ thành tài
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua