Dòng sự kiện:

Cách xử lý chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Mai Nguyên (T/h)
19:10 06/10/2017
Những phương pháp chăm sóc, xử lý sau sẽ giúp làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho các cha mẹ yên lòng.

Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện các biến chứng nặng nề. Chăm sóc bé như thế nào cho đúng cách để làm giảm triệu chứng trào ngược và nhất là làm sao phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng, để kịp thời xử trí là những điều các bậc phụ huynh nên biết về vấn đề dễ tiêu hóa thường gặp này.

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản tại nhà

Hầu hết trào ngược ở trẻ em là trào ngược sinh lý do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện và do đặc tính ăn đồ lỏng, bú nằm ở giai đoạn này. Cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong một giai đoạn đầu đời của bé và sẽ tự khỏi. Những phương pháp chăm sóc sau sẽ giúp làm giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho các cha mẹ yên lòng.

Làm đặc thức ăn: Bạn có thể làm đặc thức ăn bằng cách bổ sung 1 muỗng canh bột gạo (bột gạo đã được chế biến sẵn) vào 60ml - 120 ml sữa. Đối với trẻ bú mẹ, bạn nên cho trẻ bú mẹ nhiều lần, ngoài ra có thể vắt sữa mẹ và pha thêm bột gạo vào sữa mẹ.

Tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm: Nước cam, quýt, bưởi, thực phẩm giàu chất béo, Sô-cô-la, cà phê và một số gia vị như tỏi, hành, thức ăn cay, xốt cà chua, những thực phẩm chế biến kèm xốt cà chua.

Điều chỉnh tư thế trẻ sau bữa ăn: Bế thẳng trẻ sau ăn khoảng 20 - 30 phút, trẻ ngủ với đầu giường nâng cao 30 độ, tránh cho trẻ nằm hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn, ít nhất là 2 giờ. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ mặc quần áo quá chật ngay sau bú.

Điều chỉnh cách cho trẻ bú: Cho trẻ bú nhiều cử, các cử bú nên được chia nhỏ mỗi lần 30 - 60ml. Đối với những trẻ phải bú với số lượng nhiều, cứ sau mỗi 60ml thì vẫn giữ tư thế đang ẵm, đầu cao và vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ rồi bú tiếp. Không nên vác trẻ lên vai trong những trường hợp này vì dễ làm trẻ ọc sữa ra do dạ dày bị đè ép.

Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Ảnh minh họa

Cách xử lý chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ theo phương pháp đông y

Bất kỳ bệnh lý nào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì việc sử dụng thuốc Tây luôn là lựa chọn cuối cùng vì cơ thể trẻ còn quá non nớt và nhạy cảm. Tuy nhiên, những thành phần hóa học có trong thuốc sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, gan, thận và tăng nguy cơ kháng thuốc.

Do đó, các mẹ nên dùng các bài thuốc Đông y để chữa bệnh an toàn, không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ.
Dưới đây là những phương pháp xử lý chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ theo chia sẻ của BS Thu Vân trên báo Sức khỏe & đời sống:

Bạc hà cay

Bạc hà có tác dụng làm mát hệ tiêu hóa và dễ dàng giảm các triệu chứng trào ngược axit và giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa. Trộn vài giọt dầu bạc hà với một thìa dầu oliu và mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng. Làm điều này 2 lần/ngày. Các bà mẹ đang cho con bú cũng có thể uống trà bạc hà 2-3 lần/ngày.

Dầu dừa

Dầu dừa cũng giúp giảm viêm do trào ngược. Axit Lauric trong dầu dừa khiến nó có tác dụng tốt như sữa mẹ với trẻ. Nó giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn. Những người chuẩn bị làm mẹ cũng nên uống hai thìa dầu dừa nguyên chất để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh việc thêm một nửa thìa dầu dừa nguyên chất vào nước ấm hoặc ngũ cốc cho trẻ, bạn cũng có thể trộn dầu dừa và dầu gừng rồi mát-xa nhẹ trên bụng trẻ.

Mát-xa

Mát-xa thường xuyên cho bé để cải thiện chức năng hô hấp và tiêu hóa. Cách này sẽ giúp kích thích dây thần kinh phế vị trong não, vốn có liên quan tới hệ tiêu hóa và hô hấp. Mát-xa cũng có lợi cho sự tăng trưởng của trẻ, khiến cơ thể hoạt động tốt hơn. Mát-xa vùng bụng của trẻ với dầu oliu  hoặc dầu dừa ấm theo chiều kim đồng hồ. Không mát-xa ngay sau khi ăn.

Tập thể dục cho trẻ

Co duỗi chân bé giúp giảm các vấn đề như trướng bụng, đầy hơi. Đặt bé nằm ngửa, giữ chân ở tư thế gập, nhẹ nhàng di chuyển hai chân bé như thể bé đang đạp xe. Không cho bé ăn ngay sau khi tập.

Giấm táo

Đây là một bài thuốc tốt cho trẻ bị trào ngược axit. Cách này làm tăng khả năng miễn dịch của trẻ. Cho một chút giấm táo tươi vào cốc nước ấm và cho bé uống đều đặn để điều trị trào ngược. Bạn cũng có thể cho thêm mật ong hữu cơ nhưng không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong này.

Hoa cúc

Bên cạnh tác dụng giảm đau bụng. Thuộc tính an thần của hoa cúc giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Trộn một nửa thìa hoa cúc khô vào cốc nước nóng và để nguội, sau đó cho bé uống hàng ngày.

Nguồn: Gia đình Việt Nam