Cho trẻ ăn uống đúng cách khi cắt amidan
Sau khi cắt amidan, nhiệm vụ lớn nhất của cha mẹ là động viên trẻ uống đủ nước. Sẽ không đáng ngại nếu trẻ không chịu ăn thức ăn đặc trong vài ngày đầu vì cảm giác đau.
Trái lại uống đủ nước là việc hết sức quan trọng để cơ thể không bị mất nước. Nhấp nước thường xuyên cũng giúp làm ẩm những vùng họng chưa liền thương và giúp giảm đau.
BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong thời gian đầu sau khi cắt bỏ VA hay amidan, vùng vết thương còn rất nhạy cảm. Quá trình lành thương sẽ tiến triển nhanh hơn nếu tổ chức ở đây bị quấy rối ít nhất. Bác sĩ có thể chỉ định cho bé chế độ ăn lỏng lúc ban đầu vì thức ăn này ảnh hưởng ít nhất tới quá trình liền thương. Có thể bắt đầu bằng các loại nước trong như nước lọc, nước táo, nước luộc thịt.
Cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống cho trẻ sau khi cắt amidan.
Bé có thể thích uống nước hơi ấm hoặc nước lạnh, cần tránh các đồ uống nóng. Với một số trẻ, phẫu thuật nạo VA hay cắt amidan có thể gây đau đớn, khiến trẻ từ chối ăn bất kỳ thứ gì trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Hãy động viên bé thường xuyên nhấp chút đồ uống để phòng ngừa mất nước. Tránh dùng ống hút vì động tác hút sẽ càng khiến họng đau hơn.
Buổi tối đầu tiên sau phẫu thuật, cha mẹ có thể cho bé dùng chút thức ăn lỏng, sau đó tùy theo đáp ứng của bé mà chuyển dần sang chế độ ăn cứng hơn. Nếu bác sĩ không có yêu cầu đặc biệt gì về chế độ ăn thì hãy để bé tự quyết định. Người duy nhất biết rõ sau mổ họng còn đau hay không chính là con bạn, nếu bé muốn ăn gì thêm thì hãy cho bé ăn.
Các đồ uống lỏng và mát thường được trẻ yêu thích. Cần tránh các đồ uống chua như nước cam, nước chanh vì chúng có thể khiến bé đau đớn và làm cho hơi thở có mùi. Nên ưu tiên dùng thức ăn lỏng hơn đồ ăn đặc. Đừng lo lắng nếu trong vòng vài ngày sau mổ bé không ăn nhiều. Một khi bé còn uống được, khóc có nước mắt và đi tiểu bình thường thì bé vẫn được cung cấp đủ nước.
Buồn nôn và nôn có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu do ảnh hưởng của thuốc gây mê, trong chất nôn có thể lẫn chút máu. Cho bé uống thuốc giảm đau hay thuốc kháng sinh khi bụng đói sẽ khiến tình trạng này càng trở nên tồi tệ. Nếu bé nôn cả khi uống đồ lỏng thì đừng ép bé uống. Hãy cho bé nghỉ và thử lại vào sáng hôm sau. Nếu lúc này trẻ vẫn tiếp tục nôn thì cần liên hệ với nhân viên y tế.
Trẻ có thể chuyển sang thức ăn mềm ngay khi thấy muốn ăn. Tốt nhất là cho bé dùng kết hợp thức ăn mềm và thức ăn lỏng. Sau nạo VA đa số trẻ có thể sớm quay lại chế độ ăn bình thường.
Theo BS Thủy, phụ huynh cần tránh một số đồ ăn có thể kích thích họng và thậm chí gây tổn thương mô đang lành. Đừng cho bé ăn thực phẩm cứng, giòn hoặc xù xì trong vòng 1-2 tuần sau phẫu thuật vì những thức ăn này có thể gây chảy máu. Thực phẩm xù xì bao gồm bỏng ngô, khoai tây rán, bánh quy thô ráp, các loại hạt… Các thực phẩm nhiều gia vị và chua như nước chanh, nước cam, cà chua, hạt tiêu có thể gây bỏng và cảm giác khó chịu trong họng trẻ. Cần tránh các thực phẩm này trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật 2 tuần, trẻ có thể sẵn sàng để trở lại chế độ ăn bình thường. Hãy lắng nghe phản ứng của bé. Thử một đồ ăn mới mỗi lần cho tới khi bé có thể ăn lại mà không đau hoặc sợ nuốt. Nếu bé tiếp tục cảm thấy không ổn hoặc bị chảy máu thì hãy liên hệ với bác sĩ để xin ý kiến.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua