Dòng sự kiện:

Cách dạy con nhàn tênh nhưng "vô trách nhiệm" của bố mẹ Việt

23:01 21/10/2015
Ném cho con chiếc điện thoại di động hiện đại, tặng con iPad kết nối internet để con học, chơi gì tuỳ thích là cách mà không ít bố mẹ Việt đang thực hiện với con mình.
[mecloud]qm5ayQRlE1[/mecloud]

1. Cả ngày vợ chồng chị Lan đi làm, con trai (4 tuổi) của chị gửi lớp. Tối về hầu như lúc nào tôi gặp cũng thấy bé không rời mắt khỏi chiếc điện thoại của mẹ để xem phim hoạt hình.

Chị Lan kể, từ hồi ăn dặm, bé Bin đã quen với việc ăn "kèm" nghe nhạc Gangnam Style. Lớn lên vẫn vậy, đến bữa là chị phải bật điện thoại có đúng bản nhạc đó con mới chịu ăn. Chị mua điện thoại cũng chủ yếu để cho bé Bin chơi, vì bé thích xem phim hoạt hình. Nếu không cho bé dùng điện thoại thì bé sẽ quấy khóc, nhõng nhẽo.

Hơn nữa, cả ngày đi làm, buổi tối vợ chồng chị mới gặp nhau, hai người muốn nói chuyện thì chỉ cần đưa con nghịch điện thoại là được, bé sẽ yên lặng xem video không đòi bố mẹ chơi cùng.

(Ảnh minh họa: Internet)

2. Cách đây chưa lâu, khi tới dự lễ cưới của bạn tôi học cùng lớp, bạn tôi đưa con trai 2 tuổi đi cùng. Tay bé lúc nào cũng cầm điện thoại rồi bỗng dưng bé khóc ré lên vì đang xem clip đua xe thì… điện thoại của mẹ hết tiền không thể truy cập internet. Vì không muốn con quấy khóc, bạn tôi phải mượn điện thoại của bạn bè để tiếp tục cho con xem video.

Bạn tôi kể, hàng ngày, bạn để con trai cùng ở cửa hàng, vì không có ai trông bé nên bạn để điện thoại cho bé xem, như thế, mẹ có thể thoải mái chăm sóc khách hàng mà không bị con làm phiền nhiễu.

Bạn tôi không thể dỗ con trai nín khóc khi gặp gỡ bạn bè nếu không đưa cho bé chiếc điện thoại có kết nối Internet… (Ảnh minh họa)

3. Tôi quen một anh bạn khá giàu có. Anh rất quý cậu con trai 10 tuổi vì thế không tiếc tiền cho con một chiếc iPad đẹp long lanh để chơi game. Nhỏ tuổi mà đã được sở hữu một chiếc iPad, trông có vẻ sành điệu và anh bạn tôi khá tự hào về điều đó. Thi thoảng có việc đưa bé đi gặp gỡ bạn bè, đối tác, con trai anh ngoan ngoãn ngồi chơi game, còn anh thoải mái bàn chuyện công việc hoặc trò chuyện.

Điểm chung của những ông bố bà mẹ tôi kể trên đây là cách họ nuôi dạy con nhàn tênh, nhưng tôi cũng cho rằng, họ là những ông bố bà mẹ “vô trách nhiệm”. Vì muốn rảnh và không bị con làm phiền, họ đã từ từ để con mình nghiện các sản phẩm công nghệ từ khi còn rất nhỏ.

Đừng để con 1 chỗ cùng với chiếc điện thoại để con muốn làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. (Ảnh minh họa: Internet)

4. Các ông bố bà mẹ cần nhớ, có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những tác hại khôn lường khi cho trẻ em nghiện đồ công nghệ. Những nhà tâm lý cũng cho biết, trẻ em dùng nhiều iPhone, iPad phần lớn có trí tuệ, tư duy tốt nhưng đôi tay chỉ quen gạt, vuốt màn hình cảm ứng, không rèn được sự khéo léo nên sẽ bất lợi sau này. Nhiều em không thể xúc ăn, không thể cầm bút và gặp khó khăn khi tới trường.

Hơn thế, khi suốt ngày chúi đầu vào máy móc, trẻ không giao tiếp, khả năng ngôn ngữ hạn chế, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, dễ hung tính.

Các thiết bị thông minh luôn tràn ngập mọi thứ bao gồm chủ thể, phong cảnh, âm thanh, những cảnh vật trong thế giới ảo, âm thanh trong câu chuyện được kể, khiến trẻ không phải tưởng tượng thêm bất kỳ điều gì. Khi đó, não của chúng sẽ hoạt động ít hơn, do đó sự tưởng tượng của chúng sẽ giảm xuống.

Đó là chưa kể, những tác hại bạn có thể nhìn thấy ngay trước mắt khi cho con mình sử dụng điện thoại di động, iPad quá nhiều. Sớm lệ thuộc vào smart phone, các bé sẽ “lười” nói chuyện, giao tiếp với người khác, kể cả bạn bè cùng trang lứa. Bằng chứng là khi chị Lan mang con lên phòng tôi chơi, bé vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại, hỏi chuyện thì mẹ bé sẽ là người trả lời thay. Bạn tôi cũng không thể dỗ con trai nín khóc khi gặp gỡ bạn bè nếu không đưa cho bé chiếc điện thoại có kết nối Internet…

Dù biết trong cuộc sống hiện đại, để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống, hầu hết các ông bố bà mẹ đều rất bận rộn nhưng cũng phải khẳng định rằng sức khỏe và tính cách của con bạn cũng quan trọng không kém. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên gắng sắp xếp công việc để có thời gian bên con, chơi đùa cùng con và lắng nghe những điều con muốn nói. Đừng để con 1 chỗ cùng với chiếc điện thoại để con muốn làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Đến lúc bạn nhận ra thì đã quá muộn, con bạn khi đó có thể cần điện thoại hơn là bạn đấy!

Mẹ Sóc

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]OX4pAxB97T[/mecloud]