Dòng sự kiện:

Đặc sắc lễ hội cầu ngư làng Tùng Luật

13:15 13/03/2017
Lễ hội cầu ngư của người dân Tùng Luật, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị vừa được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động đặc sắc tại bến đò Tùng Luật.

Bến đò Tùng Luật còn có tên là Bến đò B - một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước - di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Bên cạnh lễ hội cầu mùa với ước nguyện cầu mưa thuận gió hoà, nhà nhà yên vui, hạnh phúc, hàng nghìn người dân Tùng Luật, Vĩnh Giang nói riêng và Quảng Trị nói chung đã tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại quê hương Vĩnh Giang, thả đèn hoa đăng trên sông Bến Hải để tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã cống hiến cả cuộc đời cho quê hương, đất nước.

Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc cũng được tổ chức trong dịp này thu hút hàng trăm người dân tham gia như đua thuyền trên sông Bến Hải, thi làm bánh…

Lễ hội cầu Ngư làng Tùng Luật là dịp để mỗi người gặp gỡ, gần gũi nhau, cùng cầu mong mưa thuận gió hoà, tổ tiên phù hộ và mong ước người thân gặp nhiều may mắn. Ngoài hát tuồng, hát hò khoan, người dân Tùng Luật còn mang đến màn múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7/1954), vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Những năm đất nước bị chia cắt, bến đò Tùng Luật trở thành một trong những điểm bí mật trong đường dây vận tải vượt tuyến làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, thương binh, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ Nam để phục vụ chiến trường, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào cách mạng ở Bắc Quảng Trị.

Từ năm 1968 đến 1973, qua bến đò B, đã có hơn 78.000 chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 1,5 triệu lượt bộ đội, gần 400.000 lượt dân công, gần 2 vạn đồng bào Quảng Trị vừa được giải phóng sơ tán ra Vĩnh Linh theo kế hoạch K.15 năm 1972 và hàng vạn tấn lương thực, vũ khí. Ngày cao điểm, bến đò B đã thực hiện 145 chuyến, vận chuyển qua bờ Nam hơn 21.000 người và hàng tấn vũ khí.(3) Ngoài ra, cũng tại bến đò này đã chuyển tiếp 315 chuyến hàng từ Nghệ Tĩnh vào, chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Hầu hết các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào tham chiến trên chiến trường Quảng Trị đều qua lại bến đò này, như các Sư đoàn 308, 320, 324, Lữ đoàn 126 hải quân…

Đó là chưa kể các đơn vị của E270, hàng ngàn lượt dân quân các xã vùng Đông Vĩnh Linh vào tham gia phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực và nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị. Những chiến công của hàng loạt trận đánh tàu trên sông Cửa Việt, làm tê liệt tuyến vận tải của địch chi viện căn cứ Khe Sanh năm 1968 phần lớn đều do những lực lượng chi viện xuất phát từ bến đò này lập nên. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, ngoài việc vận chuyển người và vũ khí, bến đò B còn đóng vai trò nghi binh, thu hút hỏa lực địch để xe tăng vượt bến đò A vào chiến trường an toàn và sau đó tham gia phòng ngự giữ cảng Cửa Việt trước âm mưu tái chiếm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đầu năm 1973...

Bến đò B là một trong những nơi xuất phát chính của tuyến vận tải chi viện cho đảo Cồn Cỏ.Từ năm 1965, trước yêu cầu chi viện “vị trí tiền tiêu” Cồn Cỏ trước sự bao vây, hủy diệt của Mỹ, với quyết tâm “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền còn đảo”, hàng chục người ở Tùng Luật đã viết 141 đơn, thậm chí có những lá đơn bằng máu, gửi lên Đảng ủy và Ban chỉ huy xã đội Vĩnh Giang đề nghị được tham gia phân đội tiếp viện Cồn Cỏ. Con đường từ đất liền ra đảo là “con đường máu”, trung bình 10 người lên đường thì có 5-6 người bị thương hoặc không trở về.

Lễ hội cầu ngư làng Tùng Luật 2017 là hoạt động hướng tới chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm xã Vĩnh Giang đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1967-2017).

Yến Anh

Nguồn: Gia đình Việt Nam