Dòng sự kiện:

Giải đáp chuyện chết do ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh

18:10 20/11/2015
Để giảm nguy cơ nhiễm độc các bà nội trợ nên chia nhỏ thực phẩm đã nấu chín vào hộp đem bảo quản trong tủ lạnh dùng dần chứ không nên ăn thừa rồi bảo quản tiếp.

 

 

 

 [mecloud]gy5Ohw93om[/mecloud]

Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin vụ việc một cô gái trẻ ở Trung Quốc chia sẻ câu chuyện đau buồn của gia đình. Cụ thể, người mẹ của cô gái ấy vì tiếc rẻ chỗ thức ăn thừa hàng ngày của gia đình mà để lại vào trong tủ lạnh và ăn dần vào những ngày sau.

Tuy nhiên, hành động của bà mẹ này lại không ngờ chính là nguyên nhân khiến bà mắc chứng bệnh ung thư dạ dày, sụt cân từ 60kg xuống chỉ còn 28kg.

Bà phải thực hiện cuộc phẫu thuật để cắt bỏ 2/3 dạ dày và trải qua 8 đợt hóa trị kéo dài. Thế nhưng các tế bào ung thư tái phát trở lại và ngày một phát triển mạnh, cuối cùng người phụ nữ này đã qua đời trong sự tiếc thương của gia đình.

Từ những thông tin về bệnh tình của người phụ nữ này, nhiều người tỏ ra lo lắng “liệu có đúng việc ăn thực phẩm thừa để trong tủ lạnh dẫn tới cái chết thương tâm không?”.

Để trả lời câu hỏi này, báo Khám Phá đã có buổi tham khảo và làm việc với Tiến sĩ Lâm Văn Mân, trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm.

Theo Tiến sĩ, trong xã hội hiện nay, do đặc thù công việc cũng như tính tiện dụng mà tủ lạnh lại chính “bạn đồng hành” thân thiết không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Và cũng chính vì lý do đó mà dường như có một bộ phận nhỏ chị em đã quá lạm dụng và sử dụng nó một cách tràn lan mà không tìm hiểu các tính năng, tác dụng cũng như “luật cấm kỵ” khi tích trữ thức ăn trong tủ.

Tiến sĩ Mân cho biết: “Việc cất thức ăn thừa vào tủ lạnh để hôm sau hâm nóng lại và ăn là không nên. Bởi trong thực phẩm thừa có nhiều vi sinh vật gây hại. Khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, những vi sinh vật đó chỉ ngừng hoạt động. Vì vậy, lấy thức ăn ra hâm nóng lại cũng không thể diệt hết các vi khuẩn này và người ăn dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao”.

Ngoài ra, tiến sĩ Mân cho biết thêm, ngay từ đầu khi thấy lượng thực phẩm chín dùng không hết, các bà nội trợ nên lấy riêng ra một lượng nhất định cho vào các hộp để nguội rồi đậy nắp kín rồi đưa vào tủ lạnh. Khi nào cần ăn thì lấy ra hâm nóng. Như vậy, sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe của con người.

Có nhiều thông tin cho rằng, thức ăn thừa hâm nóng lại sẽ bị vi khuẩn tấn công và tạo các hợp chất Nitrit. Khi đó, nhiệt độ khiến lượng Nitrit này tăng đột biến. Đặc biệt, Nitrit có thể gây ngộ độc thức ăn, nếu tích tụ lâu ngày có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan, thận và dạ dày.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lâm Văn Mân khẳng định, hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh thức ăn thừa hâm nóng lại có nguy cơ gây ung thư.

 “Nitrit có phải là nguyên nhân gây ung thư hay không vẫn chưa được giới khoa học thống nhất. Người ta biết rằng Nitrate có sẵn trong thực phẩm, khi ăn dưới tác dụng enzyme tiêu hoá hoặc vi sinh vật sẽ chuyển hoá thành Nitrit dạng Nitric Oxide tốt cho sức khoẻ hoặc Nitrosamines – không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ giải thích rõ quá trình chuyển hóa thành Nitrit.

Tiến sĩ lý giải thêm, trong chế biến thịt, Nitrit được cho vào với mục đích giữ cho thịt có màu đỏ hồng và người ta nhận thấy người ăn nhiều thịt chế biến sẵn có nguy cơ bị ung thư cao và Nitrit bị quy là nguyên nhân. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong rau quả hàm lượng Nitrate cao hơn rất nhiều so với thịt – và rau quả đã được chứng minh tốt cho sức khoẻ.

 “Nitrit độc hại khi nào? Đó là khi nitrit ở nhiệt độ cao với sự có mặt của axit amin như khi nướng thịt thì nó sẽ chuyển thành dạng nitrosamines độc hại, không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ Lâm cho hay.

Trước đó, báo Dân Việt dẫn nguồn tin từ báo nước ngoài cho biết, các chuyên gia của trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã thực hiện một thí nghiệm chứng minh đồ ăn thừa dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn dễ bị phân hủy tạo ra các hợp chất nitrit – hợp chất độc hại.

Để đo nồng độ nitrit trong đồ ăn đã nấu chín để qua đêm, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 đĩa đồ ăn: rau cải xào, hẹ xào trứng, thịt kho tàu và cá trích kho. Những món ăn này được chế biến bởi một nhà hàng có tiếng, đều hợp vệ sinh, hàm lượng nitrit đạt tiêu chuẩn cho phép. Bốn đĩa thức ăn được bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 40 độ C.

Sau 6 giờ, hàm lượng nitrit trong rau cải xào tăng 16%, hẹ xào trứng tăng 6%, riêng hàm lượng nitrit trong thịt kho tàu và cá kho tăng đến trên 70%, vượt ngưỡng tiêu chuẩn là 3 mg/ kg thịt.

Sau 18 giờ, các món ăn được cho vào lò vi sóng hâm nóng rồi mang đi xét nghiệm, hàm lượng nitrit trong rau cải xào đã tăng đột biến, cao hơn 443% so với hàm lượng đo được sau 6 giờ. Hàm lượng nitrit trong cá trích kho cũng tăng đến 54%, hẹ xào trứng tăng 47%, riêng thịt kho tàu không có biến đổi lớn về hàm lượng nitrit.

Theo kết quả thực nghiệm, các món ăn để qua đêm đến trưa hôm sau đều có hàm lượng nitrit cao hơn nhiều lần so với ngưỡng tiêu chuẩn, dù đã được bảo quản trong tủ lạnh.

Bác sỹ Phan Phiên của bệnh viện Tô Bắc (TQ) đưa ra lời khuyên: Thức ăn thừa buổi trưa có thể ăn tiếp vào buổi tối, nhưng mọi người không nên để sử dụng đồ ăn đã để qua đêm, đặc biệt là các món ăn chế biến từ đậu tương, bởi đậu tương rất dễ biến chất tạo ra các hợp chất nitrit.

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng đồ ăn bảo quản trong tủ lạnh, sau đó đun sôi nấu kỹ lai trước khi ăn sẽ không ảnh hưởng sức khỏe. Thực tế, việc đun nấu ở nhiệt độ cao chỉ giúp diệt các vi khuẩn, nấm mốc có hai trong thức ăn, nhưng hàm lượng các chất độc như nitrit vẫn không thay đổi.

 “Để thực bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh, nhiệt độ tủ nên được cài đặt ở nhiệt độ 0 – 50 độ C. Ở nhiệt độ trên 50 độ C vi sinh vật gây hại vẫn có khả năng phát triển”, tiến sĩ Mân nhấn mạnh.

Đồng thời, tiến sĩ khuyên các bà nội trợ bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh bằng những cách sau:

-  Thực phẩm sau khi nấu chín cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn hai giờ không nên đưa vào cất giữ trong tủ lạnh.

- Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.

- Không được đưa thực phẩm vào bảo quản trong tủ lạnh khi còn nóng, vì nó có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh và làm các thực phẩm khác tăng nhiệt.

- Các thực phẩm chín lưu giữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]qim9NN5FZn[/mecloud]