Dòng sự kiện:

Để đèn ngủ ban đêm có thể gây bệnh máu trắng ở trẻ

21:45 13/07/2015
Mẹ cảm thấy lo lắng khi để bé yêu ngủ trong bóng tối. Do đó, mẹ sắm cho bé một cái đèn ngủ thật xinh xắn để cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng đèn điện vào ban đêm sẽ gây ra một số loại bệnh ung thư, trong đó có ung thư bạch cầu ở trẻ em.

 

 

 

Ung thư bạch cầu là một bệnh ác tính trong đó tuỷ xương và các cơ quan tạo máu khác sản sinh ra một số lượng lớn bạch cầu. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, có nguồn gốc từ các nhân tố môi trường và bẩm sinh (do gene). Phóng xạ ion, trường điện từ, hoá chất, virus và sự truyền nhiễm được coi là có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh đã tăng 50% ở trẻ dưới 5 tuổi từ những năm 1950.

Trong Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về bệnh bạch cầu ở trẻ em vừa qua, các nhà khoa học đã công bố kết quả một nghiên cứu về ảnh hưởng của ánh sáng đêm và các ca làm việc ban đêm tới nguy cơ mắc bệnh ung thư. Họ tuyên bố những yếu tố trên gây rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và có khả năng gây ung thư.

"Chúng tôi chưa biết sự tiếp xúc với ánh sáng đêm quá nhiều có phải là nguyên nhân gây ra tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu cao ở trẻ em hay không. Nhưng với những gì mà chúng ta đã biết về ung thư thì điều này không phải là không có cơ sở", Russell Foster, nhà khoa học về thần kinh phân tử tại ĐH thực nghiệm London, nói.

Cha me không nên để đèn ngủ cho bé qua đêm.nếu tiếp xúc với ánh sáng đèn quá nhiều, tế bào nhạy sáng sẽ tiếp tục chuyển tín hiệu lên não gây rối loạn nhịp sinh học.

Anh sáng đêm cản trở quá trình sản xuất hormon melatonin - một tác nhân chống oxy hoá có tác dụng bảo vệ DNA khỏi những tổn hại do sự oxy hoá gây ra. Trong mắt có một loại tế bào nhạy sáng có chức năng cung cấp thông tin điều khiển nhịp sinh học của cơ thể. Ban ngày các tế bào này hoạt động bình thường. Ban đêm, nếu tiếp xúc với ánh sáng đèn quá nhiều, tế bào nhạy sáng sẽ tiếp tục chuyển tín hiệu lên não gây rối loạn nhịp sinh học (cơ thể sẽ hoạt động như ban ngày). Khi đó hormon melatonin, vốn chỉ được sản sinh vào ban đêm, sẽ không được tạo ra, do cơ thể đang bị "đánh lừa" và hoạt động như ban ngày.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự suy giảm hormon melatonin có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Không được bảo vệ đầy đủ bởi hormon melatonin, DNA có thể biến đổi sinh ra các chất gây ung thư.

Ngoài ra, một số gene và sản phẩm từ protein tham gia vào việc điều khiển nhịp sinh học hằng ngày. Chúng tương tác chặt chẽ với nhau theo chu kỳ sản sinh của tế bào. Khi nhịp sinh học bị rối loạn và quá trình sản xuất melatonin bị kiềm chế, các tế bào sẽ sinh sôi một cách không kiểm soát và tạo ra khối u.

Lời khuyên của các nhà khoa học đối với bậc cha mẹ là nên cho trẻ ngủ trong môi trường không có ánh sáng đèn. Ngoài ra, chúng ta cần hạn chế những ca làm đêm. Một nghiên cứu khác được công bố trong hội thảo cho thấy những phụ nữ hay phải làm ca đêm có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao hơn những người khác.

Những lưu ý khi tắt đèn ngủ để an toàn cho bé và tiện lợi cho mẹ

Cha mẹ nên ngủ cùng bé hoặc ở trong phòng, bên bé cho đến khi bé ngủ say giấc.

Không nên vội vã tắt đèn và khiến bé rơi vào bóng đêm đột ngột. Hãy sử dụng đèn ngủ có ánh sáng vàng, đỏ để chuyển tiếp trước khi tắt hẳn. Ánh sáng trắng sẽ hạn chế sự tiết ra melatonin nhưng ánh sáng vàng và đỏ thì không.

Không bao giờ được lấy bóng tối để đe doạ bé, tạo nỗi sợ hãi với bóng tối cho bé.

Nếu mẹ cảm thấy cần thiết phải có chút ánh sáng để tiện, đêm dậy chăm con, hãy hạn chế đừng để ánh sáng chiếu thẳng vào mắt con. Cố gắng chỉ sử dụng một chiếc đèn bàn nhỏ và có khu vực sáng chỉ xung quanh chỗ bố mẹ cần nhìn.

Tạo thói quen ngủ trong bóng tối cho con ngay khi vừa mới chào đời.

Ban đêm nếu bé khóc, mẹ nên bế bé, cho ti hoặc ôm ấp dỗ dành. Tuyệt đối không nên bật đèn để trấn an bé.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL