Dòng sự kiện:

Cảnh tỉnh cha mẹ bỏ lơ tình trạng "đuối cạn" của trẻ

15:49 06/07/2015
Theo chuyên gia, trẻ có thể gặp phải tình trạng đuối cạn nếu chẳng may hít phải nước. Các triệu chứng không biểu hiện ngay lập tức mà sau đó nhiều giờ, thậm chí gần một ngày.

Thời tiết oi bức ngày hè khiến nhiều gia đình tìm đến các bể bơi, ao hồ hay sông biển để giải nhiệt. Điều không cha mẹ nào mong muốn là chuyến giải nhiệt vui chơi kết thúc tại phòng cấp cứu bệnh viện. Dù vậy, không ít trường hợp đuối nước vẫn diễn ra hàng năm vào thời điểm nắng nóng.

Trong số đó, cấp cứu vì “đuối cạn” vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều phụ huynh. Tình trạng này xảy ra khi trẻ bị đuối nước nhưng không phải trong bể bơi hay sông biển mà ở trên cạn, sau nhiều giờ rời môi trường nước.


Chuyên gia sức khỏe thể thao, tiến sĩ Lewis Maharam cho biết hội chứng “đuối cạn” hay “đuối nước thứ cấp” khiến nhiều trẻ ở Mỹ nhập viện mỗi năm. Chuyên gia này cảnh báo chỉ cần trẻ hít phải một lượng nước nhỏ vào bên trong phổi cũng có thể gây ra hiện tượng này.

Đuối cạn xảy ra khi trẻ đang chơi đùa trong nước thì vô tình bị sặc nước hoặc suýt chết đuối mà được cứu sống. Sau những cơn ho sặc, trẻ tưởng như không sao và trở lại vui chơi, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nhiều giờ sau, cha mẹ có thể quan sát thấy biểu hiện ho, khó thở, khò khè với những bóng nước trong miệng.

Nguyên nhân là do chất lỏng tích tụ bên trong phổi ban đầu chưa biểu hiện triệu chứng. Về sau, phổi bị kích thích tiết ra dịch và dẫn tới hiện tượng phù phổi, làm trẻ khó thở hoặc không thể thở được, có thể gây tổn thương não.

Tình trạng nguy hiểm này thực chất không được nhiều người biết đến. Kênh truyền hình CBS News đã thực hiện khảo sát tại bể bơi với nhiều phụ huynh song phần lớn đều mới nghe lần đầu. Một số bà mẹ còn rất sốc khi biết con em mình có thể đuối nước sau khi đã rời bể bơi gần 1 ngày. 


“Đây là lý do việc tuyên truyền về hội chứng này là vô cùng quan trọng”, tiến sĩ Maharam lo ngại.

Các triệu chứng của bệnh cảnh đuối cạn bao gồm khó thở, đau tức ngực, ho, mệt lả. Cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới phòng cấp cứu để thực hiện các kiểm tra nếu phát hiện các triệu chứng sau khi trẻ có vui chơi dưới nước trong ngày. Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong điều trị đuối cạn, nhất là để can thiệp nội khoa khi trẻ phù phổi.

Tình trạng đuối cạn không phổ biến ở tất cả trẻ em và xác suất càng thấp hơn ở người trưởng thành. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan lơ là khi đưa trẻ đi bơi. Cách phòng tránh đuối cạn tốt nhất luôn là sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Kế đến, cha mẹ cần cho trẻ học bơi bài bản để rèn luyện phản ứng trong môi trường nước.

 

Khánh Hà (Theo CBSNews)