Dòng sự kiện:

5 tác hại chẳng ngờ từ việc xỉa tăm sau khi ăn

16:13 08/03/2016
Nhiều người có thói quen dùng tăm xỉa răng sau khi ăn mà không biết rằng thói quen này có thể gây hại lớn cho răng và lợi.

 

 

 

Những tác hại của việc dùng tăm xỉa răng:

Răng bị thưa: Thường xuyên xỉa răng bằng tăm sẽ khiến khoảng cách giữa các kẽ răng tăng lên, làm hàm răng thưa, trông rất mất thẩm mỹ. Thói quen này còn làm cho mối liên kết giữa các răng trong hàm lỏng lẻo, dễ bám thức ăn, từ đó gây nên các bệnh về răng miệng.

Xỉa răng gây tụt lợi, vỡ men: Nhiều người có thói quen dùng tăm có đầu nhọn, sắc chọc vào khe răng làm tổn thương lợi, tụt lợi, viêm quanh chân răng. Xỉa răng làm kẽ răng ngày càng rộng, trở thành nơi “trú ngụ” của mảng bám thức ăn, là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Men răng bị phá hỏng và răng dễ bị rụng.

Gây hại cho lợi và xương: Các thức ăn thừa vướng lại trong kẽ răng tạo thành bựa. Lúc này, vi khuẩn sinh trưởng mạnh trong môi trường miệng kết hợp với các chất khoáng lắng đọng trong nước bọt tạo thành vôi răng (cao răng).

Khi dùng tăm loại bỏ những thức ăn còn sót lại, thì những chiếc gai gỗ nhỏ này chọc vào phần lợi mềm sẽ làm rách lợi, gây chảy máu. Vi khuẩn ở trên tăm và trong khoang miệng lợi dụng chỗ bị nhiễm khuẩn thừa cơ đột nhập, gây viêm tấy rất khó chịu. Nếu thường xuyên phải chịu những tổn hại như vậy, lợi và xương chân răng sẽ dần dần nhỏ lại.

Nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm: Các bệnh về răng tưởng chừng đơn giản nhưng là một trong những tác nhân khiến mọi người có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều chứng bệnh về huyết áp, tim mạch cũng như ung thư. Các bệnh răng miệng như nướu có thể làm phát sinh viêm không chỉ ở nướu răng mà còn ở hệ tuần hoàn, hậu quả là gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu truyền lên não, từ đó làm suy giảm chức năng nhận thức.

Có thế mất mạng vì dùng tăm: Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn đều có thể bị hóc nếu như vô tình nuốt phải tăm. Với trường hợp này, nếu không nội soi phát hiện và lấy ra kịp thời thì không chỉ dừng lại ở việc thủng thành đại tràng mà có thể gây biến chứng viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng.

Làm sạch răng đúng cách:

Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Cường, khoa Răng - Hàm - Mặt thuộc Phòng khám Đa khoa Dr.Binh Teleclinic khuyến cáo trên báo Tri Thức Trực Tuyến, cách tốt nhất làm sạch răng mỗi khi ăn xong là vệ sinh răng miệng. Mỗi ngày cần đánh răng ít nhất 2-3 lần, mỗi lần khoảng 3-5 phút. Sau khi ăn, bạn chỉ nên đánh răng sau khi ăn 15-20 phút. Khi vừa ăn xong, môi trường miệng mang tính axit nhiều do nước bọt tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nếu đánh răng lúc này rất dễ tổn thương men răng.

Mỗi khi ăn vặt, bạn nên súc miệng thật kỹ. Điều này nhằm giúp loại bỏ vi khuẩn và hơi thở có mùi trong miệng cũng như loại trừ nguy cơ gây sâu răng và các bệnh lý răng miệng. Nếu “ngứa ngáy” muốn dùng tăm, bạn có thể thay thế bằng chỉ nha khoa để lấy phần thức ăn còn bám trong răng, ngăn chặn môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây nên tình trạng sâu răng.

Ngoài ra, bác sĩ Cường khuyến nghị mọi người cần thường xuyên khám răng định kỳ và lấy cao răng 6 tháng/lần để có được sức khỏe răng miệng tốt nhất.

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam