Bí mật của người mẹ Nhật nuôi 3 con vào đại học hàng đầu ở Mỹ
Sinh ra tại Hong Kong, Trần Mỹ Linh nổi tiếng với các vai trò ca sĩ, diễn viên, giáo sư đại học, nhà văn, đại sứ thiện chí UNICEF... Nhưng gần đây bà nổi tiếng hơn khi nuôi dạy thành công 3 người con đều đậu vào Stanford - trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ.
1. Món quà lớn nhất cha mẹ có thể dành tặng con cái chính là giáo dục
Ngày ấy cha tôi luôn nói: "Tiền bạc, danh vọng như nước chảy. Nếu có chuyện xảy ra lập tức sẽ bị lấy mất. Nhưng tri thức, một khi đã vào đầu thì sẽ chẳng ai có thể tước mất, mà sẽ trở thành báu vật của cả đời người".
Vì thế tôi đã từ bỏ việc làm người của công chúng để đến Canada du học. Chính giai đoạn này đã khiến cuộc đời tôi có những thay đổi lớn. Không chỉ về vấn đề học hành mà còn về ý nghĩa của nghiệp ca hát, về việc nhìn nhận lại bản thân mình. Về sau, tôi nhận được bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford. Từ đó cuộc đời lại đưa tôi đến một chân trời mới rộng lớn hơn.
Trần Mỹ Linh người gốc Nhật, sinh ra tại Hong Kong, kết hôn với người chồng Nhật.
"Lúc còn có cơ hội học hành thì phải trân trọng, phải học sao cho tốt!". Lời dặn của cha quan trọng thế nào, đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên suy niệm và cảm ơn. Món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái chính là giáo dục. Tôi đã tự thề nhất định sẽ dành trọn cuộc đời mình để trao cho con một sự giáo dục tốt nhất.
2. Giáo dục cần bắt đầu từ thời kỳ mang thai
Lúc mang thai, tôi luôn nghĩ rằng phải chăm sóc bản thân thật tốt, sinh ra một đứa con thật khoẻ mạnh, coi đó là điểm xuất phát của giáo dục.
Thời kỳ ấu nhi là giai đoạn giáo dục quan trọng nhất. Tục ngữ có câu "Nhìn lúc 3 tuổi để biết lúc lớn, nhìn từ khi còn nhỏ để biết khi già". Tính cách và cá tính hình thành ở giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ sau này. Tôi thường xuyên đưa con đến nơi làm việc và cõng con trên vai cũng chính là xuất phát từ suy nghĩ trẻ sơ sinh cần được chăm sóc tận tình.
3. Vợ chồng đồng lòng xác định được phương thức giáo dục tốt
Trước đây, chồng nói với tôi rằng: "Mặc dù chúng ta có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng về phương diện giáo dục, mọi thứ hãy để em quyết định". Tuy nhiên bây giờ nhìn lại, chồng tôi luôn đưa ra những ý kiến tuyệt vời trong những giai đoạn quyết định.
Năm 1992, tôi quay trở lại Nhật vừa viết luận án, vừa quay trở lại làm việc, đúng vào lúc cần quyết định chọn trường tiểu học cho con đầu. Tôi vẫn luôn để ý đến một trường tiểu học tư thục có tiếng ở Tokyo liên thông lên đại học. Tôi đã tham khảo rất nhiều ý kiến từ những "bậc tiền bối" cho kỳ thi.
Thế nhưng một ngày, sau khi tham gia buổi giới thiệu của trường về, chồng tôi đột nhiên nói: "Mẹ bọn trẻ ơi, hay là chúng ta huỷ bỏ việc thi cử đi". Hoá ra trong buổi giới thiệu trường, thầy giáo có nói rằng: "Do số người dự tuyển đông nên trong ngày thi, các anh chị phải đảm bảo con mình chắc chắn không bị cảm. Đây là ngày ảnh hưởng đến cả cuộc đời, với trách nhiệm là cha mẹ, mong các anh chị đưa các em trong trạng thái khoẻ mạnh đến phỏng vấn".
Nghe anh ấy nói xong, tôi mới nhận ra rằng muốn cho con được vào học trường danh tiếng, có thể chỉ là sự háo hư danh của cha mẹ mà thôi.
Sau đó chúng tôi đến một trường quốc tế khác chưa được chứng nhận bởi Bộ khoa học và công nghệ. Điều đó có nghĩa kể cả con trai tôi có tốt nghiệp ở trường này, cũng không đảm bảo sẽ được vào một trường đại học ở Nhật. Dù thế, chúng tôi vẫn đến tham gia buổi giới thiệu trường.
"Nếu vào ngày phỏng vấn, trẻ bị cảm thì gia đình hãy báo ngay cho chúng tôi, trường sẽ sắp xếp một ngày khác để phỏng vấn. Trường muốn nhìn thấy các em ở trong trạng thái tốt nhất, vì thế mong cha mẹ nhất định không miễn cưỡng con em mình". Lần này, nghe được lời như thế vợ chồng tôi nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Chúng tôi đều nghĩ rằng, một ngôi trường dựa vào góc độ của trẻ để xem xét mọi việc là ngôi trường tốt.
Trần Mỹ Linh luôn tin rằng tình cảm chân chính của người mẹ, mới là sự giáo dục đúng đắn. Chính vì thế dù không có nhiều thời gian bên con nhưng cô luôn quan tâm đến chất lượng thời gian ấy.
4. Toàn bộ trách nhiệm giáo dục con cái thuộc về cha mẹ
Từ đầu đến cuối, tôi luôn xác định "mọi trách nhiệm giáo dục con cái đều phải do cha mẹ gánh vác". Trường học và thầy cô chỉ là những lực lượng hỗ trợ quan trọng.
Chuyện này xảy ra vào một ngày tôi tham quan trường tiểu học của con thứ hai. Thầy giáo đưa ra chủ đề "tất cả nhân loại đều xấu xa" để các em học sinh kể ví dụ về chuyện ở nhà, những khi nào các em cảm thấy người nhà hay bản thân mình xấu xa.
Lúc đó tôi vô cùng sửng sốt nhưng vẫn quyết định đợi xem thế nào. Đến lượt con trai tôi, cậu bé nói "Em nghĩ loài người không phải tất cả đều xấu xa, nếu xung quanh em có ai xấu xa thì em sẽ đến nói chuyện với họ và giúp họ sửa chữa". Sau khi nghe xong, thầy giáo trả lời "Hình như em chưa hiểu rõ chủ đề này. Dù sao thì em cũng đã cố gắng, tất cả cho bạn một tràng pháo tay nào". Có vẻ thầy giáo nhận định quan điểm của con tôi là sai. Những em học sinh khác thì đều nói về lỗi lầm của người khác.
Sau hôm đó, tôi tìm thầy giáo đó để nói lên suy nghĩ của mình: "Tôi thực sự không nghĩ loài người đều là xấu xa...". Thầy giáo kia giải thích: "Tôi nghĩ rằng, những đứa trẻ tự nhận thấy mình cũng xấu xa thì sẽ có thể dễ tha thứ cho người khác". Thầy giáo kia vẫn kiên định quan điểm của mình là đúng đắn, không thoái bộ. Sau khi về nhà, tôi nói chuyện với con trai: "Không có việc này đâu. Con tốt và mẹ cũng là người tốt, không phải là xấu xa". Con trai tôi lúc này mới có vẻ an tâm "Con đã nói như thế mà".
5. Bao bọc con trong tình yêu thương vô hạn
Được yêu thương mới có thể tin tưởng người khác. Trong quá trình trưởng thành, mỗi người khi cảm nhận được tình yêu thương thì mới có thể tin tưởng người khác. Tin tưởng người thì sẽ tin tưởng bản thân mình. Vì vậy, đặc biệt vào giai đoạn sơ sinh, tất cả tình yêu thương, tôi đều dành hết cho các con của mình.
Ngược lại, nếu ở thời kì này mà trẻ không được quan tâm, không được nhận sự thương yêu đầy đủ, khả năng giao tiếp sẽ kém, dễ dàng không tin tưởng vào người khác.
6. Hãy nhớ dành sự ưu tiên cho con
Đứng ở vị trí của các con, cách suy nghĩ và hành động của các con, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Thay vì la mắng, hãy khen ngợi con một cách phù hợp. Cứ nhớ mãi không quên việc làm sai lầm của con chỉ làm tăng thêm thói quen xấu của chúng.
Tuyệt đối không dùng hình phạt trên cơ thể trẻ, dùng biện pháp nói để thuyết phục trẻ thay thế đòn roi.
Những đứa trẻ thường xuyên bị đòn roi sẽ nghĩ những người có sức mạnh mới là vĩ đại. Sau đó, khi bản thân gặp tình huống không như ý muốn, có thể sẽ dựa vào vũ lực mà giải quyết. Phương pháp đòn roi, có thể có hiệu quả ở giai đoạn mà cha mẹ có sức hơn con cái. Tuy nhiên, đợi đến khi các con lớn lên, có sức mạnh hơn người lớn thì tình thế lập tức sẽ thay đổi ngược lại.
7. Dạy con không được nói dối
Nguyên tắc cơ bản trong gia đình tôi, đầu tiên là "không nói dối". Chỉ cần nói dối một lần, để che giấu lời nói dối này thì lại phải tiếp tục nói dối, cứ như vậy chỉ dẫn đến sự nghi ngờ giữa cha mẹ - con cái, giữa anh em với nhau.
Lần đầu tiên phát hiện con trai cả nói dối là vào lúc cháu đang học năm cuối tiểu học. Bởi vì thấy con lúc nào cũng phải luyện tập cho kiểm tra môn Hán tự, nên tôi rất để ý xem con làm bài có tốt không. Khi tôi hỏi con "điểm thi đã có chưa", cháu trả lời "vẫn chưa ạ". Về sau, tình cờ khi sắp ba lô của con, tôi tìm thấy ở dưới đáy tờ giấy kiểm tra đã bị nhàu nát, điểm số 70.
Tôi hỏi "Tại sao con nói với mẹ là vẫn chưa có điểm?". Con tôi trả lời, "Bởi vì con làm không tốt...". Câu nói này khiến cho tôi cảm thấy như bị dao đâm.
Hoá ra con trai tôi luôn nghĩ tôi hy vọng cháu phải lấy được thành tích tốt. Nhưng thực sự thì bất luận con thi được bao nhiêu điểm, tình yêu tôi dành cho con không bao giờ thay đổi. Không bao giờ thất vọng, cũng không giận dữ. Tuy nhiên điều này rõ ràng tôi chưa truyền đạt đến được cho con.
Vì thế, tôi ôm con một cái thật chặt và hỏi: "Tại sao con vẫn còn chưa tin vào tình yêu mẹ dành cho con?". Sau đó, tôi nói: "Mẹ thật sự rất yêu con? Dù con là cậu bé như thế nào, mẹ cũng yêu con hết mực, con không cần phải giấu lỗi. Chỉ vì giấu giếm một lời nói dối, con lại phải nói dối thêm một lần thứ 2. Cứ tiếp tục như thế, mẹ con mình sẽ ngày càng xa cách nhau..."
Tôi nói chuyện một hồi lâu, hai mẹ con ôm nhau, khóc, nghỉ giữa chừng để đi ăn, đi vệ sinh, tổng cộng đến 8 tiếng.
Cuối cùng, tôi nói với con: "Con hãy viết ra tất cả những lời con đã nói dối mẹ từ trước đến nay đi". Thế là con tôi cầm bút, viết ra từng sự việc một, những điều cháu viết vô cùng dễ thương: "Có một lần quên không nộp bài tập", "làm rơi hộp đựng cơm trưa ở trường"... Từ đó về sau, con trai lớn không còn giấu giếm tôi bất cứ điều gì cả.
Việc như thế cũng từng xảy ra với con trai thứ hai và con trai út của tôi, các con tôi mỗi đứa đều được trải nghiệm những lần dạy dỗ rất dài như thế. Tuy mỗi lần đều đong đầy nụ cười và nước mắt, lần nào tôi cũng cảm thấy tình cảm giữa mẹ con đều trở nên sâu đậm hơn, cả hai phía đều trưởng thành hơn.
8. Không kỳ vọng vào mối quan hệ thân thiết như tình bạn
Dù con có ngoan, tốt như thế nào, tôi cũng không bao giờ mong đợi mối quan hệ giữa cha mẹ con cái sẽ giống như quan hệ bạn bè. Con cái phải có sự kính trọng cha mẹ.
Có một lần tôi chứng kiến một chuyện ở sân bay. Trước mắt tôi là hai mẹ con, cô con gái tầm mười mấy tuổi đột nhiên nói với mẹ: "Mẹ đi chết đi, thật là một bà già phiền toái". Người mẹ một câu cũng không nói lại và tôi cũng sốc đến nỗi không nói được điều gì.
Tối hôm ấy, tôi và các con nói đến chuyện này "Nếu các con mà nói với mẹ những câu như thế, mẹ sẽ lập tức cắn lưỡi mà chết". Thêm một lần nữa tôi lại dạy các con, con cái không biết hiếu kính, biết ơn cha mẹ thì sẽ không được bất cứ ai tin tưởng cả.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hoà hợp bản chất không có vấn đề gì cả nhưng nhất định không được để cho con cái hiểu sai. Hy vọng các bậc làm cha mẹ biết dạy dỗ các con mình lễ phép và có lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- 5R - cách dạy con đơn giản giúp bé thông minh hơn, bố mẹ đã biết chưa?
- “Công thức” nuôi dạy con đang làm thay đổi hàng triệu cha mẹ Mỹ
- 6 yếu tố để dạy con thành công
- Chuyện ông bố được "khai sáng" nhờ học hỏi 3 phương châm nuôi dạy con của mẹ Pháp
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua