Dòng sự kiện:

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể của người 'ham công tiếc việc' đang 'quá tải'

Theo Emdep
13:10 29/03/2017
Stress thường xuyên ảnh hưởng đến chuyện ăn uống cũng như vấn đề ở tiêu hóa.

Cuộc sống luôn có những áp lực, căng thẳng và stress khiến con người không chỉ mệt mỏi về tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất. Có những bộ phận trong cơ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những mệt mỏi, căng thẳng. Nếu điều này kéo dài khiến cơ thể bị sút cân, gầy gò và kiệt sức.

Mấy tháng gần đây, do công ty của chị Phương (Gia Lâm, Hà Nội) giảm bớt nhân sự. Khối lượng công việc trước đây có 3 người làm thì nay chỉ còn có 1 người làm. Chị thường đến cơ quan sớm nhất và cũng ra về muộn nhất. Thường hôm nào sớm, chị Phương cũng về đến nhà lúc 8 giờ. Điều này kéo dài từ sau Tết, khiến chị Phương luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Theo lời chị Phương, do công ty neo người nên muốn nghỉ phép vài ba hôm tĩnh dưỡng cũng rất khó. Ban đầu, dường như công việc bận rộn nhưng chị Phương vẫn gắng sức được. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nên chị Phương bắt đầu thấy xuất hiện cả đau dạ dày, đi ngoài như tiêu chảy.

"Những cơn đau bụng lâm râm kéo dài cả tuần không khỏi. Lo nhất là tôi đi ngoài như bị tiêu chảy, uống thuốc mãi cũng chỉ đỡ được vài ba hôm rồi lại tái lại nhất là những ngày quá stress. Tôi đi khám thì bác sĩ bảo do co thắt đại tràng gây nên", chị Phương cho biết.

Cũng xuất phát từ thói quen "ham công tiếc việc", anh Phi (Hà Nội) đang phải điều trị kéo dài cả tháng trời. Trước đây, anh Phi vừa là nhân viên kinh doanh và kiêm cả chăm sóc khách hàng. Mỗi tuần, anh phải làm suốt từ thứ 2 đến thứ 7. Có những khi do khách hàng thắc mắc nên Chủ nhật anh vẫn phải đi làm như bình thường.

"Tôi ăn uống thất thường do sống độc thân cho nên cơ thể gần như kiệt sức. Đột nhiên, cơ thể lại xuất hiện kèm tiêu chảy. Tôi tưởng chỉ là do ăn uống kém vệ sinh nên mới vậy nhưng triệu chứng này kéo dài cả tuần mới tá hỏa đi khám", anh Phi nói.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, áp lực công việc cũng như stress là vấn đề mà giới trẻ hiện nay đang gặp phải. Không chỉ có công việc mà ngay cả cuộc sống gia đình, bạn bè cũng không ít vấn đề nảy sinh. "Nhiều người tự tin có thể chịu đựng được stress và cố gắng vượt qua. Nhưng hậu quả của căng thẳng và stress để lại cũng rất đáng sợ. Đặc biệt là những vấn đề lâu dài về huyết áp, tim mạch, dạ dày, đại tràng, hệ tiêu hóa, cảm giác ngon miệng...", bác sĩ nói.

Stress ảnh hưởng tiêu hóa rất đáng sợ

Theo bác sĩ Giàu, nhiều người lầm tưởng ở khu vực dạ dày, đại tràng, tiêu hóa chỉ là cỗ máy hoạt động để hấp thu dinh dưỡng, loại bỏ các chất cặn bã. Tuy nhiên, trên thực tế ở khu vực này có rất nhiều dây thần kinh. Khi có stress, căng thẳng, sẽ làm sản sinh hormone tác động trực tiếp đến hệ tiêu hóa.

"Những tác động này làm cho nhu động ruột thay đổi. Người bị stress kéo dài có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ nhau. Khi nhu động ruột co bóp quá nhiều sẽ khiến cho bạn bị tiêu chảy, còn kém hoạt động hấp thu hết nước làm cho phân cứng khó thải ra ngoài", bác sĩ nhấn mạnh.

Ngoài hiện tượng trên, người căng thẳng quá mức còn dễ gặp hiện tượng đau bụng âm ỉ, trong đó có thể là những cơn đau dạ dày do tăng tiết axit, sôi bụng, đầy bụng, ăn vào buồn nôn... Do đó, cách tốt nhất là loại bỏ stress càng sớm càng tốt.

"Khi có dấu hiệu stress phải giảm bớt cường độ làm việc, nếu không sẽ kéo theo nhiều bệnh nguy hiểm khác về sau. Ngoài làm việc phải tìm những không gian thoải mái để nghỉ ngơi. Nếu ăn uống cảm thấy không ngon miệng phải dành thời gian tìm các món mới, lạ miệng để kích thích vị giác, không nên ăn đi ăn lại một món trong nhiều ngày. Để tránh được stress cũng nên sắp xếp công việc hợp lý, nếu cảm thấy mệt mỏi hãy nghỉ ngơi để có thêm năng lượng", bác sĩ khuyên.

Nguồn: Gia đình Việt Nam