Dòng sự kiện:

6 loại bánh chưng độc đáo đắt khách cho Tết

09:01 22/01/2017
Bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng gạo lứt nếp cẩm, bánh chưng nếp nương, bánh tét chữ… là những biến tấu mới của món bánh chưng truyền thống, được bà nội trợ và các gia đình ưa chuộng trong dịp Tết Đinh Dậu năm nay.

Bánh chưng là món ăn Tết truyền thống từ ngàn đời nay của người Việt, trong mỗi dịp Tết, để dâng cúng lên trời đất, tổ tiên và các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức trong bữa cơm sum vầy. 

Bên cạnh cặp bánh chưng xanh truyền thống, nhiều gia đình đã chọn những món bánh chưng có hình thức lạ hơn, độc đáo hơn để mâm cỗ đầu năm thêm màu sắc. Càng cận Tết, các tiệm bán bánh chưng càng giới thiệu thêm nhiều món bánh hấp dẫn để khách hàng lựa chọn. 

unnamed-13.jpg

Bánh chưng gấc

unnamed-7.jpg

Bánh có màu đỏ đẹp mắt thay lời chúc cả năm luôn may mắn. 

Bánh chưng gấc được làm từ các nguyên liệu tươi ngon như: Gạo nếp trộn cùng thịt heo, gấc, đậu xanh, gia vị… Mùi vị của chiếc bánh rất đặc biệt, thơm ngậy vị gấc. Hiện nay, trên thị trường có bánh chưng nhân gấc mặn (có thịt heo) và bánh chưng nhân gấc ngọt (nhân đường) để khách hàng lựa chọn, với giá từ 85.000 đồng/chiếc. 

Bánh chưng ngũ sắc

unnamed-11.jpg

Bánh có 5 màu: trắng, đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. 

Để làm nên một chiếc bánh chưng ngũ sắc mất rất nhiều thời gian và yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ. Màu sắc của bánh được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên: gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm.

Đặc biệt, để bánh có màu đẹp, người làm phải khéo léo trong quá trình đổ gạo vào khuôn thật cẩn thận sao cho các màu không bị lẫn vào nhau. 5 màu trong chiếc bánh là 5 vị khác nhau, không gây cảm giác ngấy khi ăn, nên được nhiều người đặt mua, với giá 120.000 - 150.000 đồng/chiếc.
Bánh chưng xanh Điện Biên

unnamed-10.jpg

Bánh được làm từ gạo nếp nương xanh đặc trưng của Điện Biên, khi thưởng thức bánh, có thể cảm nhận được vị dẻo, thơm của hạt gạo đặc sản vùng cao. 

Giá loại bánh chưng này khá ‘mềm’, từ 50.000 đồng/chiếc. 

Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ

unnamed-8.jpg

Bánh được làm từ các nguyên liệu đặc biệt: nếp lứt đỏ, đỗ xanh, muối… không chỉ hấp dẫn bởi mùi vị đặc biệt mà còn có màu sắc khá bắt mắt. 

Loại bánh này phù hợp với những người ăn chay. Giá bánh: 85.000 đồng/chiếc.

Bánh chưng đen

unnamed-6.jpg

Đây là món bánh truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, có màu đen tím của hạt nếp cẩm, mềm, dẻo, vị thanh mát.
Bánh được gói hình dạng tròn, dài, gần giống bánh tét ở miền Nam. Giá bánh từ 75.000 đồng/chiếc.

Bánh tét 

unnamed-15.jpg

Bánh tét là món bánh quen thuộc ở miền Nam nhưng vài năm gần đây, tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm miền Bắc cũng bán nhiều các loại bánh tét, để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.

Bên cạnh loại bánh tét được gói theo kiểu truyền thống, với các nguyên liệu như món bánh chưng, thị trường còn có thêm loại bánh tét lá cẩm trứng vịt muối, bán với giá từ 100.000 đồng/đòn. Đặc biệt, còn có loại bánh tét chữ, với mỗi khoanh bánh tét là 1 chữ cái riêng. Một cặp bánh chứa một bộ chữ chúc Xuân khác nhau như chúc mừng năm mới, phát lộc phát tài, tấn tài tấn lộc, tân niên phú quý, an khang thịnh vượng… 

Để làm được khuôn chữ đẹp, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, khéo léo. Giá mỗi cặp bánh khá cao, từ 800.000 đồng.

Theo PNVN

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG