Dòng sự kiện:

Chảy máu cam khi mang thai và những điều mẹ bầu cần biết

15:54 30/12/2015
Chảy máu cam trong thai kỳ là hiện tượng khá phổ biến đối với nhiều thai phụ. Mặc dù nó không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến thai nhi nhưng các mẹ bầu cũng cần đặc biệt lưu ý, nhất là trong tam cá nguyệt thứ 2.
[mecloud]HgaPnQ6MLf[/mecloud]
Nguyên nhân mẹ bầu bị chảy máu cam trong thai kỳ

Chảy máu cam là hiện tượng khá phổ biến trong thời kỳ mang thai do những thay đổi nội tiết tố, sự thay đổi hormone khi mang thai làm cho các mạch máu mở rộng hơn, dễ dàng bị phá vỡ hơn bình thường.

Nguy cơ chảy máu cam gia tăng khi thai phụ bị cảm lạnh, viêm xoang, dị ứng, màng mũi bên trong bị khô - đặc biệt khi bạn làm việc trong môi trường máy lạnh, khoang máy bay, hay môi trường thiếu độ ẩm. Chấn thương hoặc các bệnh như đông máu cũng gây nguy cơ chảy máu cam cao.

Chảy máu này thường không kéo dài nhưng có thể chảy nhiều. Bà bầu bị chảy máu cam có thể xảy ra khi đang ngủ. Thai phụ có thể cảm thấy chất lỏng ở cổ họng của mình trước khi máu đi ra khỏi mũi, nếu thai phụ đang nằm. Hiện tượng này có thể là đáng sợ nhưng nếu không bị mất rất nhiều máu thì không có gì phải lo lắng, nhiều lúc có thể xử trí tại nhà.

Cách xử trí khi bà bầu bị chảy máu cam

Bạn có thể dễ dàng xử trí nếu máu chảy từ những mạch máu nhỏ phía trước mũi. Tuy nhiên, nếu vỡ các mạch máu lớn, tình trạng có thể nghiêm trọng hơn và bạn khó có thể cầm máu được. Mẹ bầu có thể thử những cách sau khi bị chảy máu mũi:

- Ngồi xuống và bịt mũi lại trong khoảng 10-15 phút và thở bằng miệng

- Nghiêng người về phía trước để máu chảy xuống mũi và miệng thay vì xuống cổ họng của bạn. Cách này làm giảm lượng máu đi xuống cổ họng và dạ dày, giúp mẹ bầu hạn chế cảm giác buồn nôn.

Thông thường, máu cam sẽ tự động ngưng chảy sau khoảng 20 phút. Để không bị chảy máu cam trong vòng 24 giờ tiếp theo, bạn nên hạn chế:

- Làm những vận động mạnh như tập thể dục

- Thổi, ngoáy mũi hay dụi mũi mạnh

- Uống rượu hoặc đồ nóng vì có thể làm giãn các mạch máu trong mũi

Nếu máu không ngừng chảy, phải tìm đến cơ sở y tế để có biện pháp cầm máu kịp thời để tránh các nguy cơ tiềm ẩn. 

Chảy máu cam khi mang thai có nguy hiểm?

Hiện tượng chảy máu cam khi mang thai diễn ra thường xuyên và hoàn toàn bình thường. Chảy máu cam nói chung là vô hại cho thai phụ, chúng chỉ gây bất tiện và khó chịu.

Tuy nhiên, việc chảy máu cam thai kỳ có thể liên quan đến việc làm tăng nguy cơ xuất huyết sau khi sinh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ xuất huyết ở phụ nữ bị chảy máu cam trong thời kỳ mang thai là 10%, còn ở những phụ nữ bình thường là 6%. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tìm thêm nhiều bằng chứng cho giả thiết này.

Rất hiếm trường hợp chảy máu cam ảnh hưởng tới cách bạn sinh con. Tuy nhiên, nếu bị chảy máu cam ở ba tháng cuối thai kỳ, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên cân nhắc việc sinh mổ.

Nên làm gì để tránh chảy máu cam khi mang thai?

Để tránh bị chảy máu cam, hãy áp dụng những gợi ý sau:

Vào mùa lạnh, mẹ bầu nên chủ động mặc ấm và giữ ẩm cho mũi.

- Uồng nhiều nước, và giữ cho khoang mũi đủ độ ẩm. Khi bị hắt xì, hãy mở miệng ra.

- Tránh để mũi quá khô, nhất là trong thời tiết lạnh. Ngoài ra, bạn có thể bôi một lớp mỏng vaseline lên mũi để làm mềm da, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm và phun sương trong nhà để tăng cường độ ẩm.

- Nên nhẹ nhàng với mũi của mình. Hành động “thô bạo” như ngoáy mũi có thể là nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam.

- Bổ sung thêm khoáng chất để ngăn chặn màng tiết chất nhầy và các mô khác bị mất nước.

Lưu ý những trường hợp chảy máu cam gây nguy hiểm

Mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay lập tức, nếu xuất hiện những trường hợp sau:

- Bạn không ngừng chảy máu cam sau khi đã giữ nguyên áp lực trong 20 phút.

- Bạn bị chảy máu nhiều từ phần sau của mũi, và máu trào ngược ra miệng.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng băng vệ sinh mũi, hoặc gói bơm hơi, hoặc một miếng gạc đặc biệt để chèn vào mũi bạn. Những dụng cụ này gây áp lực lên mạch máu và ngăn chảy máu. Việc chèn mũi này có thể cần giữ trong một khoảng thời gian, nên bạn có thể được chuyển vào khoa Tai Mũi Họng để theo dõi.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm lành các mạch máu vỡ bằng bạc nitrat hoặc sử dụng dòng điện trong một số trường hợp. Đặc biệt, bạn nên đến khám bác sĩ nếu thường xuyên bị chảy máu cam khi mang thai. Bác sĩ có thể xem xét và cho bạn sử dụng một loại kem sát trùng hoặc chỉ định ở lại bệnh viện theo dõi.

Minh Châu (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip đang xem nhiều nhất:

[mecloud]APZD3KkOxe[/mecloud]