Dòng sự kiện:

Cảnh báo bệnh nguy hiểm qua những bất thường ở móng tay

02:15 29/08/2016
Nếu bạn phát hiện móng tay, móng chân có những bất thường sau thì phải tuyệt đối cẩn trọng vì rất có thể đó là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm.

Móng như dùi trống

Chị T.N.L. (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đến khám tại BV Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng mười móng tay và mười móng chân đều cong tròn như mặt sau cái muỗng. Trong bệnh án của chị L., bác sĩ kết luận chị mắc bệnh tim. BS Vũ Hoàng Vũ - khoa Nội Tim mạch, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Đây là tình trạng móng tay dùi trống. Đầu ngón tay, đặc biệt là móng tay bị lồi và to giống như dùi trống, do tình trạng thiếu ôxy máu mạn tính nhiều năm. Biểu hiện móng tay dùi trống có thể gặp ở các bệnh như bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, bệnh gan, bệnh viêm ruột, AIDS”.


Móng nửa trắng nửa đỏ: là biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn.

Theo BS Vũ, những biểu hiện bất thường ở móng tay hoặc móng chân có thể là dấu hiệu nhận biết tình trạng sức khỏe.

Chị N.T.H. (35 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) kể: “Tôi không biết con gái bốn tuổi có đường gãy giữa móng từ khi nào. Đưa con đi khám, bác sĩ nói có thể do chấn thương hoặc do một bệnh lý nặng gây ra, cần làm nhiều xét nghiệm, chẩn đoán và theo dõi”. Theo BS Vũ, tình trạng móng tay có một đường gãy giữa móng có thể do chấn thương hoặc một bệnh lý nặng như: đái tháo đường không điều trị tốt, bệnh lý mạch máu ngoại biên, sởi, quai bị, thiếu kẽm nặng, viêm phổi. Biểu hiện bất thường ở móng có thể do nấm móng, nhiễm trùng, chấn thương tại móng, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nặng tại cơ quan khác ngoài móng như tim, thận, gan, bệnh tự miễn, thiếu sắt, thiếu kẽm hoặc một bệnh da liễu khác.


Móng có đường trắng rõ ràng biểu hiện tình trạng đạm trong máu giảm (albumin máu)

Móng báo bệnh

Thường thì móng tay cung cấp những thông tin chính xác hơn móng chân (do móng chân dễ bị chấn thương nên các đặc điểm lâm sàng sẽ thay đổi). Theo BS Trần Thế Viện - Phòng khám Da liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, có những đặc điểm đặc hiệu để giúp chẩn đoán (tuy nhiên cũng có những đặc điểm không đặc hiệu). Có người bị một vài móng, có người bị cả 20 móng và các bất thường này có thể xảy ra đồng thời hay sau những bệnh lý hệ thống như tim, gan, thận, phổi, nội tiết, bệnh tự miễn, bệnh di truyền…


Móng tay dùi trống: đĩa móng cong tròn như mặt sau của cái muỗng, thường thấy ở những người bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính.

Trong các bệnh lý tim mạch, ngoài biểu hiện ngón tay dùi trống, thường liên quan tới 20 móng, gặp trong bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính. Ngoài ra, còn có thể gặp những bất thường về móng như: xuất huyết dạng điểm bề mặt móng gặp trong viêm nội tâm mạc và thuyên tắc động mạch, liềm móng bị đỏ hay gặp trên bệnh nhân suy tim sung huyết, móng có thể bị tróc ra trong bệnh Kawasaki. Với bệnh hen suyễn và bệnh phổi mạn tính, ngoài hội chứng móng vàng, ngón tay dùi trống, còn có thể liềm móng bị đỏ gặp trong bệnh phù phổi hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, móng tay nicotine (móng bị nhuộm vàng, thường ngón cái, trỏ và giữa) gặp ở những người hút thuốc lá.

BS Viện cho rằng: “Những bất thường của móng giúp chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, chỉ khám móng thôi chưa đủ, vì các bất thường này có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, khi khám bệnh bác sĩ sẽ hỏi kỹ lưỡng bệnh sử bệnh nhân, khám thêm các triệu chứng ở da, niêm mạc và các cơ quan khác, các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh”.

BS Vũ cho biết thêm: "Móng lõm là biểu hiện bệnh vả y nến (khoảng 30-40% bệnh nhân bị bệnh vảy nến có biểu hiện tại móng tay và chân), một bệnh lý tự miễn biểu hiện chủ yếu ở da, khớp và móng. Biểu hiện móng lõm còn có thể gặp ở một số bệnh khác như hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng), bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata). Móng tay hình thìa là tình trạng móng bị mềm và biến dạng như hình chiếc thìa, móng lõm nặng đến mức có thể chứa được giọt nước. Biểu hiện này thường thấy ở bệnh nhân thiếu sắt nặng, bệnh lý gan như bệnh ứ sắt (cơ thể hấp thu lượng sắt quá mức trong thức ăn, dẫn đến tình trạng ứ sắt tại các mô, trong đó có gan và tim). Ngoài ra, đây còn là biểu hiện của các bệnh lý khác như bệnh tim mạch hoặc suy tuyến giáp".


Dãn mạch quanh móng: thường gặp trong các bệnh lý tự miễn như: lupus, viêm bì cơ, xơ cứng bì.

Ngoài ra, móng trắng là tình trạng móng tay hoặc móng chân bị trắng toàn bộ (bình thường móng có màu hồng) trừ phần đầu móng. Đây là triệu chứng thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên, cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý tim mạch, bệnh gan, bệnh thận, hoặc bệnh đái tháo đường. Ly móng là tình trạng móng tay hoặc chân dễ bị bong tróc rời khỏi đầu ngón tay hoặc chân.

Hội chứng móng vàng: 20 móng dày sừng, có màu vàng-xanh, thường liên quan tới bệnh phổi mạn tính có tràn dịch hay phù bạch mạch.

Tình trạng này có thể do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, cũng có thể gặp ở bệnh nhân bị vảy nến, dị ứng thuốc hoặc dùng quá nhiều hó a chất làm đẹp móng. Hội chứng móng vàng là tình trạng móng bị mỏng, phát triển chậm, chuyển màu vàng. Tình trạng này do thiếu lớp biểu bì da làm móng dễ bị tách rời khỏi đầu ngón tay. Vàng móng có thể gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn hoặc tắc mạch bạch huyết.

Theo BS Viện, ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh những biểu hiện trên móng liên quan đến các bệnh của cơ thể. Khi khám bệnh, các bác sĩ cũng phải kết hợp khám nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có khám móng, để chẩn đoán bệnh chính xác.

Theo PNO

Nguồn: Gia đình Việt Nam