Dòng sự kiện:

6 loại thuốc cấm không được nghiền, bẻ nhỏ để uống

16:20 14/01/2016
Việc nhai hoặc bẻ nhỏ thuốc để uống có thể phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc, dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị, thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới dạ dày.

Tin liên quan

[mecloud]NmMy4kBmEA[/mecloud]

Các loại viên nén thông thường, viên giải phóng tức thì, viên bao đường hoặc bao film là những dạng thuốc có thể nhai hoặc nghiền được vì dược động học thay đổi không đáng kể.

Bên cạnh đó lại có những dạng thuốc viên không được nhai, nghiền hay bẻ nhỏ là (theo báo Sức khỏe và Đời sống):

1. Thuốc dạng bào chế kiểm soát giải phóng (phóng thích dược chất kéo dài): Các thuốc dạng này thường được gọi với nhiều thuật ngữ khác nhau và có ký hiệu rõ ràng trên tên thuốc. Đây là dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ (matrix) chứa thuốc, sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài, phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ.

Các dạng này có thể được nhận biết nhờ những ký hiệu trên tên thuốc như: 12-hour, 24-hour, CR (phóng thích có kiểm soát), LA (tác dụng kéo dài), Retard (chậm), SR (phóng thích chậm), XL (kéo dài hơn), XR (phóng thích kéo dài), LP (giải phóng kéo dài 8 giờ)... Tuy nhiên, cũng có nhiều tên thuốc không có ký hiệu để nhận biết như: aggrenox, pentasa, plendil, nitromint... Đặc biệt, dạng thuốc này chứa hàm lượng cao hơn dạng thuốc thông thường nên phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng sai có thể gây quá liều nguy hiểm và đặc biệt không được nhai, bẻ nhỏ hoặc mở viên nang.

2. Thuốc bao tan trong ruột: Đây là dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn và chỉ tan ở phần đầu ruột non (tức tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột. Mục đích của dạng thuốc này là ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày chẳng hạn như các thuốc ức chế bơm proton (nexium, pantoloc) hoặc bisacodyl...; ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày (như viên nén bao tan ở ruột aspirin pH8). Với loại thuốc viên bao tan trong ruột, rất cần uống nguyên vẹn cả viên, không được bẻ nhỏ, kể cả nhai, ngậm.

3. Thuốc viên sủi: Đây là loại thuốc cần được làm tan hoàn toàn trong nước trước khi đưa vào cơ thể. Thuốc dạng sủi là dạng phải giữ nguyên viên, tránh ẩm tốt để giữ nguyên hoạt chất và chỉ uống sau khi hòa tan. Không được bẻ nhỏ viên sủi hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống, sẽ rất hại cho đường tiêu hóa và khi không đủ nước để tan, thuốc không thể phát huy hết tác dụng.

4. Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc: Các thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch, như endoxan, methotrexat... Việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này.

Một số thuốc như dolobib, feldence, posicor nếu nghiền hoặc mở viên nang, bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây kích ứng. Thậm chí có thuốc như propecia, proscar được khuyến cáo không được nghiền, bẻ nhỏ vì nếu bột thuốc bị phân tán, xâm nhập qua cơ thể phụ nữ mang thai (qua đường mũi, miệng) sẽ ảnh hưởng đến thai. Do vậy, với các loại thuốc này, người bệnh phải giữ nguyên vẹn viên thuốc khi uống.

5. Thuốc rất đắng, có mùi khó chịu: Không nên nhai, nghiền những thuốc mà dược chất có mùi vị khó chịu như zinnat, remeron... hoặc dược chất gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như fosamax, Felden... Các thuốc: betapen-VK, cipro, ceftin, desyrel, equanil, berberin... là thuốc phải uống nguyên vẹn viên. Nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất.

6. Thuốc ngậm dưới lưỡi: Với những viên thuốc đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được bẻ đôi, bẻ nhỏ viên thuốc. Nhiều người nghĩ rằng làm như vậy không ảnh hưởng gì, nhưng thực tế chúng ta đã vô tình phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc, làm hỏng dạng thuốc, ví dụ như thuốc sorbitrate, sublingual, ergomar... tuyệt đối không được bẻ nhỏ.

Một số sai lầm khi dùng thuốc:

Phối hợp thuốc không đúng cách

Tùy tiện kết hợp các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây ra phản ứng nguy hiểm. Một ví dụ điển hình là sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm sẽ làm cho nồng độ serotonin tăng nhanh – tác nhân gây kích động, khiến nhiệt độ cơ thể tăng đột biến, nhịp tim cao và thở gấp, có thể gây ra co giật, động kinh.

Tương tự, trong trường hợp phải dùng nhiều loại thuốc để trị bệnh, chúng ta cần tìm hiểu thật kĩ việc phối hợp chúng trong cùng một thời điểm có gây hại hay không. Nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì cần sắp xếp thời gian, số lần và cách kết hợp sao cho hợp lý. Thông thường, các loại thuốc khác nhau nên được uống cách nhau 1 giờ.

Uống thuốc quá liều gây ngộ độc

Việc dùng thuốc quá liều lượng gồm 2 trường hợp: Dùng quá liều trong 1 lần sử dụng và dùng thuốc trong thời gian quá dài.

Liều dùng của thuốc không phải được ấn định một cách tùy tiện, mà phải trải qua quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng nhằm thử tác dụng dược lý để tìm ra. Sử dụng thuốc quá liều trong 1 lần dùng có thể gây ra sốc hoặc ngộ độc thuốc. Uống thuốc quá lâu dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, vi khuẩn đề kháng thuốc.

Nằm uống thuốc


Với tư thế nằm, thuốc dễ bị dính vào vách thực quản, không những làm giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Tốt nhất, chúng ta nên ngồi thẳng người khi uống thuốc.

Thêm vào đó, việc vận động cơ thể ngay sau khi dùng thuốc cũng là điều không nên. Thường thuốc sẽ được hấp thụ và phát huy tác dụng sau khi vào cơ thể từ 30 – 60 phút. Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Hoạt động thể thao ngay sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, khiến cơ thể mất cân bằng, dễ gây tụt huyết áp, ngất xỉu.

Dùng nước tùy tiện để uống thuốc

Loại nước tốt nhất để uống cùng với thuốc là nước lọc ấm. Các loại sữa, nước hoa quả, trà, cà phê, rượu… đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây ngộc độc tai hại.

Các loại nước ép sẽ gây ức chế men trong quá trình hấp thụ thuốc. Canxi trong sữa làm giảm tác dụng các loại thuốc kháng sinh. Sử dụng rượu khi uống thuốc, nhất là các loại thuốc có hoạt chất acetaminophen sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan, gây nên các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan,…

 Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video hot: [mecloud]sZrpitt4XE[/mecloud]