Dòng sự kiện:

5 sai lầm mẹ thường mắc phải khi cho con ngủ

16:53 09/08/2016
Thay vì nhanh chóng đi vào giấc ngủ thì nhiều em bé lại quấy khóc, ngủ không sâu giấc do sai lầm của cha mẹ.

Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đối với trẻ sơ sinh thì phần lớn thời gian trong ngày của bé dành cho việc ngủ. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng đi vào giấc ngủ, có một giấc ngủ ngon, trọn vẹn và khỏe khoắn thì nhiều em bé lại quấy khóc, và ngủ không sâu giấc, mà nguyên nhân là do sai lầm của cha mẹ.

Mẹ hãy tham khảo 5 sai lầm mẹ thường mắc phải khi cho con ngủ nhé!

Cho con ngủ không đúng giờ

Ngủ đúng giờ giấc là điều rất quan trọng đối với cho trẻ nhỏ, nhưng nhiều bậc cha mẹ mắc phải sai lầm khi phá vỡ thời gian biểu ngủ của trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ tỏ ra cáu gắt, quấy khóc khi lúc muốn ngủ thì bị đánh thức, hoặc khi muốn thức thì bị ép ngủ.

Hãy theo dõi và lên lịch cụ thể, phù hợp với nhu cầu của con trẻ để trẻ làm quen với thời gian biểu của mình. Nếu như không chú ý điều này, cha mẹ đang bỏ lỡ một cơ hội giúp con có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể lực và trí tuệ.

Để trẻ ngủ mọi lúc mọi nơi

Việc cho con ngủ theo đúng lịch trình định sẵn thật sự gây ra nhiều khó khăn với các bà mẹ. Nhưng những giấc ngủ trưa chớp nhoáng trong xe đẩy, ở ghế ô tô, hoặc trong những cửa hàng, quán ăn... sẽ không cung cấp giấc ngủ đủ sâu và yên tĩnh cho bé.

Vì vậy để phát triển một thói quen ngủ tốt, bạn cần có một không gian ngủ quen thuộc đảm bảo được sự hài hoà để bé chìm vào giấc ngủ mỗi ngày. Nếu bạn phải ra ngoài vào ban đêm, hãy nhờ người giữa trẻ hoặc người thân trong gia đình để giúp đỡ để bé không phải mất ngủ trong môi trường không thân thuộc.

Cho con ngủ sai tư thế

Việc lựa chọn một tư thế ngủ phù hợp, khoa học cũng giúp con trẻ ngủ sâu và ngon hơn. Trẻ sẽ lớn trong khi ngủ, vì thế cha mẹ phải hết sức chú ý điều này. Rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng chèn con bằng gối hay miếng chặn dày, ủ kĩ sẽ khiến con đỡ giật mình, ngủ say hơn. Nhưng sai lầm này chỉ khiến con trẻ đổ mồ hôi nhiều, dễ bị nhiễm lạnh và cảm lạnh. Bên cạnh đó, việc đặt trẻ nằm trong cũi xung quanh có nhiều chăn cũng có nguy cơ sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận mối đe dọa của hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS) do tư thế ngủ không đúng.

Cách tốt nhất là cha mẹ nên cho trẻ ngủ trên giường ở những tư thế an toàn, thu xếp gọn gàng chăn màn, giường chiếu để không khí xung quanh trẻ được thoáng đãng. Cha mẹ phải chú ý tới các tư thế ngủ có lợi cho bé. Khi đặt trẻ nằm ngửa, với tư thế này, mũi trẻ sẽ hướng lên trên tránh được những vật xung quanh ảnh hưởng. Tuy nhiên, tư thế này có nhược điểm đó là nếu nằm lâu sẽ ảnh hưởng tới hình dáng đầu của trẻ. Thêm vào đó, nếu trẻ bị nghẹt mũi, tư thế này có thể khiến trẻ bị khó thở.

Nằm sấp là tư thế trẻ sơ sinh ưa thích, tư thế này khiến trẻ nhanh tập bò, tập lẫy. Tuy nhiên, nhược điểm của tư thế này là dễ khiến trẻ bị nghẹt thở. Nằm nghiêng khiến trẻ được an toàn, dễ dàng hô hấp hơn nhưng nó cũng là tư thế khiến trẻ dễ bị trớ sữa theo khóe miệng. 

Dỗ bé ngủ lúc nửa đêm

Việc phải thức dậy lúc nửa đêm để dỗ con là do cha mẹ đã mắc sai lầm lớn về việc cho con ngủ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc mất ngủ ở trẻ. Cha mẹ vô tình làm cho việc khóc giữa đêm của con diễn ra nhiều hơn khiến việc mất ngủ lặp lại nhiều lần.

Ví dụ như: Tôi để cho con khóc trong 30 phút và sau đó tôi bế con ra ngoài và dỗ nó ngủ bởi vì tôi không thể chịu được nữa. Các bé sẽ hiểu rằng nếu nó khóc hoài cuối cùng bạn cũng cho nó điều nó muốn, và bạn sẽ lặp lại điều đó nhiều lần khi con thức dậy suốt đêm.


 

Vừa rung vừa ru con ngủ

Do hệ thần kinh của trẻ sơ sinh chưa đạt đến độ hoàn thiện nên những chấn động, rung lắc quá mạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hội chứng rung lắc, một dạng chấn thương não khá nghiêm trọng.

Theo các nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ trong 3 hoặc 5 giây rung lắc là não của trẻ đã có thể phải chịu những tổn thương. Tổn thương nặng có thể khiến trẻ chậm phát triển năng lực trí tuệ, giảm thị lực, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng và chậm hình thành nhận thức. 

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam