Dòng sự kiện:

Cách nhận biết giò, chả có chứa hàn the

16:09 12/12/2015
Tết Nguyên Đán đang tới rất gần là dịp mà các cơ sở sản xuất giò chả thường “ghim” hàng để bán dần. Để có thể giữ được giò chả trong thời gian dài mà không hỏng người ta sử dụng một loại chất gọi là hàn the, chất được cấm sử dụng cho thực phẩm.

 

 

 

 

[mecloud]LBIXo2GjyT[/mecloud]

Hàn the là gì?

Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Borax được sử dụng phổ biến trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.

Theo y thư cổ, hàn the còn gọi là bồn sa, bàng sa, bồng sa, nguyệt thạch; vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Tuy nhiên hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó.

Hàn the hoà tan trong nước thành chất không mùi vị, trong suốt, có tính sát khuẩn nhẹ. Hàn the làm chậm lại quá trình phân hủy thực phẩm, khiến thịt cá giữ được vẻ tươi lâu hơn và làm cho thực phẩm như bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác trở nên giòn, dai.

Hàn the và tác hại đối với cơ thể con người                                              

Hàn the là một phụ gia thực phẩm tại một số quốc gia nhưng nó bị cấm ở Hoa Kỳ, Việt Nam và một số nước khác.

Cần lưu ý rằng hàn the mà các gia đình sản xuất bánh phở, bún... cho vào sản phẩm đều là loại hàn the công nghiệp, lẫn rất nhiều tạp chất độc hại khác như asen, chì... 

Trong cuốn sách "Hỏi đáp về vệ sinh an toàn thực phẩm" do Bộ Y tế phát hành vào tháng 3/2001, có viết: "Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng với liều lượng thấp. Liều từ 5 g trở lên đã gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây bệnh mạn tính".

Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

Tuy nhiên, tác động của hàn the chủ yếu là mãn tính. Thường gặp là các ca nhiễm độc trường diễn do tích luỹ hàn the qua nhiều lần ăn thực phẩm chứa chất này. Tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi và trẻ em. Vì vậy, phấn rôm nếu có một lượng nhỏ acid boric thì trên nhãn phải ghi rõ "không dùng cho trẻ sơ sinh".

Mẹo phân biệt giò chả có chưa hàn the hay không?

Trên báo Tri Thức Trực Tuyến, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, để phân biệt một miếng giò có hàn the và không có hàn the bằng mắt thường rất khó khăn, ngay cả chuyên gia cũng khó có thể nhận biết.

Do đó, để mua được giò chả an toàn, người tiêu dùng cần tới những cơ sở làm giò sạch, có uy tín, được công bố không có hàn the.

Khi mua giò chả ngoài hàng, chị em cần lưu ý:

1. Giò

- Phân biệt bằng cách nhìn: Giò lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Lý do là bởi giò được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh giò.

Nếu giò không có những lỗ rỗ này tức là giò đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.

- Phân biệt bằng cách ngửi: Giò ngon là loại có mùi thơm thoang thoảng của thịt hòa quyện với mùi của lá gói. Nếu thấy một khoanh giò có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt.

Mùi giò do chất lượng giò tạo nên, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là ngon. Nếu thấy một cây giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ qua ngay lập tức.

- Phân biệt bằng cách nếm: Một khoanh giò ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở.

Nếu giò quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với bột, còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.

2. Chả

Phân biệt chả ngon cũng tương tự như phân biệt giò, tuy nhiên vì chả không có lớp lá gói bên ngoài nên dễ dàng phân biệt hơn giò. Nếu phên/miếng chả lớp vỏ có màu vàng tự nhiên của thịt rán nhưng vỏ hơi sần sùi, không mịn, lớp bên trong mềm, mịn, có nhiều lỗ rỗ nhỏ thì đó là phên chả ngon.

Khi sờ tay thử vào miếng chả thấy mềm, hơi ươn ướt nhưng không dính nhớp mà chỉ dính một chút mỡ ở tay (lý do là bởi chả được pha với liều lượng mỡ nhiều hơn giò nên khi sờ vào chả sẽ dính nhiều mỡ ra tay hơn giò). Chả ngon có mùi thơm nhẹ, khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng.

Nếu miếng chả quá bở, ăn không còn vị béo ngậy đặc trưng của thịt, bề mặt không có lỗ rỗ thì tức là trong lúc chế biến thịt đã bị pha lẫn với bột. Còn nếu miếng chả có mùi thơm, dai, giòn bất thường thì tức là nó đã bị trộn lẫn với hàn the.

 

 

 

Những mẹo nhận biết khác

Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể làm theo cách dùng giấy tẩm nghệ. Tự chế giấy tẩm nghệ bằng cách: Giã nhỏ nghệ, sau đó ngâm trong cồn từ 3 - 4 giờ, rồi gạn lấy dung dịch nghệ. Dùng dung dịch nghệ để ngâm giấy lọc trong khoảng 1 giờ.

Sau đó vớt ra để khô bề mặt rồi tiếp tục ngâm trong dung dịch nghệ khoảng 1- 2 giờ rồi vớt ra phơi khô trong gió. Dùng dao cắt nhỏ thành từng miếng (1,5 - 2cm) đựng trong hộp kín dùng dần.

Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ. Vì vậy cách nhận biết nhanh nhất giò chả có hàn the hay không bạn lấy miếng giấy nghệ ấn vào bề mặt giò hay chả.

Quan sát một lúc, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ thì kết luận giò, chả có hàn the.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video được xem nhiều nhất: [mecloud]KfJuDenVZ7[/mecloud]