Bài văn dậy sóng của nữ sinh Trung Quốc về bạo hành
Một bà mẹ Trung Quốc tình cờ phát hiện bài văn con gái viết về sự lạm dụng thể chất và tinh thần trong lớp học. Khi bà đăng lên WeChat vào ngày 6/8 - mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, bài văn lan truyền nhanh chóng, làm dậy sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của phòng giáo dục địa phương.
Theo Quartz ngày 17/8, bài văn phản ánh khao khát được công nhận của một đứa trẻ khi giáo viên vô cùng lạnh lùng, thường xuyên quát mắng và đánh bằng gậy. Cô bé học tại trường tiểu học ở tỉnh Sơn Tây, phía Bắc Trung Quốc, được cô giáo giảng dạy bốn năm. Lý do em bị đánh rất nhỏ nhặt, có thể vô lý như việc không tặng quà sinh nhật cho cô. Một lần, khi cố gắng bảo vệ mình, em bị đánh 20 cái.
Mặc dù Trung Quốc cấm hình phạt thể xác ở trường học từ năm 1986, hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Ở một số vùng nông thôn, nhiều trường học áp dụng kỷ luật khắc nghiệt có tên gọi dama jiaoy, tạm dịch là phương pháp giáo dục 'đánh và chửi'. Vào tháng 4/2016, video rò rỉ trên mạng cho thấy một giáo viên mầm non ở thành phố Trùng Khánh đánh đập và kéo tóc bé gái bốn tuổi.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thông tin, bà mẹ đã báo cáo phòng giáo dục địa phương vào ngày 28/6 về trường hợp lạm dụng. Bà nhận được phản hồi ngày 7/8, một ngày sau bài đăng trên mạng xã hội. Cơ quan này cho biết cô Yan là giáo viên dạy thế, đã được yêu cầu kết thúc hợp đồng ngày 30/6 vì mang thai. Ngày 12/8, trường tuyên bố yêu cầu tất cả giáo viên tự kiểm điểm.
Trên Weibo, cộng đồng phản ứng mạnh với hơn 45.000 bình luận. 'Nghỉ việc là đủ ư? Cô giáo nên bị xét xử và chịu trách nhiệm trước pháp luật', một người nêu ý kiến được rất nhiều người đồng tình. Câu chuyện này được khẳng định không xa lạ tại các khu vực nông thôn Trung Quốc.
Việc giáo viên bạo hành thể xác không xa lạ ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters
Dưới đây là toàn bộ bài văn.
Gửi cô, đây là những điều em muốn nói.
Cô ơi, em thực sự không biết em đã làm gì khiến cô tức giận kể từ ngày bắt đầu đi học. Em nhớ rất rõ lần đầu cô đánh em là ngày thứ năm của học kỳ đầu tiên năm lớp 1. Cô đã ném cuốn sách bài tập vào mặt khi em thậm chí không hiểu mình làm sai ở đâu. Biểu hiện trên gương mặt cô lúc đó khiến em không thể quên được, em bắt đầu cảm thấy sợ cô.
Em là người biết vâng lời nhất trong trường, em luôn làm theo những gì cô bảo, em chú ý trong lớp học, không bao giờ nói chuyện riêng, không bao giờ gây rối trong giờ giải lao. Hơn nữa, em chưa từng kể với bố mẹ những gì xảy ra ở trường.
Em đang cố gắng rất nhiều để trở thành một đứa trẻ tốt trong mắt cô, nhưng mọi thứ không bao giờ giống như em mong muốn. Em luôn là người bị đánh và mắng chửi, ngay cả khi em không biết mình đã làm gì sai.
Trong khi đó, các bạn học thường xuyên bắt nạt khiến em phải trốn trong nhà vệ sinh, không dám bước ra ngoài. Em không dám nói với cô, vì em biết cô ghét mách lẻo.
Khi học thêm ở nhà cô, bọn em không được phép dùng nhà vệ sinh. Một lần, trong khi đợi mẹ đón, em đã tè dầm, và năn nỉ mẹ không kể với bất kỳ ai.
Em đã chăm chỉ hơn bao giờ hết, nhưng không bao giờ được đánh giá cao, ngay cả khi đạt điểm xuất sắc. Em ước được cô khen dù chỉ một lần, nhưng những gì nhận được chỉ là sự thất vọng. Cô không bao giờ gọi em phát biểu mỗi khi em xung phong, nên dần dần em không còn muốn giơ tay nữa.
Có một lần, em ngồi trên ghế của mình và không làm gì cả, đột nhiên cô đi thẳng đến và đánh mạnh vào lưng em ba lần. Em cảm thấy rất tổn thương, chỉ có thể đối mặt theo cách của một đứa bé. Em phá vỡ thói quen chịu đựng thông thường, kể với mẹ chuyện bị đánh. Nhưng mẹ chỉ nói 'cô giáo có quyền đánh học sinh'. Em không nói nên lời vì em bị đánh mà không có lý do gì cả.
Chuyện đọc thuộc lòng khiến em buồn nhất. Em có thể đọc thuộc lòng toàn bộ bài báo, nhưng trưởng nhóm khi đó không chọn em. Cô nghĩ em không học thuộc nên sắp sửa đánh, đó là lần đầu tiên em muốn bảo vệ mình. Nhưng cô chỉ tin lời trưởng nhóm, không bao giờ cho em cơ hội đọc thuộc lòng để biết sự thật. Thay vào đó, cô đánh em 20 cái bằng gậy.
Em trở về nhà vào chiều hôm đó với một trái tim tan nát, không muốn ăn cơm hay trở lại trường. Mẹ gọi cô nhưng cô không bắt máy, do đó mẹ bắt em đến trường. Khi mẹ hỏi về tình hình của em, không nhắc một từ nào đến việc bị đánh, cô vờ như không có chuyện gì xảy ra. Cô hỏi về việc em không chịu đi học, còn em không dám kêu ca về 20 đòn vô lý mình buộc phải nhận.
Hai mẹ con chịu đựng những lời chỉ trích nặng nề và khuôn mặt khó chịu của cô. Em biết mẹ không phản đối vì nghĩ cho em. Vài ngày sau, cô gọi em ra góc lớp và đánh vì một phép tính sai. 'Tôi biết em mách lẻo. Bây giờ thử nói với mẹ lần nữa xem', cô đay nghiến. Nhưng em nghĩ đây là lỗi của em. Em đã làm tính sai. Và mẹ luôn nói một người chỉ có thể học được từ sai lầm bằng cách bị đánh.
Điều khiến em giận dữ là cô yêu cầu lớp trưởng và các trưởng nhóm đánh các bạn làm sai. Tại sao cô lại bắt họ ném sách vào bọn em? Cô có biết em cảm thấy nhục nhã thế nào khi phải nhặt lại sách trên sàn? Họ đang làm theo những hành động của cô.
Trước ngày thiếu nhi, cô tỏ ra mệt mỏi. Cô gọi tên học sinh, yêu cầu chuẩn bị đồ ăn và nước. Bố mẹ chúng em đã làm theo. Nhưng em quá ngây thơ khi nghĩ đồ ăn cho riêng mình là đủ. Em mang theo một quả dưa, và khi sắp sửa ăn, cô la mắng, buộc tội các học sinh vô ơn, không tôn trọng giáo viên. Do đó, mọi người mang đồ ăn yêu thích lên cho cô. Em hạnh phúc khi cô ăn dưa mình mang tới.
Chúng em sống mỗi ngày dựa vào sắc mặt cô. Nếu cô vui, chúng em cũng vui vẻ. Nếu cô giận dữ, chúng em im lặng. Cô có biết em cảm thấy lo lắng, sợ hãi và luôn muốn lao vào nhà vệ sinh khi ngồi trong lớp của cô? Em rất sợ bị cô đánh không vì lý do gì cả. Nghĩ đến việc cô đánh các bạn ở hội trường, những tiếng khóc xé lòng của họ khiến em kinh hãi đến mức quặn ruột. Mới đến nửa năm học, em đã mong kết thúc thật sớm, nhưng không dám nói với bố mẹ vì không muốn gây ra bất kỳ rắc rối nào. Và em vẫn muốn là một đứa trẻ ngoan trong mắt cô.
Vào sinh nhật cô, ngày 3/6 âm lịch, một số bạn trong lớp tặng hoa, dây chuyền, bánh kem và phong bao đỏ. Cô nhấn mạnh rằng một số phụ huynh đã gửi quà vào chiều hôm đó. Nhưng em quên nói với mẹ vì mải làm quá nhiều bài tập. Kết quả, sáng hôm sau em bị đánh. Tại sao cô chỉ chọn em trong khi có cả tá người đứng cạnh? Cô dùng gậy đánh liên tiếp tám lần, khiến cánh tay em bầm tím. Em có thể nhấc cánh tay lên, nhưng trái tim của em đau đớn hơn thể xác rất nhiều.
Em tôn trọng cô, cô Yan. Cô có bao giờ nghĩ rằng mẹ em đã đối xử với cô theo cách mà ngay cả ông bà em cũng không nhận được trong suốt bốn năm qua? Tất cả tiền bạc, quà cáp và đồ ăn trong các mùa lễ mà mẹ biếu cô chỉ nhằm mong cô không đánh đập hay mắng chửi em. Nhưng đó chỉ là mong muốn của mẹ, cô không bao giờ hài lòng.
Cô luôn muốn chúng em đi học thêm phải không? Em đã học thêm bốn năm ở nhà cô và thật sự mệt mỏi. Em có thể hoàn thành bài tập về nhà mà không cần đi học thêm. Học phí 1.000 nhân dân tệ (150 USD) có thể mua gạo trong cả năm cho gia đình em. Bố mẹ em kiếm số tiền này không hề dễ dàng. Nhưng mẹ nói em cần đi học thêm để không bị đánh mắng.
Em đã sống trong sợ hãi suốt kỳ nghỉ hè. Khuôn mặt tàn nhẫn và những lời lẽ đay nghiến của cô vang trong đầu. Em thường mơ thấy bị cô đánh. Đôi khi em thức giấc lúc nửa đêm và không thể ngủ được. Em cảm thấy đau đớn như bị kim đâm trong não. Em vô cùng sợ hãi khi nghĩ đến trường học, và nghĩ đến cô.
Cô Yan, em đã chịu đựng căng thẳng trong bốn năm, cùng nhiều lời trách cứ từ khi còn quá nhỏ. Nhưng theo suy nghĩ của cô, em chỉ đơn giản là một người hướng nội. Em cười, nói chuyện, hát và nhảy nhót trước mặt người khác, nhưng với cô, em không dám bộc lộ bản thân. Không biết cô có cảm nhận được không, nhưng em đã hiểu sâu sắc khái niệm sợ hãi kể từ khi trở thành học sinh của cô. Cô có con cùng tuổi em, cô sẽ nghĩ gì nếu bạn ấy cũng phải chịu đựng giống em? Không, bạn ấy sẽ không gặp phải những chuyện như vậy. Đôi khi em nghĩ, nếu mẹ là giáo viên, có lẽ em sẽ được trải qua thời thơ ấu như con gái cô.
Cô Yan, em thực sự muốn biết em là kiểu học sinh gì trong mắt cô. Em muốn một lời giải thích thuyết phục về tất cả những cú đánh và lời mắng nhiếc. Em sẽ không quá buồn, thời thơ ấu của em cũng sẽ không u ám nếu những gì em phải hứng chịu xuất phát từ kết quả học tập kém.
Bây giờ là nửa đêm, và em bật dậy để viết ra nỗi đau buồn không thể nói cùng ai, hoặc để tìm nguyên nhân đằng sau chúng. Tim em run rẩy, nước mắt chảy dài, đôi tay rung bần bật. Tại sao thế giới thiếu công bằng đến vậy? Tại sao lại đem đến quá nhiều đau đớn cho một cô bé như em? Chúng ta không thể kiểm soát rủi ro do thiên tai và con người tạo ra. Nhưng những hành vi này cũng không thể kiểm soát được ư?
- Bài Văn điểm 10 thi đại học: “Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt…”
- Những lời phê khác lạ trong bài văn tả con vật của học sinh Úc
- Tranh cãi bài văn yêu cầu “tả con chó nhà em” và câu trả lời bá đạo của học sinh
- Trần Lực 'thắt tim, sung sướng' khi đọc bài văn của con trai
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua