Dòng sự kiện:

Dịch bệnh virus Zika tăng nhanh, Bộ Y tế phát thông điệp khuyến cáo cách phòng chống

02:05 14/09/2016
Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

>> Phát hiện người phụ nữ Việt Nam nhiễm virus Zika ở Nhật Bản

Theo Cục Y tế dự phòng - Bô Y tế, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

Đối với người dân nói chung

Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền zika qua đường tình dục.

>> "Bỏ túi" cách phòng chống virus Zika hiệu quả nhất của WHO

>> Bộ Y tế gửi công văn yêu cầu các tỉnh khẩn cấp ứng phó dịch bệnh virus Zika

Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Để phòng chống bệnh do virus Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):

+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai

Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika.

Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, khám thai định kỳ.

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika.

Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.

Người từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc trong ít nhất 6 tháng để tránh lây truyền vi rút zika.

>> Xem toàn cảnh về bệnh virus zika tại đây!

Mai Nguyên

Nguồn: Gia đình Việt Nam