Dòng sự kiện:

Cách phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ

15:00 06/11/2015
Tỉ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vậy cần phải làm gì để phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ?

 

 

 

 

 

 

 

Phân biệt dị ứng thức ăn với bất dung nạp thức ăn

Dị ứng thức ăn là một phản ứng không bình thường với thức ăn, gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Dị ứng thức ăn có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới ba tuổi. Những thực phẩm gây nên dị ứng thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt, cá, hải sản... do các thực phẩm này có tính dị nguyên cao.

Các bác sỹ giải thích, trẻ em có hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng. Thông thường, dị ứng thức ăn gây nên các biểu hiện ở da như ban đỏ, viêm da, mề đay, chàm , đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Một số trường hơp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.

Tuy nhiên, nên phân biệt dị ứng thức ăn với triệu chứng bất dung nạp thức ăn, ví dụ như bất dung nạp lactose. Các dấu hiệu phổ biến khi không dung nạp lactose gồm các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy sau khi uống sữa hoặc chế phẩm từ sữa. Để khắc phục, mẹ cần chọn các loại sữa "free lactose" cho bé uống. 

Nếu dị ứng sữa, triệu chứng gồm phát ban ngoài da, ngứa và sưng nề quanh miệng, môi; thở khò khè; nôn trớ... ngay sau khi trẻ ăn sữa. Các dấu hiệu muộn là đau bụng, tiêu chảy; phân lỏng, có thể có máu; ho hoặc thở khò khè; chảy nước mũi, nước mắt; phát ban, ngứa quanh miệng; đau bụng ở trẻ sơ sinh. Trường hợp nặng có thể sốc phản vệ với các dấu hiệu co thắt đường hô hấp, thở rít, khó thở; mặt đỏ bừng; ngứa; sốc, tụt huyết áp.

Làm gì để phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ?

Tỉ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, chúng ta có thể xác định được nguy cơ dị ứng của đứa trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Ví dụ: nếu cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50 - 80% con nguy cơ mắc; nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20 - 40% con có nguy cơ bị dị ứng, và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5 - 15 % trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng.

Vậy những trẻ nào cần phải chú ý đề phòng dị ứng? Đó là những trẻ sinh ra trong các gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai bố mẹ bị dị ứng. Đây được gọi là nhóm trẻ có nguy cơ cao. Ngoài ra, trẻ em dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị dị ứng nhất vì ở độ tuổi này hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện.

Những trẻ được sinh ra trong gia đình có người mắc các bệnh dị ứng sẽ dễ bị dị ứng thức ăn nên cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ bước sang tuổi ăn dặm, không nên vội vã cho ăn nhiều loại thức ăn mới cùng lúc. Nên bắt đầu với các thức ăn ít dị ứng như gạo và các loại củ. Tránh cho trẻ dùng các loại thức ăn chế biến theo lối công nghiệp như thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, các chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi bạn nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như xét nghiệm trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu (RAST) để xác định một cách chắc chắn thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Tuy nhiên, tính chính xác của xét nghiệm này chưa cao.

Chính vì thế, bạn không thể dựa đơn thuần vào kết quả xét nghiệm để quyết định chế độ ăn cho trẻ. Một số xét nghiệm có độ chính xác cao hơn nhưng độ an toàn thấp hơn như test kích thích với chính loại thức ăn nghi ngờ. Nên thực hiện xét nghiệm này khi có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Khi biết trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó, nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn của trẻ. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của trẻ trong các âu bát có dính các thức ăn mà trẻ dị ứng.

Tuy nhiên, dị ứng thức ăn không kéo dài suốt cả đời, chính vì thế bạn không cần bắt trẻ kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Sau một thời gian, bạn có thể cho trẻ ăn lại thức ăn đó (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip hot

[mecloud]qmoifNwuh2[/mecloud]