Dòng sự kiện:

8 loại cây có tác dụng chữa bách bệnh nên trồng trong vườn

17:03 30/11/2015
Một số loại cây lành tính có thể trồng trong gia đình vừa để làm đẹp không gian vừa có tác dụng chữa bệnh.
[mecloud]vQsxNxSgm9[/mecloud]

1. Lô hội (nha đam)

Lô hội tên khoa học là Aloe vera L. Nhựa và lá cây có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận trường, diệt ký sinh trùng. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc. Trong Đông y, nhựa lô hội thường dùng để trị kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón, đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong. Người ta cũng dùng cả lá lẫn vỏ cây giã nhuyễn đắp lên da để trị mụn nhọt sưng đỏ.

Có thể dùng 10-15 g lá, 1,5-3 g nhựa dưới dạng viên hoặc nghiền thành bột đắp tại chỗ trị đau đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ co giật, suy dinh dưỡng, ho gà, sâu răng, viêm mủ da, Eczema.

Trong dược học, lô hội cũng được dùng để giải độc cơ thể: Lignin trong lô hội có tác dụng như một chất xơ cuốn sạch các chất thải bị kẹt trong các nếp gấp của ruột; uronic axit loại trừ chất độc trong tế bào; kali cải thiện chức năng gan và thận là hai cơ quan chủ yếu của việc loại trừ chất độc trong cơ thể. Đặc biệt, loài thực vật này có tác dụng trị vết cháy và bỏng rất nhanh.

Dùng lá cây lô hội chiết dịch xoa tại chỗ hoặc lấy một lá (15-18 cm) đun sôi với nước, cho thêm đường vào uống để làm dịu đau rát và giúp vết thương mau lành. Người bị yếu dạ dày, ruột và phụ nữ có thai không nên dùng.

Người bị viêm loét dạ dày có thể uống gel lô hội tươi, cách vài giờ uống một muỗng canh lúc đói làm êm dịu vết loét dạ dày; còn có tác dụng chống viêm nhiễm, dị ứng hay trị vết sưng do côn trùng cắn. Lô hội làm lành hầu hết các loại vết thương giúp giảm đau do viêm khớp, cân bằng đường huyết, phòng ngừa sỏi niệu, giảm đau cơ nhờ vào các anthraquinon phối hợp với canxi trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu.

2. Hoa hồng

Hoa hồng có vị ngọt, tính ấm có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Người ta dùng 2-10 g hoa hãm uống hoặc tán bột uống để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đinh nhọt, viêm mủ da, bệnh bạch hầu lao cổ. Bột hoa còn có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết, đi cầu lỏng. Dùng cẩn thận trong trường hợp tiêu hóa khó khăn, không dùng cho phụ nữ có thai.

Dùng10-15 g rễ hoa hồng dạng thuốc sắc giúp chữa đòn ngã tổn thương, bạch đới, di tinh; đồng thời dùng hoa tươi và lá đắp ngoài. Lá cây còn dùng chữa bạch cầu lao. Lá, trái hồng sắc uống trị thấp khớp, nhọt, đái dầm, đái máu, tê thấp. Nụ hoa trị kinh nguyệt đau, tuần hoàn yếu, đau bao tử.

3. Sống đời

Sống đời còn gọi là cây thuốc bỏng, lạc địa sinh căn, thổ tam thất, trường sinh, tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. Toàn thân cây có vị nhạt, chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ.

Ngọn và lá sống đời non có thể thái nhỏ nấu canh ăn và dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên sống đời còn được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác như viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu.

Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cây này đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng chữa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đan độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã, tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.

Cách dùng: Lá tươi giã nát đắp hoặc vắt lấy nước bôi hàng ngày. Có thể dùng lá tươi 40 g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước hoặc hòa với nước chín rồi lọc lấy nước cốt để uống. Ngoài ra lá tươi giã nát vắt lấy nước, nhỏ vào tai chữa được bệnh viêm tai giữa cấp tính. Cũng nước lá tươi, thêm rượu và đường uống chữa bị ngã, bị thương thổ huyết.

4. Ngọc lan

Hoa này có tên khác là ngọc lan hoa vàng, sứ hoa vàng hay hoàng lan, tên khoa học là Michelia champaca L. Hoa chứa tinh dầu có giá trị ngang với tinh dầu hoa hồng. Lá cũng chứa tinh dầu. Vỏ chứa một alcaloid ít độc.

Rễ và quả cây có vị đắng tính mát có tác dụng khư phong thấp, lợi hầu họng, kiện vị chỉ thống. Rễ khô và vỏ rễ có tính xổ, điều kinh. Vỏ thân có tác dụng giải nhiệt, hưng phấn, khư đàm, thu liềm. Hoa và quả có tác dụng làm phấn chấn, trấn kinh, khư phong, kiên vị, lợi niệu. Lá có tác dụng giải độc.

Vỏ cây ngọc lan làm thuốc trị sốt, ho, điều kinh, có thể dùng làm thuốc trị sốt rét cách nhật. Rễ khô và vỏ rễ dùng tươi dạng thuốc hãm làm thuốc uống để điều kinh và dùng sắc rồi thêm sữa đông đắp trị áp xe. Hoa và quả chữa đầy hơi, buồn nôn và sốt lại có tác dụng lợi tiểu. Dùng như thuốc lợi tiểu trong chứng đau thận và trong bệnh lậu phối hợp với dầu vừng làm thuốc đắp ngoài trị chóng mặt. Hạt và quả dùng trị nứt nẻ ở chân, hạt cũng dùng làm thuốc trị giun.

Ở Malaysia và Philippines, người ta dùng thịt quả trộn với các loại thuốc khác trị bệnh phong thấp đau nhức. Tại Vân Nam (Trung Quốc), rễ và quả được làm trị hóc xương, phong thấp, đau dạ dày. Lá dùng súc miệng làm thuốc trị đau yết hầu. Ở Thái Lan dùng lá trị rối loạn thần kinh. Người Ấn Độ dùng dịch lá trộn lẫn mật ong dùng trị đau bụng. Tinh dầu được dùng làm hương liệu, làm thuốc đắp trị đau đầu, viêm mắt và thống phong.

5. Bạc hà

Theo báo Lao động, bạc hà là loại cây cỏ cao từ 10 - 60 cm, thân vuông và có nhiều lông, lá mọc đối chữ thập, mép có răng cưa. Hoa mọc vòng ở kẽ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt.

Đông y cho rằng bạc hà có vị cay, tính mát, không độc, chữa trị cảm mạo, tán phong nhiệt, chữa sốt, nhức đầu, hắt hơi sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi, chữa nôn mửa không tiêu. Có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa kém ăn, không ra mồ hôi.

Liều sử dụng trung bình từ 10 - 12 g dưới dạng thuốc sắc hay giã tươi vắt lấy nước cốt uống. Lưu ý không sử dụng trong trường hợp ra nhiều mồ hôi hay cho trẻ sơ sinh. Khi sắc chú ý không lâu quá 15 phút để tinh dầu bạc hà không bị bay hơi làm giảm thiểu lượng tinh dầu cần thiết.

Ngoài ra, người ta còn điều chế tinh dầu bạc hà dùng trị nhiều bệnh chứng. Trong tân dược, người ta đã điều chế tinh dầu bạc hà dưới dạng tinh thể menthol để nạp vào các lọ nhựa làm ống hít xông họng, mũi hoặc cho tinh thể menthol vào các nguyên liệu để làm thành bánh kẹo bạc hà...

Những phương thuốc chữa bệnh từ cây bạc hà:

- Chữa các chứng cảm sốt: Khi thấy cảm sốt nóng không gai rét, nhức đầu, mặt đau sưng, nôn ọe hoặc là trẻ sốt nóng hay lên sởi lúc bắt đầu mọc. Dùng bạc hà 10 - 15 g, sắn dây 10 - 15 g. Đổ chừng 1/3 lít nước vào siêu, đậy nắp bịt kín vòi đun sôi một dạo thì bắc xuống để xông và rót 1 chén uống. Sau đó lại sắc và uống thêm 1 - 2 nước nữa. Nếu thấy xuất hiện mồ hôi thì thôi không xông nữa và uống thuốc nguội.

- Chữa dị ứng: Dùng lá bạc hà tươi giã nát xát vào nơi ngứa.

- Giải cảm, sốt nóng không có mồ hôi: Dùng tinh dầu bạc hà, mỗi lần uống 8 - 15 giọt cùng với ngụm nước nóng.

- Chữa nôn mửa, không tiêu: Dùng tinh dầu bạc hà, mỗi lần uống 4 - 8 giọt, kèm một ngụm nước nguội. Chú ý khi uống tinh dầu bạc hà cần rót tinh dầu vào chén hay muỗng nước rồi uống, sau đó lại dùng nước tráng miệng.

6. Hoa cúc dại

Cúc hoa, hay còn gọi là hoa cúc, là một vị thuốc nam được sử dụng từ lâu đời. Tất cả các loài hoa cúc đều có thể dùng làm thuốc.

Tác dụng của cúc hoa là sơ phong tiết nhiệt, làm nhẹ đầu mặt. Trong phòng chống cảm cúm, hiệu quả kháng viêm và cải thiện hệ miễn dịch, hoa cúc có thể rút ngắn thời gian bệnh và làm giảm các triệu chứng ho, sốt, nhức đầu, nghẹt mũi.

Hoa cúc vị đắng tính mát, vào 3 kinh can, phế, vị, có tác dụng thanh can, tiết nhiệt. Chóng mặt, đau đầu, giải phong nhiệt. Liều dùng trung bình từ 9 – 12g cho mỗi ngày.

Tang diệp 6g, cúc hoa 6g, liên kiều 4g, bạc hà 4g, cát cánh 4g, cam thảo 4g. Sắc kỹ uống hàng ngày.

Xuyên khung trà điều tán (chữa ngoại cảm, phong hàn gây đầu nặng, mắt mờ, phát nóng, sợ lạnh).

Cúc hoa, xuyên khung, kinh giới. Bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm. Các vị bằng nhau, trộn đều tất cả lên, tán bột. Uống mỗi lần từ 4- 6g.

Bổ ngũ tạng, mạnh tinh tủy, mau lành vết thương, tóc đen mượt, giúp sáng mắt. Cúc hoa 120g, ba kích 120g, nhục thung dung 120g, câu kỷ tử 60g, tất cả tán bột, làm hoàn. Mỗi ngày dùng 10g với nước ấm (Cổ kim đồ thư tập thành).

Chữa mắt có màng mộng: Hoa cúc được kết hợp cùng xác ve sầu, liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Uống với nước hòa mật ong, mỗi ngày từ 8 – 12g. (Nam Dược thần hiệu).

7. Húng quế

Cây thuộc thảo, sống hằng năm, thân nhẵn hay có lóng, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50 - 60cm. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, có thứ màu xanh trắng hay hơi tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng 5 đến 6 hoa một. Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước có chất nhày màu trắng bao qianh.

Ở nước ta trước đây húng quế chỉ thấy được trồng làm gia vị. Tại miền Nam, ngoài công dụng làm gia vị người ta còn thu hoạch hạt để ăn cho mát, hơi có tác dụng chống táo bón. Cho từ 6 - 12g hạt vào nước thường hay nước đường. Đợi cho chất nhầy nở ra rồi uống.

Tại các nước khác người ta trồng húng quế chủ yếu làm nguồn cây cho nguyên liệu cất tinh dầu hoặc lấy cây sắc uống chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu, nấu nước súc miệng và ngậm chữa đau, sâu răng. Mỗi ngày uống từ 10 - 25g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Hạt có thể dùng đắp lên mắt đau đỏ.

8. Ngải đắng

Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa. Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh.

Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g). Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Sơ cứu vết thương: Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.

Trị mụn, mẩn ngứa: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.

Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt: Lấy 300gr ngảic cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong (ruồi, nghệ), vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần.

Lưu thông máu lên não: Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.

Suy nhược cơ thể, kém ăn: Lấy 250gr ngải cứu, 2 quả lê, 20gr câu kỷ tử, 10gr đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.

Cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh: Lấy 300gr ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2: Nấu lá thuốc cứu với 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá, 50gr lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip hot:

[mecloud]mUnh6u9vap[/mecloud]