Dòng sự kiện:

Con cả có xu hướng lãnh đạo, con thứ nổi loạn nhưng giỏi ngoại giao

Theo Gia đình mới
20:32 25/08/2017
Người là con cả thường có xu hướng lãnh đạo, con út lớn lên vẫn hay yếu đuối, người con một ích kỷ… đây chỉ là suy diễn khuôn mẫu hay thật sự có những căn cứ khoa học?

Nhà tâm lý học Giáo sư Frank Sulloway (ĐH California, Mỹ) chuyên gia nghiên cứu về thứ tự sinh giải thích: mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình, là những hoàn cảnh khác nhau. Không có một khuôn mẫu nào cho tất cả những người là con cả hay con út trong các gia đình khác nhau.

Tuy nhiên, do thứ tự xuất hiện trong cây phả hệ, mỗi đứa trẻ sẽ có một ‘chiến lược’ khác nhau để thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Không chỉ sự quan tâm của cha mẹ với mỗi đứa con thay đổi, cha mẹ còn ‘định hình’ vai trò của mỗi đứa con khác nhau.

Suốt quá trình đứa trẻ lớn lên, cha mẹ có xu hướng củng cố ‘định kiến’ mà họ đã có, dù họ có nhận ra hay không.

Đây là những đặc điểm cơ bản về nhân cách mà thứ tự sinh có thể ảnh hưởng:

Con cả - tràn đầy tố chất để thành công, khó thừa nhận sai sót

Nếu bạn là ‘anh Hai’, ‘chị Hai’ trong gia đình, bạn có rất nhiều cơ hội để hình thành tố chất của người lãnh đạo.

Frank Sulloway tin rằng đứa trẻ lớn nhất trong gia đình thường ‘bắt chước’ hình mẫu của cha mẹ để ‘chấn chỉnh’ các em. Họ thường tuân theo sự hướng dẫn của cha mẹ, thích phụ trách và rất tự tin.

Cha mẹ thường khẳng định con cả phải nghiêm túc, có trách nhiệm, luôn quan tâm đến các em. Chính điều đó làm tăng sự tự tin của họ.

Cha mẹ thường dành tình cảm trọn vẹn cho đứa con ‘đầu tiên’, điều này thúc đẩy đứa trẻ lớn nhất trong gia đình đạt được nhiều bước phát triển vượt trội hơn.

Bằng chứng về điều này là: Kevin Leman, một giáo sư nổi tiếng tại Mĩ cho biết, tại một buổi hội thảo công ty ông đã tiến hành có 20 CEO, 19 người trong số đó là con cả.

Điểm yếu của những người con cả thành công là sự cầu toàn.

Sau khi luôn thấy cha mẹ có thể rót sữa mà không làm đổ một giọt, ăn bánh mì không làm rơi vãi lung tung… họ cũng muốn làm được như vậy, và muốn làm hoàn hảo ngay lần đầu tiên.

Để chống lại cảm giác thất bại, họ thường có khuynh hướng chần chừ, thiếu quyết đoán. Họ không muốn mắc sai lầm. Những khuynh hướng cầu toàn này cũng có nghĩa là họ gặp khó khăn khi thừa nhận họ đã sai.

Những người con đầu lòng nổi tiếng: Barak Obama, Hillary Rodham Clinton, Oprah Winfrey, Penelope Cruz, Josh Hartnett, Kate Middleton.

Con thứ - những kẻ nổi loạn, thất thường nhưng lại rất giỏi ‘ngoại giao’

Trong khi đứa con cả đảm nhiệm rất nhiều trách nhiệm, đôi khi là ‘cáng hết’ mọi việc thì con thứ thường ‘lơ lửng’ ở giữa. Họ thường chẳng bị gắn với một trách nhiệm nào cả và có xu hướng rõ ràng muốn ‘chuồn’ khỏi gia đình.

Do ở giữa nên con thứ thường luôn luôn trong tình trạng bị ‘chia sẻ’ tình cảm của cha mẹ. Nếu con cả có quãng thời gian cha mẹ bao bọc tuyệt đối khi các em chưa xuất hiện, con út được ở với cha mẹ khi các anh chị đã trưởng thành, thì con thứ không được như vậy.

Theo Leman, tính cách của người con thứ dường như luôn luôn hình thành theo chiều hướng đối lập với con cả. Ví dụ: anh cả trách nhiệm, chỉnh chu thì em thứ nổi loạn, cẩu thả. Anh – chị cả chăm học, nghiêm chỉnh thì đứa em chỉ thích ‘chủ trò’ các vụ nghịch ngầm ở trường, luôn được các bạn nhớ đến vì tính cách sôi nổi, nghịch ngợm…

Trong con mắt của người con thứ, anh chị cả có hết mọi ‘đặc quyền đặc lợi’, em út thì được nuông chiều, vì thế bản thân họ sẽ tìm cách thương lượng để có được cái chúng muốn.

Con thứ, vì vậy thường rất giỏi ‘ngoại giao’. Họ giỏi thương lượng, thỏa hiệp và có khả năng xử lý khủng hoảng rất tốt.

Họ có đầu óc thực tế cao, vì từ bé luôn có cảm giác bị ‘bỏ rơi’ nên họ có cá tính mạnh, thích độc lập. Họ có xu hướng gắn bó với bạn bè bên ngoài gia đình.

Những người con thứ nổi tiếng: Donald Trump, Elijah Wood, Bill Gates, Công nương Diana và Martin Luther King, Jr.

Con út – vui vẻ, hòa đồng, dễ bị lôi kéo

Cha mẹ thường có xu hướng để cho mọi thứ nhẹ nhàng hơn, ít áp lực hơn khi nuôi dạy con út. Họ không còn căng thẳng như khi làm cha, làm mẹ lần đầu.

Kết quả là, người con út thường ít bị gánh tránh nhiệm phải làm cha mẹ hài lòng.

Ưu điểm nổi bật của các ‘út cưng’ là tính tình thoải mái, xuề xòa, vui vẻ và hòa đồng. Họ thường làm mọi người xung quanh cười, được yêu mến. Thậm chí họ có thể là ‘cây hài’ ở trường lớp, công ty.

Tuy nhiên, là con út cũng không phải toàn những lợi thế.

Do luôn luôn nhìn thấy các anh chị lớn hơn mình, nhanh hơn, thông minh hơn mình… đôi khi con út hay bị tự ti. Họ có xu hướng khẳng định bản thân bằng cách nổi loạn. Thái độ ‘Mình thích thì mình làm thôi’ thường xuất hiện ở người con út.

Nếu như con út cách quá xa tuổi của các anh chị em trong gia đình, khoảng cách thế hệ có thể khiến họ trở nên đơn độc trong gia đình. Đây là tình huống bất lợi nhất vì họ dễ bị bạn bè lôi kéo vào những tệ nạn mà họ cho rằng ‘chỉ có người trẻ mới hiểu’.

Những người con út nổi tiếng: Rosie O'Donnell, Eddie Murphy, Halle Berry, Cameron Diaz, Paula Abdul, Lucy Liu.

Con một – tự tin, sáng tạo, theo chủ nghĩa hoàn hảo

Thực ra, con một là phiên bản khác của con cả, với một vài đặc điểm được đẩy lên rõ nét hơn. Giống như con đầu lòng, họ tự tin, nói chuyện tốt, chú ý rất nhiều đến chi tiết, và có xu hướng học giỏi ở trường

Do từ bé có rất nhiều thời gian một mình, họ thường tự nghĩ ra các trò chơi, tự xử lý các vấn đề… nên con một là người có xu hướng sáng tạo nhất so với các thứ tự sinh khác.

Thêm vào đó, do ở gần với người lớn nhiều, người là con một thường có xu hướng ‘cụ non’. Họ cũng có một chút ích kỷ, vì không bao giờ phải cạnh tranh cho sự chú ý của cha mẹ hoặc chia sẻ đồ chơi với anh chị em ruột của mình.

Khi mọi thứ không như mong muốn, họ thường rất khó chịu. Những người con một thường theo chủ nghĩa hoàn hảo một cách cực đoan, nhược điểm này của họ thậm chí còn đậm nét hơn so với những người là con cả.

Những nhân vật nổi tiếng là con một: Natalie Portman, Maria Sharapova, Tiger Woods, Alicia Keys, Shane West, and Jada Pinkett Smith.

Anh/chị em song sinh

Mặc dù song sinh có nghĩa là sinh ra cùng một lúc, nhưng vấn đề về thứ tự (đôi khi chỉ là vài phút) cũng có ảnh hưởng đôi chút.

Một điểm thú vị là trong cặp đôi song sinh, em bé sinh ra trước thường to hơn, em bé sinh sau thường có những vấn đề lớn hơn về sức khỏe.

Vì thế, cha mẹ - một cách vô thức - sẽ coi em bé sinh trước là con cả, em bé sinh sau là con út. Do tác động từ quan niệm của cha mẹ nên những anh/chị em song sinh sẽ có cùng đặc điểm về tính cách so với trường hợp con cả, con út đã đề cập.

Thứ tự sinh ảnh hưởng đến tính cách ra sao, theo Giáo sư Frank Sulloway, còn bị tác động bởi các vấn đề sau:

- Giới tính: Được sinh ra đầu tiên chưa chắc đã được là con cả. Ở một số nền văn hóa Á Đông, con trai được coi như là con cả, dù trên họ có tới 4 – 5 chị gái.

- Khoảng cách về tuổi giữa các anh chị em: Thứ tự sinh ảnh hưởng mạnh mẽ nếu 2 anh chị em ruột cách nhau ít nhất 4 tuổi.

Nếu khoảng cách quá xa, thì con cả vẫn có mô hình tính cách như vậy, nhưng con út có nhân cách như con một.

- Những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt: Những người được sinh ra khi gia đình đặc biệt khó khăn, có hoạn nạn… thường dễ dàng mang tính cách của anh cả, chị cả - mặc dù họ là con thứ trong nhà.

Nguồn: Gia đình Việt Nam