7 sai lầm thường gặp nhất của cha mẹ khi phạt con
1. Mất bình tĩnh
Hậu quả có thể không bao giờ thay đổi được nếu bạn cũng mất bình tĩnh khi phạt con. Trước hết là la mắng và sau đó, tệ hơn, tét mông con. Làm thế khiến trẻ hiểu rằng, tức giận cũng chẳng sao, nói và làm những điều gây tổn thương, đau đớn cũng chẳng sao. Trẻ cũng có thể lớn tiếng trở lại với bạn và nếu tệ hơn, đánh bạn để bộc lộ cơn giận dữ của mình.
Trẻ cũng có thể lớn tiếng trở lại với bạn và nếu tệ hơn, đánh bạn để bộc lộ cơn giận dữ của mình (Ảnh minh họa).
Biện pháp thay thế: Ngồi vào góc bình yên không chỉ dành riêng cho trẻ em. Nếu thấy mình có nguy cơ nổi đóa, hãy dành ra 1 phút, lấy lại bình tĩnh và sử dụng lý lẽ để trò chuyện cùng con. Trẻ thực sự phản ứng tốt hơn trước những đề nghị bình tĩnh hơn là trước những đòi hỏi, mệnh lệnh cáu gắt.
2. Những mệnh lệnh tiêu cực
Thông thường, cha mẹ hay đưa ra những mệnh lệnh thiếu tích cực cho trẻ như "Đừng có làm việc đó" hay "Dừng lại ngay". Những thứ chúng ta yêu cầu trẻ không được làm áp đảo những thứ chúng ta nói trẻ nên làm.
Biện pháp thay thế: Theo các chuyên gia, chỉ nói "KHÔNG" trong những tình huống thực sự nguy hiểm như trẻ chọc tay vào ổ điện. Ngoài ra, hãy cho trẻ biết bạn muốn trẻ làm gì. Đồng thời, giải thích cho trẻ TẠI SAO trẻ không nên làm việc gì đó thay vì chỉ ra lệnh. Ví dụ, nếu bé giật tóc em, thay vì hét lên "Không được làm vậy", bạn hãy nói: "Nhìn kìa, con làm em đau rồi đấy. Em sẽ buồn nếu con cứ làm thế". Hơn nữa, hãy nhớ áp dụng phương pháp làm cha mẹ tích cực bằng cách khen ngợi khi trẻ nghe lời bạn.
3. Không tuân thủ quy tắc
Chúng ta đề ra các quy tắc, luật lệ mà chúng ta không thể tuân thủ. Ví dụ, bạn nói với con không được thiếu tôn trọng người khác. Nhưng chính bạn lại giận điên lên với một thành viên trong gia đình và quát mắng họ ngay trước mặt trẻ. Việc này truyền đi thông điệp: quy tắc, luật lệ cũng có thể bị bẻ cong và phá vỡ.
Nếu chính bố mẹ vi phạm quy tắc đặt ra, hãy xin lỗi con (Ảnh minh họa).
Biện pháp thay thế: Thật khó để kiểm soát cảm xúc của chúng ta mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, nếu có lỡ vi phạm, hãy chân thành nhận lỗi và xin lỗi trẻ. Nếu trẻ chỉ ra vi phạm của bạn, đừng tỏ ra kiêu ngạo và bảo con "đừng xía vào chuyện người khác". Trẻ dễ dàng chấp nhận và bỏ qua lời xin lỗi chân thành.
4. Mua chuộc trẻ
Nếu trẻ làm theo yêu cầu của cha mẹ chỉ khi nhận được thứ gì đó đổi lại, sẽ không có bài học nào được rút ra. Và cứ thế, trẻ mong chờ được thưởng bất cứ khi nào làm điều tốt. Thậm chí, trẻ có thể lợi dụng việc xấu để gây sức ép, buộc cha mẹ phải trao cho trẻ thứ chúng muốn.
Biện pháp thay thế: Thay vì hối lộ trẻ để trẻ cư xử tốt, các chuyên gia khẳng định, việc củng cố hành vi tốt có tác dụng lớn hơn nhiều. Nghĩa là, thay vì nói: "Nếu con ngoan ở siêu thị hôm nay, mẹ sẽ mua kẹo cho con", bạn hãy thử: "Mẹ thật hãnh diện vì cách cư xử của con ở siêu thị hôm nay. Con đúng là một cô bé/cậu bé ngoan". Tương tự, nếu con làm gì đó xấu, bạn có thể nói: "Những gì con làm ở siêu thị hôm nay làm mẹ buồn lắm".
5. Kỷ luật không nhất quán
Bạn vừa yêu cầu con rời khỏi màn hình máy tính nhưng bé phớt lờ bạn và tiếp tục chơi game. Vậy là bạn đe dọa: "Nếu không tắt máy ngay trước khi mẹ tới chỗ con, cả tuần này con sẽ không được xem tivi nữa". Nhưng bé vẫn không chịu dừng chơi và bạn buộc phải tự mình tắt máy tính đi. Bạn quên béng mất lời đe dọa không được xem tivi cả tuần vừa đưa ra trước đó không lâu.
Phạt con cũng cần nhất quán (Ảnh minh họa).
Biện pháp thay thế: Đừng hứa hẹn những gì bạn không thể làm. Hãy đặt ra giới hạn và tuân thủ nghiêm túc. Luôn thành thật với những quy tắc bạn đề ra. Không thương lượng, không mặc cả. Nếu trẻ thực hiện theo yêu cầu của bạn, hãy cảm ơn trẻ vì điều đó.
6. Kỳ vọng quá cao
Khi trẻ ăn vạ vì không được mua đồ chơi trong siêu thị, việc trông đợi con ngồi nguyên trong xe đẩy siêu thị và không đòi hỏi bất cứ thứ gì là quá nhiều.
Biện pháp thay thế: Các chuyên gia nhấn mạnh, trẻ nhỏ không được lập trình để tự động nhận biết các quy tắc tiêu chuẩn trong xã hội. Khi nhìn thấy những gói kẹo đầy màu sắc, trẻ tự nhiên muốn có chúng. Lựa chọn dễ dàng là không đưa con đi siêu thị cùng bạn nữa. Nhưng nếu làm vậy, bạn sẽ chẳng dạy được gì cho trẻ. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con vài lần trước khi trẻ định làm gì đó theo cách bạn mong chờ và ngợi khen hành vi tốt của trẻ.
7. Áp dụng một hình thức phạt con cho mọi đứa trẻ
Cho con gái bạn ngồi vào góc bình yên vì cư xử chưa đúng là cách kỷ luật hiệu quả. Nhưng con trai bạn lại không phản ứng tốt với biện pháp này. Bạn phải làm sao?
Biện pháp thay thế: Phân tích tính cách của con trước khi tiến hành kỷ luật. Cách hợp với con gái bạn chưa chắc có tác dụng với con trai bạn. Ngoài ra, những độ tuổi khác nhau cũng đòi hỏi những cách kỷ luật khác nhau.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- 5 điều quan trọng bố mẹ nên dạy con khi còn nhỏ
- Mẹ Nhật Nam chỉ 2 sai lầm của nhiều mẹ Việt khi nuôi dạy con
- 8 chìa khóa vàng để dạy con lớn lên thành công trong mọi hoàn cảnh
- Dùng chuột nuôi dạy con ngoan, tại sao không?
- Dạy con cách ứng xử qua trò chơi rất tự nhiên và dễ dàng
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua