Dòng sự kiện:

Cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường, cha mẹ cần lưu ý những gì?

08:37 03/02/2017
Nhiều tai nạn nguy hiểm đã xảy ra khiến bố mẹ không thể lơ là khi cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường.

Ngủ chung giường là hiện tượng rất phổ biến trong các gia đình có con nhỏ, nhất là khi trẻ còn đang bú mẹ. Việc ngủ chung giường có những ưu điểm như: bố mẹ được ở cạnh con, thuận tiện cho mẹ trong việc cho trê bú, giúp mẹ có chu kỳ ngủ hài hòa hợp với chu kỳ ngủ của trẻ, trẻ dễ chìm lại vào giấc ngủ nếu thức giấc vào ban đêm… Thế nhưng làm thế nào để việc trẻ ngủ chung giường trở nên an toàn lại là vấn đề khiến nhiều bố mẹ thắc mắc và bối rối.

Theo các chuyên gia thuộc Viện Hàn Lâm Y Khoa Mỹ và tiến sĩ James J. McKenna, giáo sư giảng dạy đồng thời là giám đốc phòng thí nghiệm hành vi giấc ngủ của Mẹ và Bé thuộc trường đại học Notre Dame thì có một số lưu ý hữu ích dành cho bố mẹ khi quyết định cho trẻ ngủ chung giường như sau:

- Không nên ngủ chung giường với trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sinh non. Bởi đây là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu ngủ chung giường cùng bố mẹ. Vì vậy, tốt nhất bố mẹ nên cho trẻ nằm ngủ ở cũi hoặc nôi riêng nhưng được đặt sát cạnh giường bố mẹ.

Trẻ sinh non, nhẹ cân thì nên nằm ở cũi, nôi riêng nhưng được đặt sát bên cạnh giường của bố mẹ để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

- Đừng ngủ với trẻ nếu bố hoặc mẹ hút thuốc. 

- Không nên ngủ chung giường với trẻ nếu bố mẹ đang trong tình trạng ít nhận thức như quá mệt mỏi, hoặc đã uống bia rượu, hay uống thuốc. Vì khi rơi vào trạng thái này bố mẹ thường ngủ say và sâu, không kiểm soát được bản thân, dễ gây nguy hiểm như nằm đè hoặc đạp trúng trẻ.

- Trẻ sẽ an toàn hơn nếu nằm ngủ cạnh mẹ.

- Không nên để trẻ dưới 1 tuổi ngủ chung với các anh chị lớn.

Trẻ em khi ngủ thì không thể không ngọ nguậy chân tay, quay dọc quay ngang. Vì vậy tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ngủ cùng anh chị để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Đừng quấn chặt trẻ khi ngủ cùng bố mẹ vì trẻ có thể bị nóng. Đó là một điều kiện để chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh xảy ra và trẻ không thể quơ tay chân để chạm vào bố mẹ, gửi lời cảnh báo là bố mẹ đang nằm quá gần con.

- Nếu mẹ có mái tóc dài thì nên giữ cho tóc gọn gàng, tránh trường hợp sợi tóc quấn quanh cổ hoặc tay chân của trẻ.

- Nếu bố hoặc mẹ bị béo phì thì cũng không nên ngủ chung với trẻ.

- Bố mẹ hãy luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, trên một bề mặt vững chắc, sạch sẽ, không gian thoáng đãng, ánh sáng vừa phải.

Hãy luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để đảm bảo là trẻ không bị ngạt thở. Trẻ nên được nằm trên một mạt phẳng chắc chắn, không có gối, mềm, thú nhồi bông ở xung quanh.

- Khu vực trẻ ngủ không có bất kỳ con thú nhồi bông hoặc gối ở xung quanh và không nên cho trẻ gối đầu trên một chiếc gối hoặc chăn mềm.

Cảm giác được nằm ngắm nhìn con yêu ngủ say, nắm bàn tay nhỏ nhỏ, xinh xinh, bừng tỉnh theo từng cử động “ọ ẹ” của con trong đêm là hạnh phúc nhỏ nhoi của mỗi người làm mẹ. Không chỉ vậy, Michael J. Breus, một nhà tâm lý, một chuyên gia về rối loạn giấc ngủ còn khẳng định trong một bài báo đăng trên tạp chí Psychology Today rằng những đứa trẻ được ngủ chung với bố mẹ từ nhỏ sẽ có được nhiều nhân cách tốt khi lớn lên. Trẻ sẽ tự tin, sống tình cảm, hạnh phúc, độc lập và lớn nhanh hơn so với những đứa trẻ bị ngủ riêng từ khi mới sinh ra đời. 

Vậy nên, bố mẹ đừng băn khoăn chuyện có nên cho con ngủ chung giường hay không nữa nhé. Hãy thực hiện theo những lời khuyên của các chuyên gia để cả gia đình có một đêm ngon giấc, an lành bên nhau mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

 Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: Gia đình Việt Nam