Dòng sự kiện:

Dạy trẻ mắc lỗi, cha mẹ phải như diễn viên xiếc đi dây thăng bằng

Theo PNO
20:10 04/05/2017
Cư xử như thế nào khi trẻ phạm lỗi là một vấn đề quan trọng đối với cả cha mẹ lẫn con cái.

Việc giáo dục con của cha mẹ cũng khó khăn tựa diễn viên xiếc cần giữ thăng bằng trên dây, vì mọi hậu quả đều ghi dấu rất dài lâu, đến tận mãi những năm tháng sau này của cuộc đời một con người!

Nghiêm khắc hay khắc nghiệt?

Anh Hân, kiến trúc sư, nhà ở Q.2, thường nhắc đi nhắc lại: Nhà là phải có gia phong, phải có kỷ cương phép tắc đàng hoàng. Vì thế anh không chấp nhận việc thiếu một thành viên nào trong bữa sáng và bữa tối. Nên dù bé Gia Linh, con anh đã phân trần: “Vì phải tham gia tập dượt cho vở kịch của nhóm chuẩn bị cho tiết học môn Văn nên con về không kịp ăn tối”, anh vẫn không đồng ý.

Phạt con bằng cách cắt sinh hoạt phí một tháng. Không có tiền, nên mấy ngày sau xe đạp bể bánh Linh cũng không có tiền vá, phải dắt bộ về nhà, lại trễ giờ cơm tối.

Cho rằng con cố tình chống đối, anh Hân tăng “đô” phạt. Tịch thu điện thoại di động, cắt mạng internet trong nhà, cấm coi ti vi một tháng.

Giải thích cách mấy, cha cũng không thông cảm, rằng có hai môn học là tin học và lịch sử cần tham khảo gấp nhiều tài liệu trên mạng để làm bài thu hoạch, Linh đành nghỉ học thêm môn Toán, để đến nhà bạn xài “ké” wifi.

Hỏi Linh, lỡ cha biết, tội lại chồng tội, cô bé cười buồn: “Cha con không bao giờ muốn nghe giải thích. Cha nói không thể chấp nhận được những lý do tại, bị, vì bởi, cho nên…

Vì vậy, cha chỉ áp dụng hình phạt và hình phạt, không hề có sự linh động, thông cảm. Cô tưởng tượng được không, cha quy định muốn đi đâu ngoài giờ đến trường thì phải báo trước hai ngày. Nên hôm con xin cha đến viếng đám tang mẹ người bạn đã không được chấp thuận. Mà đám tang thì đột ngột, làm sao con có thể biết mà báo trước hai ngày?!”.

Không ít người trong số đó, từ trong vô thức đã lặp lại những gì mình từng gánh chịu cho con mình.Trong những lớp học chữa lành vết thương từ quá khứ, tôi đã gặp nhiều người cùng có chung một nỗi đau: bị cha mẹ giáo dục hà khắc thuở nhỏ, mà nếu gọi ra cho đúng tên là bị bạo hành!

Họ chỉ dùng roi vọt, sự hà khắc để giáo dục con. Và, một khi phải đương đầu với cơn thịnh nộ thường xuyên của cha mẹ, đứa trẻ sẽ dần tìm cách chống đỡ. Hoặc chúng trở nên lì đòn, cũng có thể quay ngược 180 độ - phản kháng, bỏ nhà đi bụi…

Vì vậy, trước khi cha mẹ muốn quở phạt con, cần bình tĩnh, ôn hòa nói rõ nguyên nhân cho trẻ hiểu, đồng thời cũng là cơ hội lắng nghe bé bộc bạch vì sao lại có những hành vi như vậy.

Tuy nhiên khi đưa ra hình phạt trẻ, người lớn cần bảo đảm sự tôn trọng con, không tùy tiện xỉ vả, đánh đập, gây tổn thương đến lòng tự trọng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách của bé.

Ở những diễn đàn của các ông bố bà mẹ cả trên mạng internet lẫn ngoài cuộc sống, đã có nhiều chia sẻ các cách phạt tương đối hiệu quả, không gây tổn thương cho trẻ.

Ví dụ như phạt con đứng hoặc ngồi một chỗ từ 5 – 15 phút tùy độ tuổi, giúp trẻ bình tâm, suy nghĩ về lỗi của mình. Phạt con đọc sách mang tính chất giáo dục, sau đó trích ra một đoạn có ý nghĩa trong đấy để chép phạt, giúp điều chỉnh tâm lý và hành vi của trẻ.

Cấm trẻ làm những điều chúng yêu thích hoặc tịch thu món đồ chơi, để con hiểu rằng khi không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm thì cũng không được phép làm những điều mình thích.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý, sau khi phạt con xong, phải an ủi bé, để làm cho chúng hiểu rằng, gia đình vẫn luôn thương yêu, chỉ là không thích hành vi vừa rồi của trẻ.

Và, thay vì cha mẹ cứ mải miết trách phạt, buộc con sống và làm đúng theo những kỳ vọng của người lớn, thì hãy dành thời gian lắng nghe con, để hiểu rằng vì sao đứa trẻ lại có những hành động, suy nghĩ, lời nói như vậy.

Trong buổi họp phụ huynh của một lớp 12 trường PTTH N.T.H. (Q. Tân Bình), một bà mẹ đã chia sẻ chân tình: “Tôi may mắn có một tuổi thơ ngọt ngào. Không bao giờ phải hứng chịu đòn roi của cha mẹ nên khi mình làm mẹ, tôi cũng tâm niệm ráng giữ sự bình tĩnh, kiên nhẫn khi nuôi dạy con. Con trai thì nghịch ngợm, đôi khi “rắn mắt” hơn con gái. Có những lần cháu theo chúng bạn ném đá làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm, bị họ bắt đền, quở phạt, trách cả cha mẹ không biết dạy con.

Thú thật là tôi cũng bị máu nóng bốc lên tới đầu. Mình cũng là người, đâu phải thần thánh gì mà không tức giận. Nhưng những lúc như vậy tôi thường rót một ly nước thật to, ngồi xuống, chậm rãi uống từng ngụm. Rồi hít thở thật sâu. Đợi khi lòng thật bình tĩnh, phẳng lặng tôi mới có cuộc nói chuyện với con. Vì con trẻ, đặc biệt ở độ dậy thì, đôi khi rất bốc đồng.

Thiếu suy nghĩ, nên có những lúc chúng cứ muốn dồn cha mẹ vào những sự thử thách ở giới hạn cuối cùng. Nếu ta không giữ bình tĩnh thì xôi hỏng bỏng không. Mọi chuyện sẽ bung bét theo cơn giận dữ, phẫn nộ của cả hai phía. Và tôi luôn tự nhắc mình, nhắc ông xã, nhắc mọi người trong gia đình đừng bao giờ đánh con, vì đó là người không hề có sự tự vệ, phản kháng lại”. 

Thương con hay hại con?

Vì vậy dễ dẫn đến hai hướng – có thể vô tình hay cố ý chúng ta trở thành bản sao chép của cha mẹ mình khi đối xử với con; hoặc ta cố tình tránh xa “vết xe đổ” từ người lớn trong quá khứ.Ở những lớp học tâm lý, nhiều giảng viên đã nhấn mạnh: Làm điều gì, chúng ta cũng cần phải học. Nhưng riêng có làm cha làm mẹ thì không nhiều người thật sự quan tâm. Họ chỉ làm theo bản năng, thiếu khoa học và cả sự hiểu biết.

Cả hai điều này đều dễ dẫn đến sự cực đoan. Đã có nhiều ông bố bà mẹ thuở nhỏ bị giáo dục bằng đòn roi nên khi có con thường nuông chiều chúng hết mực. Họ không biết rằng mình đã chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Chiều chuộng con vô lối mà không nghiêm khắc chỉ dạy chúng điều hay lẽ phải thì làm sao có thể giáo dục trẻ nên người.

Đã từng có câu chuyện nhiều người truyền tai nhau, về một tử tù trước giờ ra pháp trường, khi được phép nói lời cuối cùng, anh ta đã buột miệng trách cha mẹ vì sao không nghiêm khắc dạy dỗ anh, biết đâu sẽ chẳng có kết cục đau lòng này!

Các cô giáo, bảo mẫu ở một trường mầm non tư thục trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) một thời từng khiếp đảm một phụ huynh.

Chị yêu cầu nhà trường, cô giáo không bao giờ được rầy la con chị. Bé ăn được bao nhiêu thì ăn, không được ép. Lúc nào bé buồn ngủ thì cho ngủ, không phải theo giờ giấc, quy định gì cả.

Thậm chí khi bé đánh bạn, nhéo cô, mọi người cũng không được phản ứng. Chị lý luận: Trăng đến rằm trăng tròn. Gia đình chỉ cần có người giữ trẻ giúp. Ông bà cha mẹ ở nhà cũng không ai được đụng đến cọng tóc bé, huống gì người dưng. Phải cho con phát triển tự nhiên mới đúng… khoa học!

Những điều chị nói không hẳn là sai. Nhưng dường như chị đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Dạy con đúng không phải là sự nuông chiều. Thương con không phải là cho trẻ phát triển hồn nhiên, vô lối như cây cỏ hoang.

Chính vì vậy, cha mẹ - được khuyến khích nên tham khảo thật nhiều sách vở về cách nuôi dạy con. Nhưng suy cho cùng, mỗi bậc làm cha làm mẹ sẽ tự điều chỉnh được bản thân trong phương cách giáo dục trẻ - từng được ví như diễn viên xiếc đi dây thăng bằng.

Mỗi người, có tình thương chỉ lối, tự khắc sẽ hiểu con, hiểu mình, để có những ứng xử phù hợp từng trường hợp cụ thể thiên hình vạn trạng trong cuộc sống này.

Để mỗi thành viên trong gia đình đều đạt được trạng thái hạnh phúc – là đích đến cuối cùng của cuộc đời, chứ không phải là những băn khoăn “trừng phạt sao cho đủ”; “trách mắng thế nào thì vừa”… đối với những núm ruột của mình!

Nguồn: Gia đình Việt Nam