Dòng sự kiện:

Bạn sẽ làm gì khi trẻ ngộ độc thực phẩm?

02:23 17/07/2015
Do hệ tiêu hóa còn non nớt nên khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn thường dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Khi bé bị ngộ độc thức ăn, người lớn cần có biện pháp xử trí nhanh để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

Vào mùa hè, khi nhiệt độ đỉnh điểm lên đến 39 - 40 độ C rất dễ làm thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn. Đây là một tác nhân quan trọng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở trẻ em. Vì hệ tiêu hóa, hẹ bài tiết của các bé còn chưa được hoàn thiện, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập nhất. Nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn là các triệu chứng mà bé gặp phải. Khi đó, cha mẹ có cách xử lý kịp thời nếu không bệnh trở nên nghiêm trọng. Nhiều trường hợp, do sự chủ quan của gia đình đã dẫn đến cái chết thương tâm của trẻ khi bị ngộ độc.


Vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về ngộ độc thực phẩm sau đây:

Cách nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Thông thường, trẻ bị nôn nhiều và đau bụng nếu nguyên nhân do độc tố. Còn do vi khuẩn, triệu chứng tiêu chảy sẽ nổi bật hơn. Nôn, tiêu chảy nhiều thường dẫn đến rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, đi ngoài phân nhày máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thức ăn có thể biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não…
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Cùng một liều lượng của yếu tố gây độc, trẻ thường bị nặng hơn người lớn do kháng thể của trẻ yếu hơn nên hậu quả của ngộ độc thường rất nặng nề. Nguy cơ đứng đầu gây ngộ độc trẻ em tại cộng đồng là ngộ độc thực phẩm (do không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm nhiễm vi sinh vật, sử dụng phẩm màu, hoặc hoá chất trong quá trình sản xuất, chế biến hay bảo quản thực phẩm). Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học được phát hiện có nguyên nhân do thức ăn nhiễm tụ cầu vàng.



Phòng tránh ngộ độc thực phẩm thế nào ?

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cần tuân thủ các nguyên tắc tránh ngộ độc sau:
– Bảo đảm ăn chín, uống sôi
– Chọn thức ăn chế biến an toàn
– Tránh những thức ăn ô nhiễm
– Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh, nhưng không nên để quá 2 giờ.
– Hâm nóng kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn.
– Tạo thói quen cho trẻ và người chăm sóc rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin