Dòng sự kiện:

Bác sĩ nhi chia sẻ kinh nghiệm chăm con mùa nắng

Theo Ngôi sao
13:00 31/05/2017
Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên cha mẹ nên cho bé uống đủ nước, ăn nhiều đạm và hoa quả giàu vitamin C, chia nhỏ bữa, bỏ thói quen nấu một lần ăn cả ngày...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Trẻ dưới 5 tuổi thì mọi nhu cầu bản thân đều phụ thuộc vào người lớn. Do đó việc chăm sóc thích hợp, đặc biệt là vào những lúc trời nắng nóng sẽ giúp trẻ thích nghi với thời tiết, ít bệnh và phát triển thể chất tốt hơn”. 

Dưới đây là một số lưu ý bác sĩ Khanh:

Bổ sung dinh dưỡng đúng cách

polyad

Mùa hè, mẹ nên cho trẻ ăn hoa quả chứa nhiều vitamin C.

Các bà mẹ hiện nay vừa nuôi con nhỏ, vừa phải đi làm, nên thường có thói quen nấu một lần cho con ăn cả ngày. Thức ăn nấu chín mà bảo quản không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh.

Việc nấu một món nhàm chán cho cả ngày cũng có thể khiến trẻ biếng ăn, không đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Do vậy, cha mẹ nên thường xuyên đổi món để trẻ thấy ngon miệng và đủ chất hơn.

Mùa hè nhiệt độ ngoài trời cao hơn thân nhiệt cơ thể nên dễ làm cơ thể mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ ăn hoa quả chứa nhiều vitamin C và các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa... Điều tối kỵ là không đưa quá nhiều mỡ vào khẩu phần ăn, mà phải cân bằng đạm, protein, sắt, xơ và các loại vitamin để trẻ đủ chất, phát triển toàn diện.

Cha mẹ cũng cần cho trẻ uống đủ nước để giảm nóng, bù đắp lượng mồ hôi tiết ra. Tuy nhiên, không cho trẻ uống nước lạnh, nước đá dễ gây viêm họng; thực hiện ăn chín uống sôi; rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm...

Vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát

polyad

Cha mẹ cần tắm cho bé đều đặn mỗi ngày để phòng bệnh da liễu, truyền nhiễm.

Nắng nóng mùa hè làm tăng tiết mồ hôi, có thể dẫn đến nổi mẩn, rôm sảy hay phát ban ở trẻ. Do vậy, dù bận bịu đến đâu, cha mẹ cũng cần tắm cho bé đều đặn mỗi ngày.

Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ không nên ủ bé quá kỹ, vừa khiến bé khó chịu lại làm mồ hôi không thoát ra được gây cảm lạnh. Quần áo nên ưu tiên loại vải cotton nhẹ mát, thoáng khí. Dù mặc như thế nào, cũng cần giữ ấm ngực và gan bàn chân cho bé.

Xử trí khi trẻ sốt, sổ mũi, ói và tiêu chảy

Khi trẻ sổ mũi có thể nhỏ bằng nước muối sinh lý, làm thông thoáng đường thở cho bé bằng cách dùng khăn giấy mềm gấp thành hình bấc sâu kèn ngoáy mũi.

Vào mùa nắng, trẻ thường ăn uống kém hơn bình thường và dễ ói, vì thế cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Nếu trẻ tiêu chảy nên bù nước cho đủ. Ngoài nước mát, nên bù thêm bằng dung dịch oresol.

Trong trường hợp trẻ sốt trên 38 độ C, nên cho uống thuốc hạ sốt, không nên để thân nhiệt tăng quá cao. Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện khám nếu sốt cao không hạ, sốt 2-3 ngày liền...

Hiện nay, một số cha mẹ vẫn đợi bác sĩ thăm khám rồi mới cho trẻ uống hạ sốt. Tuy nhiên, có thể chủ động cho trẻ uống thuốc hạ sốt liều 15mg hoạt chất paracetamol mỗi kg cân nặng. Ví dụ như trẻ trọng lượng 10kg sẽ dùng mỗi lần 100-150mg paracetamol, ngày tối đa 3-4 lần, cách nhau 4-6 tiếng. 

polyad

Nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ C.

Lưu ý khi cho bé ra ngoài

Dù nắng nóng, cha mẹ cũng không nên nhốt bé quá lâu trong nhà, cần đưa bé ra ngoài tắm nắng sớm và hít thở không khí trong lành. Khi đưa con đi chơi vào mùa hè, các mẹ cần lưu ý không cho bé ra ngoài trong khoảng thời gian cao điểm 10-14h. Có thể bôi cho bé một lớp kem chống nắng mỏng để chống lại tia UV trong ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nên đội mũ và che khăn voan để tránh ánh nắng trực tiếp và côn trùng; không đưa bé đến nơi quá đông người phòng lây nhiễm dịch bệnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam