Dòng sự kiện:

Bệnh viêm não virus ở trẻ tăng "chóng mặt" trong ngày nắng nóng

15:32 09/07/2015
Viêm não virus là loại bệnh nguy hiểm, để lại di chứng nếu không chữa kịp thời.Số trẻ nhập viện vì bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong tình hình thời tiết thay đổi.
 

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 136 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 5 trường hợp tử vong; viêm màng não mô cầu có 24 ca, trong đó 2 ca tử vong. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca viêm não, viêm màng não tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu trên được PGS.BS. Lê Thị Minh Hương- PGĐ Bệnh viện Nhi Trung Ương  thống kê tại Lớp tập huấn “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não” vừa qua.
 

 
 
Sáng sớm, đường vào bệnh viện Nhi chật cứng người bởi dòng xe đông đúc.
 
Tuy không khí lạnh vừa qua có khiến thời tiết ở ngoài miền Bắc dịu mát song những ngày gần đây, nhiệt độ ở thủ đô Hà Nội ở khu vực miền Bắc vẫn khá nóng. 
 
Sáng tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai khoa Nhi luôn đông đúc chật chội.
 
Bác sĩ cho biết, thời tiết thất thường như hiện nay, nắng nóng kéo dài khiến tình trạng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp và viêm màng não tăng cao. Trung bình ngày thường có khoảng 1.500 lượt bệnh nhân nhưng vài ngày gần đây, số trẻ đến khám tăng vọt lên 2.000 - 2.500 lượt/ngày. Trong số này, khoảng 80% trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp. Dự báo kiểu khí hậu khó chịu như hiện nay, những ngày tới số trẻ vào viện khám còn tăng nữa. 
Cuối tuần vừa rồi, thấy con gái sốt, gia đình đưa bé Ngọc, 7 tuổi, Định Công (Hà Nội) đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khám. Bé vào viện trong tình trạng sốt, ngủ li bì, tỉnh lại kêu đau đầu. Các bác sĩ ở đây đã tiến hành chọc dịch não tủy, kết quả bé bị viêm màng não virus. Sau 4 ngày được điều trị, bé đã giảm nôn, đau đầu. Chị Mai - mẹ bé chia sẻ: "Rất may tôi không chủ quan, đưa bé tới ngay bệnh viện, chứ bệnh này mà để lâu thì tôi hối hận không kịp".
 
Được biết, trong bệnh viện không ít những trường hợp trẻ bị viêm não nặng, nhiều phụ huynh chủ quan trước những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao, họ dễ nhầm lẫn với những bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Để có thể xác định rõ ràng, người nhà cần theo dõi bé và nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh nhi có bị viêm não, màng não hay không.
 
Cứ tưởng con bị viêm hô hấp, gia đình chị Nhã (Minh Khai, Hà Nội) chủ quan, nhưng khi thấy con ngủ nhiều, sốt không dứt dù có hạ sốt, chị đưa con tới bệnh viện mới biết con bị viêm não.
Viêm não là một bệnh khá nguy hiểm với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém. Bệnh đang vào mùa nên cha mẹ cần nâng cao cảnh giác khi thấy con có biểu hiện sốt, nôn, đau đầu.
 
Cha mẹ đưa con đi khám - gương mặt ai cũng lo âu, thẫn thờ.
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Bệnh hay gặp ở trẻ trên một tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-15 tuổi.
 
Tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, nhưng hiện ít gặp vì trẻ đã được tiêm phòng khá đầy đủ. Nhóm nguyên nhân thứ hai khá phổ biến là do các virus đường ruột, bệnh diễn biến bất thường, có trường hợp nhẹ, sau một tuần khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì. 
 
Những triệu chứng bệnh viêm màng não phổ biến: Nhức đầu, cổ cứng, sốt, ớn lạnh, nôn,
các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên (lạnh, xổ mũi, ắc xì, ho, đau họng).
 
Biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ có thể nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.
 
Nơi làm thủ tục khám chữa luôn có người xếp hàng.
 
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắcxin viêm não đầy đủ. Với nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.
 
Bệnh viêm màng não thường lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp. Viêm não - màng não ở trẻ thường lây nhiễm do: trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước bọt (ho, hôn) với người bị bệnh, lây qua muỗi đốt.
 

Hành lang đông đúc phụ huynh ôm con tới khám.
Theo Tri thức trẻ