Dòng sự kiện:

Cách xử lý những tình huống khẩn cấp để cứu mạng con

14:00 09/08/2015
2/3 các bậc phụ huynh không biết mình cần phải làm gì trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Hãy chắc chắn rằng bạn không phải là một trong số họ với những hướng dẫn cơ bản thiết yếu sau đây.
Những số liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tai nạn nghiêm trọng mà trẻ gặp phải tăng vọt trong 6 tuần nghỉ hè.

Mỗi ngày, ước tính có 58 trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm do vô tình bị nhiễm độc, và nghẹt thở là 1 trong 3 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Joe Mulligan, người đứng đầu Hội chữ thập đỏ Anh cảnh báo: “Chúng ta thường phủ nhận và nghĩ rằng mọi chuyện không thể tồi tệ như vậy, nhưng việc học những thao tác cấp cứu cơ bản sẽ giúp bạn không cảm thấy vô dụng khi những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bạn có thể cứu mạng sống của con mình”.

Dưới đây là những hướng dẫn cần thiết để đối phó với những tình huống khẩn cấp phổ biến nhất.

Khi con bạn nuốt phải chất/vật gây hại

Các chất/vật gây hại có thể bao gồm rượu, thuốc, sản phẩm làm sạch và một số loại thực vật.

Trước tiên, cần xác định trẻ đã nuốt vật gì, khi nào và số lượng đã nuốt phải. Sau đó hãy gọi vào số điện thoại cấp cứu khẩn cấp hoặc đi thẳng đến bệnh viện mang theo mẫu vật mà trẻ đã nuốt phải.

Trẻ khi bị hóc

Bước 1: Vỗ 5 cái vào lưng, vỗ đúng vào vị trí giữa 2 bả vai bằng gò lòng bàn tay của bạn. Động tác này sẽ tạo nên một lực rung và áp suất mạnh trong khí quản, thường đủ để đánh bật tác nhân gây tắc nghẽn để trẻ có thể thở được.

Nhưng nếu hành động này không có tác dụng, hãy thực hiện bước thứ 2: thúc vào bụng 5 lần.

Hãy vòng tay giữ lấy thắt lưng của trẻ và kéo lên trên về phía rốn. Điều này giúp đẩy không khí ra khỏi phổi và đánh bật vật gây tắc nghẽn.

Nếu không có tác dụng, hãy lặp lại bước 1 và 2. Gọi cấp cứu nếu vật không thể bật ra sau 3 lần lặp lại.

Trẻ bị nghẹt thở

Lưu ý quan trọng: những kỹ thuật sơ cứu ở trẻ sẽ khác so với người lớn.

Sau đây là những gì bạn nên làm:

Bước 1: Vỗ lưng 5 lần. Giữ cho trẻ cúi xuống thấp và vỗ vào vị trí giữa bả vai.

Nếu động tác này không hiểu quả, hãy thực hiện bước 2: đẩy ngực 5 lần.

Xoay bé nằm ngửa và đặt 2 ngón tay vào giữa ngực ngay phía dưới núm vú. Ấn đẩy xuống theo hướng lên trên 5 lần.

Nếu không có tác dụng, hãy lặp lại 2 bước và gọi cấp cứu nếu lặp lại 3 lần không hiệu quả.

Sốt co giật

Nhiệt độ cao có thể gây ra sốt co giật ở trẻ, đó là lý do tại sao nên dùng Calpol hoặc ibuprofen ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn sốt để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trong cơn co giật, trẻ có thể cong lưng, cơ thể cứng lại, đôi mắt có thể đảo ngược lên trên và không thể giữ được hơi thở.

Trước hết, để bảo vệ trẻ qua khỏi cơn nguy hiểm, đừng cố gắng can thiệp ngăn cản trẻ. Hãy lập tức di dời những vật có thể gây tổn thương ra xa trẻ. Sử dụng một tấm chăn hoặc quần áo để tránh gây tổn thương vùng đầu.

Cởi bớt quần áo để giảm nhiệt. Nếu căn phòng đang nóng, hãy tìm cách giảm nhiệt căn phòng.

Khi cơn co giật trôi qua, hãy giúp trẻ thư giãn bằng cách ngửa đầu ra sau để hỗ trợ hơi thở.

Nếu các triệu chứng vẫn còn tiếp tục hay đó là lần đầu trẻ bị co giật, hãy tìm đến bác sĩ để hỏi ý kiến.

Bị bỏng

Hãy làm dịu vết bỏng dưới vòi nước lạnh ít nhất 10 phút, bất kể trẻ kêu giãy thế nào. Làn da càng được làm dịu sớm thì sự đau đớn, tổn thương thần kinh hay nguy cơ để lại sẹo càng giảm.

Sau khi vết bỏng được làm dịu, hãy che lại bằng một lớp màng bọc hoặc túi bóng sạch. Đó là lớp bọc lý tưởng bởi nhựa không dính vào vết bỏng, giữ cho vết bỏng sạch và ẩm, làm giảm đau bằng cách ngăn cản tiếp xúc với không khí. Gọi cấp cứu nếu cần thiết.

Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ về các trường hợp bỏng ở trẻ.

Chấn thương đầu

Những va chạm vào đầu có thể khiến trẻ bị thương hoặc đau đầu, để lại những vết sưng hoặc khiến trẻ trở nên nhợt nhạt.

Hãy để trẻ được nằm thư giãn và chườm lạnh (bằng hạt đậu đông lạnh hoặc túi trà). Điều này sẽ giúp giảm sưng và đau bên ngoài.

Nếu có bất cứ biểu hiện nào của việc mất ý thức, hay trẻ trở nên buồn ngủ và ói mửa, hãy gọi cấp cứ ngay lập tức, vì đó có thể là dấu hiện của những chấn thương đầu nghiêm trọng.

Bị gãy xương

Trẻ có thể bị gãy xương khi có biểu hiện đau đớn nhiều hay nằm không tự nhiên sau một cú ngã hoặc một chấn động nào đó.

Đừng di chuyển trẻ mà hãy cố định vùng chấn thương bằng gối hoặc quần áo để đề phòng những di chuyển không cần thiết.

Điều này cũng có thể giảm đau và phòng tránh việc mất hoạt động trong tương lai.

Nếu có thể, hãy hỗ trợ các vùng trên và dưới vùng bị chấn thương. Gọi cấp cứu và tiếp tục hỗ trợ khi trợ giúp đến.

Bị dị ứng nghiêm trọng

Nguyên nhân thường gặp của dị ứng hay sốc phản vệ thường là do tiêm thuốc, các loại hạt, côn trùng hay các loại động vật giáp xác cắn.

Trẻ có thể bị phát ban đỏ, ngứa hoặc sưng ở tay, chân, mặt. Hơi thở chậm và có thể nôn mửa, tiêu chảy.

Nếu bạn quan sát thấy bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh chóng và có khả năng gây tử vong vì nó có khả năng gây sưng đường hô hấp.

Hãy trấn an và giữ cho trẻ thoải mái nhất có thể khi chờ cứu thương đến.

Trẻ bất tỉnh và không thở

Đây là tình huống mà tất cả chúng ta sợ nhất, nhưng trường hợp này khá hiếm, thường xảy ra sau một vụ tai nạn nghiêm trọng như gần chết đuối chẳng hạn.

Trước hết hãy kiểm tra hơi thở của trẻ. Hãy nghiêng đầu trẻ lại, nhìn và áp gò má vào ngực để kiểm tra dấu hiệu của hơi thở.

Khi bạn đã chắc chắn rằng trẻ không còn thở, hãy gọi ai đó gọi cấp cứu. Nếu chỉ có một mình, hãy thực hiện việc giải thoát cho hơi thở và ấn ngực khoảng 1 phút, sau đó gọi cấp cứu.

Thổi ngạt 5 lần. Nghiêng đầu trẻ, bịt miệng và mũi của trẻ sau đó thổi ngạt 5 lần.

Ép ngực 30 lần. Dùng tay ấn đẩy ngực dứt khoát rồi thả lỏng.

Nếu tay bạn nhỏ hay con bạn đã lớn, bạn có thể sử dụng cả 2 tay để ấn ngực.

Thổi ngạt 2 lần rồi tiếp tục ép ngực 30 lần, lặp lại cho đến khi cấp cứu đến.

[mecloud]B7atGvXS5C[/mecloud]

Minh Trang (Theo Mirror)

Nguồn: Người đưa tin