Dòng sự kiện:

Dùng chuột nuôi dạy con ngoan, tại sao không?

Theo Phụ nữ Online
19:30 01/03/2017
Nhân dịp “buôn bán” đầu tay ấy, tôi dạy con biết rằng, phải vất vả chăm nom nhiều thế, mà tiền thu hoạch về cũng không đủ trang trải. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe con gái mình nhẹ giọng bảo, hóa ra kiếm tiền khó thật...

“Mẹ, Chít với Chút, hai con chuột mẹ tặng con, vừa chết rồi! Chít chết trong lồng, đầu bị chảy máu, tội lắm mẹ ơi. Chút mới chết, ngay sau khi con cho nó uống vài giọt nước… Mẹ về sớm với con nha, con nhớ mẹ!”.

Cái tin nhắn được bỏ dấu cẩn thận, cùng với nội dung thương tâm ấy khiến tôi giật cả mình. Dù biết là lũ chuột gần đây hay đánh nhau đến bỏ mạng, nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ, vội vàng thu xếp công việc để về với Carot, cô con gái lên mười của mình. Trên đường về, tôi tranh thủ nhắn tin trấn an con đừng lo, đừng sợ, đừng buồn, ý cuối cùng là đừng khóc nữa, con gái nhé… Bởi vì tôi biết, Carot hẳn đang nức nở ở nhà. Nhớ ngày trước, lúc nuôi cá vàng, con bé đã nhiều phen sưng cả mắt khi đám cá lăn ra chết. Mà so với mức độ yêu quý và tương tác với vật nuôi, thì cặp Chút và Chít tất nhiên hơn hẳn bọn cá lặng lẽ kia rồi!

Hồi trước, để được chấp nhận cho nuôi một cặp chuột hamster, Carot cũng đã phải nhỏ to hứa hẹn nhiều lắm. Nào là hứa tự vệ sinh chuồng trại, sẽ dùng tiền ăn sáng, tiêu vặt để mua thức ăn cho chúng, rồi Carot đập heo đất để cùng mẹ trang bị “cơ sở vật chất” cho lũ thú cưng có vẻ “quý tộc” này. Đây là loài thú gặm nhấm, chuyên ăn ngũ cốc, biết tự tắm cát và mài răng, hay nghịch ngợm trên bánh xe đồ chơi. Nhìn ngắm chúng cũng khá thú vị, nhưng nhà phố chật chội, thật chẳng thoải mái gì khi phải thu vén một khoảng không gian be bé cho bọn vật nuôi này.

Có thể, một phần vì đã tự “rứt ruột” vét túi ra, nên Carot rất yêu quý hai em chuột. Từ ngày sở hữu Chút và Chít (tên do con gái tự đặt, và bằng một cách thần kỳ nào đấy, Carot phân biệt được từng đứa, mới tài), bé Carot dường như trưởng thành hơn thấy rõ: luôn nhớ kỹ việc bỏ thức ăn, thay nước uống cho chuột; hàng tuần, Carot đều nhắc bố chở đi mua thêm thức ăn và vật dụng sinh hoạt cho chúng.

Nếu như trước đây, Carot rất lười ăn cá, ghét ăn rau, bảo cách nào cũng ngúng nguẩy thì từ dạo trở thành “chủ chuột”, con gái hợp tác hơn thấy rõ. Đơn giản vì sau câu nói của ba, rằng nếu con không ăn, cũng giống như khi cho con chuột ăn mà nó chê, từ chối thì con có buồn không nào? Ngay cả ý thức sạch sẽ, biết quan tâm, thu vén cũng tiến bộ thấy rõ. Không còn cảnh bày bừa, vì mẹ đã “hăm dọa” ngay từ đầu rằng nếu bê bối là “dẹp tiệm” ngay. Con cũng chịu khó xin ba cho truy cập mạng để tìm kiếm thông tin “nuôi dạy” Chút và Chít, bớt hẳn thời gian cắm cúi chơi trên điện thoại hay máy tính bảng như trước.

Rồi Chút và Chít cũng sinh con đẻ cái. Lũ chuột sơ sinh đỏ hỏn ấy đủ sức khiến một bà mẹ yếu bóng vía muốn xỉu. Thế mà Carot vui mừng nhảy tưng tưng, vội vàng “áp dụng khoa học” vào việc chăm chuột đẻ. Nào là không được đụng tay vào, phải dùng muỗng xúc nhẹ nhàng khi cần di chuyển đám chuột nhi đồng ấy, giai đoạn nào nên cho uống nước nho, rồi rau cần tây sẽ bổ sung chất gì cần thiết... Rối tinh cả lên, mà con gái vanh vách nằm lòng, thật đáng khâm phục!

Ai ngờ Carot khá mát tay, bầy chuột lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc phải sắm thêm lồng, thêm vòng, thêm bình nước để cho chúng “ra riêng”. Chưa kịp nghĩ phải làm gì với mớ chuột thiếu niên ấy, thì Chút và Chít lại… vỡ kế hoạch!

Tôi chụp hình Carot đang ẵm vài em chuột xinh xinh mượt mà, đăng lên mạng kèm lời rao “bán chuột” hoặc “đổi chuột lấy hàng”. Vài chị em đồng nghiệp có con lên bảy, lên mười ủng hộ ngay. Carot vui như tết, nhưng bùi ngùi mếu máo đầy luyến tiếc khi biết có người chịu rước bớt đám chuột đang quá tải. Nhìn cảnh con gái bịn rịn chuẩn bị hành trang cho mớ chuột sắp xa cha mẹ, thật sự vợ chồng tôi cũng có phần cảm động. Con gái hướng dẫn tỉ mỉ cách nuôi “các em” cho chủ nhân mới của chúng, dặn dò đủ điều với những cô bé cậu bé đang hăm hở theo cha mẹ đến nhà tôi để rước chuột…

Nhân dịp “buôn bán” đầu tay ấy, tôi dạy con biết rằng, phải vất vả chăm nom nhiều thế, mà tiền thu hoạch về cũng không đủ trang trải. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe con gái mình nhẹ giọng bảo, hóa ra kiếm tiền khó thật, con đâu có ngờ. Có lẽ đây mới chính là thành quả thật sự mà Carot thu được, chứ không phải số tiền và ngũ cốc mà các “em chuột” mang lại.

Giờ thì vui rồi. Nhà này có chuột, nhà kia có chuột, tíu tít hỏi han lẫn nhau. Các ông bố, bà mẹ thì chia sẻ kinh nghiệm về việc “dùng chuột dạy con”. Lũ nhóc gửi lời nhắn qua bố mẹ để thăm chừng tin tức lũ chuột vốn chung bầy. Chuột bố, chuột con, chuột mẹ, chuột cháu cứ thế mà sinh sôi nảy nở. Tôi nhớ, có lần Carot đề nghị cho Chút và Chít qua nhà đồng nghiệp của mẹ để chúng… thăm con. Chắc bữa giờ, Chút Chít nhớ các con nhiều lắm, mẹ à. Khi biết tin Chút và Chít đã qua đời, Carot nhận được ngay vài lời hứa tặng “đáp lễ” một cặp hamster khác từ những cô bé cậu bé ngày nào đã sang nhà tôi lựa chuột.

Nghĩ mà xem, ý tưởng chịu khó cho bọn trẻ nuôi thú cưng rồi tranh thủ làm bài học thực tế để dạy con, như Carot nhà tôi, tại sao lại không nhỉ?

Nguồn: Gia đình Việt Nam