Cảnh báo những bệnh thường gặp mùa mưa và cách phòng tránh
Mùa mưa cũng là thời điểm các mầm bệnh sinh sôi nảy nở, điển hình là những bệnh về da. Cảnh báo những bệnh thường gặp mùa mưa và cách phòng tránh:
1001 kiểu… ngứa
Theo các chuyên gia da liễu, mưa kèm khí hậu nóng ẩm và đường phố thường xuyên bị ngập nước, tù đọng nước bẩn là những “kẻ thù” của da. Những bệnh về da mà mọi người dễ mắc phải vào đầu mùa mưa là:
- Chốc lở, lang ben: đây là nhóm bệnh lý liên quan đến tăng tiết mồ hôi do khí hậu nóng ẩm. Bệnh chốc lở ở trẻ em có các dấu hiệu đặc trưng: xuất hiện mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau chuyển thành mủ, rồi bể, khô đi và đóng mày. Nếu không giữ vệ sinh kỹ và điều trị đúng, trẻ có thể gãi do ngứa làm lở loét da, gây nhiễm trùng. Khí hậu nóng ẩm còn tạo điều kiện cho vi nấm phát triển, thường gặp nhất là các loại vi nấm nông - gây bệnh ở lớp sừng của da như bệnh lang ben, hăm kẽ ở người dư cân, hay nấm ở vùng “tam giác”: nách, bẹn, mông. Trong đó, nấm ở bẹn thường gặp nhất với các triệu chứng: các mảng da màu hồng, hình đa cung, ngoài rìa có nhiều mụn nước. Bệnh gây ngứa nhiều những lúc cơ thể tiết mồ hôi. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể lây lan ra kẽ mông, xuống đùi, lên thắt lưng... và ngứa dữ dội.
Mùa mưa cũng là thời điểm các mầm bệnh sinh sôi nảy nở, điển hình là những bệnh về da. Ảnh minh họa
- Viêm da, mề đay: một số bệnh da thường gặp và tăng cao do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng. Khi đó, da bị tổn thương với những dấu hiệu là các mảng da đỏ hoặc phù nề, tróc vảy trên bề mặt, hoặc có thể nổi mụn nước, bóng nước.
- Mụn trứng cá, chàm: đây là nhóm bệnh lý mà ánh sáng mặt trời sẽ khiến bệnh nặng hơn như mụn trứng cá, chàm, viêm da-cơ, bệnh bóng nước do rối loạn chuyển hóa Porphyrin… Khó chịu nhất trong nhóm bệnh này là Lupus đỏ, các tổn thương da cũng như tình trạng bệnh sẽ nặng hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Cạnh đó là viêm da tiết bã với các mảng da đỏ, sần sùi, đóng vảy vàng trên bề mặt, ở các vùng da bị nhờn nhiều như: hai má, mũi - má, sau tai, da đầu. Các mảng da bệnh sẽ bị đỏ nhiều hơn, gây khó chịu khi ra nắng.
- Bệnh do dị ứng với các tác nhân ô nhiễm trong không khí, môi trường. Thường gặp nhất là tình trạng da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khi bị mắc mưa, nước mưa đọng trên đường văng lên người và nhất là phải lội trong nước bẩn khi đường bị ngập. Ngoài ra, một số thuốc cũng khiến da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hơn như kháng sinh nhóm cyclin để điều trị mụn, một số thuốc tim mạch, thuốc kháng sốt rét… Nếu đang dùng những loại thuốc này mà đi nắng thì dễ làm cho da bị cháy đen.
Mùa mưa, nhưng cần tránh… nắng
Nhiều người có thói quen, chỉ mùa nắng mới chống nắng, che chắn mặt, tay chân khi ra đường, còn mùa mưa thì khá vô tư vì cho là nắng không còn gay gắt nên không ảnh hưởng cho da. Tuy nhiên, theo TS-BS Lê Thái Vân Thanh- Phòng khám Da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM thì đây là quan niệm sai lầm, vì dù là mùa mưa nhưng ánh nắng mặt trời vẫn gây hại cho làn da với thủ phạm là tia tử ngoại (tia UV) làm da bị sạm đen, nổi đồi mồi và có thể gây ung thư da.
Dưới tác động của nắng nóng, những chất giúp cho da săn chắc và tươi trẻ như collagen, elastin, acid hyaluronic đều bị phá hủy, dẫn đến hiện tượng nhăn nheo da, giảm tiết nhờn, làm da thiếu ẩm... Khi lớp ẩm tự nhiên này bị yếu đi, da dễ bị tấn công “liên hoàn” bởi nắng và những tác hại khác của môi trường. Đồng thời, hệ thống bảo vệ da chống lại vi trùng và chất lạ xâm nhập bị yếu đi, làm da dễ bị nhiễm trùng hoặc hư hại nặng hơn. Vì thế, việc tránh nắng và chống nắng trong mùa mưa cũng rất quan trọng để giữ cho làn da được khỏe và trẻ lâu hơn.
Thêm một nguyên nhân khiến da dễ bị tổn thương là nhiều người đi ngoài mưa về, thậm chí phải lội trong đường bị ngập nước, nhưng chỉ rửa chân qua loa, khiến da, móng dễ bị nấm, dị ứng gây ngứa, viêm da. Ngược lại, không ít người quá kỹ lưỡng khi dùng xà phòng chà xát mạnh lên da nhằm “tẩy trôi” hết bụi bẩn, nước dơ sau khi đi mưa. Cách vệ sinh quá tay này có thể khiến da dễ bị kích ứng, tổn thương. Tốt nhất sau khi đi mưa về là dùng xà phòng có chất tẩy ít, chà rửa chân nhẹ nhàng.
Khi bị bệnh ngoài da, có thể vệ sinh cơ thể, vùng da bị tổn thương bằng nước muối sinh lý, dung dịch sát khuẩn và lau khô vùng da đang bị ngứa sau khi đi mưa… Lưu ý, không được gãi, cào cho “đã ngứa” vì sẽ làm da bị trầy xước, tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
Để phòng ngừa các bệnh ngoài da vào mùa mưa, trước hết là cần tránh… những con đường bị ngập nước, nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, chất liệu vải mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi...
Chú ý, khi phải làm những công việc ngoài trời hoặc đang dùng thuốc gây tăng sắc tố da thì phải bảo vệ da chống nắng thật kỹ. Nếu phải làm việc trong môi trường ẩm ướt thì nên thường xuyên thay quần áo để da luôn được khô thoáng. Ngoài ra, cần một chế độ ăn uống hợp lý với nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và dùng kem chống nắng để giúp da khỏe và sáng đẹp hơn. Nếu chẳng may bị tổn thương ở da, nên đến cơ sở y tế khám và điều trị đúng cách.
Theo PNO
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua