Dòng sự kiện:

Chung kết cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam

Yến Anh
16:19 12/05/2017
Tại vòng chung kết, các đội thi cần sử dụng kiến thức công nghệ mới để xe có thể di chuyển chính xác nhất trên đường thẳng, trong khúc cua, khi leo dốc; biết tự điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

Ngày 10/5 tại nhà thi đấu Cầu Giấy – Hà Nội, 8 nhóm sinh viên đến từ các trường: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TPHCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ - ĐH QG Hà Nội, Đại học CNTT – ĐH QG TPHCM, Đại học FPT, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Lạc Hồng đã thi đấu vòng chung kết cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam. Đây là chủ đề năm 2016 – 2017 của cuộc thi công nghệ thường niên Cuộc đua số do Tập đoàn FPT tổ chức. Tham dự sự kiện có lãnh đạo Bộ KHCN, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp và hơn 1000 sinh viên.

8 đội thi đã được FPT trang bị xe ô tô mô hình, tài liệu đào tạo về công nghệ xử lý ảnh, các thư viện mã nguồn mở. Tại vòng chung kết, các đội thi cần sử dụng kiến thức công nghệ mới như xử lý ảnh (nhận làn đường, xác định vật cản), trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để xe có thể di chuyển chính xác nhất trên đường thẳng, trong khúc cua, khi leo dốc; biết tự điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

Các đội sẽ phải trải qua 2 vòng thi đấu. Ở vòng 1, 8 đội bốc thăm để chia thành 4 cặp thi đấu. Mỗi cặp sẽ thi đấu 1 lượt trên 2 đường đua độc lập. 4 đội có số điểm cao nhất (được tính dựa trên thời gian ngắn nhất mà đội đã hoàn thành 1 vòng đua hoàn chỉnh) được lựa chọn vào vòng thi đấu thứ 2. Ở vòng đấu thứ 2, 4 đội sẽ tiếp tục thi đấu theo cặp và loại trực tiếp, chọn ra 2 đội thắng cuộc bước vào trận chung kết để tìm ra nhà vô địch.

Tự vận hành là 1 trong 9 công nghệ trụ cột của cuộc cách mạng 4.0. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Robot giao hàng, máy bay và ô tô không người lái, các ứng dụng hỗ trợ người lái trong xe ô tô, trợ lý ảo (Siri, Cortana, Google Now..)… Các ứng dụng này ngày càng thông minh hơn và có khả năng tự động xử lý tình huống thay cho người sử dụng. Theo dự báo của Gartner lĩnh vực này sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa trong thời gian tới. Theo Mc Kinsey, xe ô tô có kết nối và ứng dụng thông minh sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong các năm tới và sẽ chiếm 25% tổng số lượng xe trên toàn thế giới vào năm 2020.

“Việt Nam đang được coi là nguồn cung nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0. Các bạn có một sứ mệnh to lớn- những người tiên phong đưa Việt Nam bắt kịp thế giới và không bỏ lỡ cuộc cách mạng chưa từng có này. Tôi tin tưởng rằng bằng kinh nghiệm và những kiến thức mà các bạn tích lũy được từ ngày hôm nay, bằng ý chí, sự đam mê và quyết tâm, các bạn là lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vì một Việt Nam thịnh vượng”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định.

Với mong muốn tạo cơ hội và môi trường giúp các bạn sinh viên tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ xe tự hành, FPT Software (đơn vị thành viên của FPT) cam kết sẽ tuyển dụng trực tiếp thành viên của các đội đạt giải cao của Cuộc thi Cuộc đua số. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia.... giúp các bạn sinh viên có kỹ năng lập trình có thể cộng tác và thực tập với FPT Software phát triển các giải pháp liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung. 

Hiện FPT có khoảng 1600 người làm việc trong lĩnh vực giải pháp công nghệ ô tô. Từ nay đến hết năm 2017, FPT cần tuyển thêm khoảng 800 kỹ sư CNTT, chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực này. Tùy thuộc vị trí, mức thu nhập có thể lên đến 2.000 USD và cơ hội làm việc ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ.

Cuộc đua số diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017. Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự. Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc (từ 9-18/1), 8 đội thi xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết. Các đội có 3 tháng để lập trình, sử dụng các thuật toán điều khiển xe. Đêm chung kết sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình FPT Play và Báo điện tử Vnexpress. Khán giả có thể tham gia bình chọn đội vô địch trên Fanpage Cuộc đua số để nhận các phẩn quà hấp dẫn có tổng giá trị lên tới 15 triệu đồng như laptop, tài khoản Fshare….

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng. Bao gồm: 01 giải Nhất trị giá 450 triệu đồng (gồm 01 chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ cho các thành viên đội thi và 03 laptop); 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 08 giải thưởng cho đội giành giải nhất vòng sơ loại, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Trường có đội thi đạt giải nhất sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, mỗi thành viên tham dự trận chung kết sẽ nhận được tài khoản đi xe của Uber trị giá 1 triệu đồng.

Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức. Cuộc thi được sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự đồng hành của hai nhà tài trợ vàng HP, Lenovo; được bảo trợ thông tin bởi Báo điện tử Vnexpress và Cộng đồng mạng xã hội Beat.vn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam