Dòng sự kiện:

Con sợ người ngoài "một phép" nhưng luôn bắt nạt mẹ

13:27 16/01/2018
Với mọi người thì Bo (7 tuổi) nhẹ nhàng nhưng riêng với mẹ, cậu thường xuyên nổi cáu những lúc không vui. Không ít lần, cậu hét lên và ném đồ vì giận dữ với mẹ.

Khi tâm trạng không vui, con thường nổi cáu, giận dữ với mẹ. Ảnh minh họa

Chị Vũ Thanh Huyền (mẹ Bo) rất tức giận khi không ít lần con có thái độ hỗn với mẹ. Con rất dễ nổi cáu và dường như không kiềm chế được cảm xúc. Con đang chơi tự nhiên nổi cáu hoặc khi muốn nhờ mẹ làm gì đó, con nổi cáu và ra lệnh cho mẹ. Hoặc có khi con không được đáp ứng nhu cầu, sở thích, con liền giậm chân uỳnh uỵch và ném đồ khắp nơi.

Với mẹ thì Bo có thói quen bắt nạt như vậy, thế nhưng, với người khác, Bo “sợ một phép”. Trước hành vi xấu của con, chị Huyền rất bực. Không ít lần chị đánh đít con nhưng con không thay đổi mà còn gào thét ầm ĩ, ăn vạ to hơn. Những lúc kiềm chế được, chị Huyền cũng cố gắng dạy con phải nói thế này thế kia khi có yêu cầu gì đó nhưng Bo vẫn “chứng nào tật nấy”.

Trước việc con không kiểm soát được cảm xúc, chị Huyền cảm thấy bất an. Bởi, nhẹ nhàng với con không được mà giận dữ, đánh con thì chính chị cũng mất đi khả năng kiểm soát bản thân.

Theo bác sĩ tâm lý trẻ em Hàn Quốc Cheonseok Suh, khi con cái nói năng không lễ phép với bố mẹ thì bố mẹ không được làm theo đòi hỏi của con trừ khi con bị ốm. Bởi, mẹ đâu phải là người hầu của con. Sao mẹ phải làm theo khi con nổi cáu và ra lệnh.

Với những bé trên 6 tuổi thì hành động đó là không chấp nhận được. Những lúc đó, bố mẹ cứ để mặc con. Khi thấy mẹ không phản ứng gì, một đứa trẻ 7 tuổi chỉ có thể giận dỗi và khóc lóc, cùng lắm là bỏ bữa hoặc không chịu nghe lời. Thế nên, bố mẹ cứ để mặc con.

Bố mẹ cũng cần giải thích với con rằng: Con cần nói lời lịch sự khi nhờ người khác. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên áp dụng cách dạy con này khi đang vui và không nên áp dụng khi đang tức giận. Bố mẹ cũng không cần giải thích quá tỉ mỉ hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Đừng chú tâm đến việc con có nghe lời mình không mà hãy cứ làm việc của mình và chờ đợi.

Trẻ con rất yếu đuối nên khi bị bỏ mặc thì sẽ làm theo bố mẹ. Chính vì vậy, bố mẹ phải luôn tự xem xét kỹ lựa chọn của mình có đúng hay không. Khi bố mẹ đang đi sai hướng mà vẫn cố kéo con đi theo thì dù lúc đó con có nghe lời, kết quả cuối cùng cũng không tốt đẹp gì.

Bác sĩ Cheonseok Suh cũng lưu ý, bố mẹ đừng quá thương con khi thấy con quấy khóc, hãy coi đó là những trở ngại không thể tránh khỏi trong quá trình dạy con và kiềm chế cảm xúc. Rồi cha mẹ sẽ thấy con nghe lời mình. Bố mẹ tốt không phải là những người lúc nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm trong mọi việc. Đôi lúc, bố mẹ cũng phải thể hiện sự cứng rắn để giữ vững vị trí của người làm cha mẹ, đó mới là yêu thương thực sự.

Theo PNVN