Dòng sự kiện:

Gọi tên 8 loại thực phẩm là nguyên nhân khiến con bị táo bón

15:00 20/11/2015
Chế độ ăn uống là “thủ phạm” chính gây ra hiện tượng táo bón ở trẻ nhỏ.

 

 

 

[mecloud]qim9NN5FZn[/mecloud]

Táo bón không những khiến bé cảm thấy khó chịu mà còn gây nguy hại nếu tình trạng này kéo dài.

Nếu mẹ không muốn bé yêu phải khổ sở vì chứng táo bón “hoành hành”, vậy thì cần hạn chế hoặc lưu ý kĩ trước khi cho bé ăn những thực phẩm này nhé.

1. Thịt đỏ (thịt lợn và thịt bò)

Trong 100g thịt nạc đỏ có chứa 22,7g protein, 2mg chất sắt, 4,4 mg chất kẽm, 1,1 mcg vitamin B12, 0,15 mg B2, rất tốt cho sức khỏe của bé.

Khi bé được 8 tháng, các mẹ có thể cho bé làm quen với thịt đỏ trong thực đơn. Lúc đầu, chỉ nên cho bé ăn khoảng nửa thìa cà phê thịt say nhuyễn. Sau đó, có thể tăng dần lên 1-2 thìa cà phê thịt hoặc nhiều hơn, tùy theo độ tuổi của bé.

Tuy nhiên, các mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều thịt hoặc trong bữa ăn, thực phẩm các mẹ chuẩn bị cho bé chủ yếu toàn là thịt bởi sẽ dẫn tới tình trạng bé bị táo bón do thiếu chất xơ hoặc có nguy cơ bị béo phì do thừa chất dinh dưỡng.

2. Đồ ngọt như kẹo bánh

Đồ ngọt là món ăn ưa thích của hầu hết trẻ nhỏ. Trong bánh ngọt, bánh xốp, bánh nướng hay kẹo và tất cả các chế phẩm từ đường có hàm lượng chất xơ rất thấp nhưng hàm lượng chất béo và đường lại khá cao. Chính vì vậy ăn nhiều những loại đồ ngọt này có thể tăng nguy cơ mắc phải táo bón, thậm chí là táo bón mãn tính. Ngoài ra, trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt rất dễ bị sâu răng và có nguy cơ béo phì.

3. Sản phẩm từ sữa

Những thực phẩm từ sữa như sữa, bơ, pho mát và kem có hàm lượng chất xơ thấp, chất béo bão hòa cao. Chúng không chỉ khiến bé yêu mắc chứng táo bón mà còn tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch nữa đấy.

Với những trẻ đang trong thời kỳ uống sữa, do không uống đủ nước nên bé rất dễ bị táo bón. Tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ thường rơi vào các em bú bình, chủ yếu là do cách pha sữa không đúng tỷ lệ (pha đặc quá). Lúc này mẹ hãy cho bé uống nhiều nước và pha sữa loãng hơn bình thường.

4. Thức ăn nhanh

Phải nói rằng nhiều loại thức ăn nhanh như bánh mì kẹp, pizza, gà rán, khoai tây chiên, hamburger, bim bim… lại thường là những món ăn khoái khẩu của trẻ nhỏ.

Tuy ăn khá ngon miệng nhưng lượng dinh dưỡng quan trọng trong các thực phẩm này đã ít nhiều bị giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, những thực phẩm này có hàm lượng chất xơ thấp, lượng chất béo cao nên dễ gây ra tình trạng táo bón, đầy hơi, khó tiêu và béo phì.

5. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Nếu ăn thường xuyên và nhiều những thực phẩm được chế biến bằng cách chiên hoặc xào với nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là chứng bệnh táo bón.

Chính vì vậy, dù món ăn có hấp dẫn đến mấy và bé có ăn ngon miệng như thế nào thì các mẹ hãy nhớ chỉ cho bé ăn một lượng nhất định và phù hợp, tránh để bé ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vốn còn non nớt của bé.

6. Cafein

Cafein có nhiều trong cà phê, socola, trà, nước ngọt có ga. Có thể trẻ em không thích uống cà phê, trà như người lớn nhưng socola và nước ngọt có ga lại luôn là những thực phẩm hấp dẫn đối với trẻ.

Chất cafein cho trong thực phẩm mà trẻ ăn hoặc uống vào khiến cơ thể tiết nước nhanh hơn và dẫn đến nguy cơ bị táo bón cao hơn. Trường hợp nếu trẻ hấp thu quá nhiều lượng cafein mà cơ thể cho phép có thể dẫn đến các triệu chứng như tăng huyết áp, thở gấp, mất ngủ và tăng áp nhãn cầu.

7. Chuối

Chuối là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng nhuận trường rất tốt, tuy nhiên với dạ dày và hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa hoàn thiện của trẻ nếu ăn quá nhiều chuối sẽ gây nên chứng táo bón bởi trẻ không thể hấp thụ nhiều chuối trong một thời gian.

Chính vì vậy, bạn chỉ nên cho trẻ ăn chuối với một số lượng vừa phải tùy theo độ tuổi của trẻ và ăn cách ngày nhé, cứ 2-3 ngày cho trẻ ăn chuối một lần là hợp lý nhất.

8. Ngũ cốc đã tinh chế

Bởi vì ngũ cốc tinh chế thường giàu chất bột, ít chất xơ nên rất dễ gây nên chứng táo bón cho trẻ. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế cho trẻ ăn ngũ cốc đã tinh chế mà hãy thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt để hạn chế tình trạng táo bón thường rất phổ biến ở trẻ nhé.

Giải pháp

Khi con có dấu hiệu bị táp bón, mẹ nên cho con ăn những thực phẩm này:

Rau xanh: Các loại rau lá màu xanh có nhiều chất xơ sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn: rau dền, rau lang, mùng tơi, cần tây,… Bạn có thể chế biến thành món súp dễ ăn để thuyết phục bé ăn dần dần.

Trái cây: Một số loại trái cây có tính nhuận tràng cao được xem là liều thuốc hữu hiệu để trị táo bón. Danh sách tiêu biểu có thể kể đến là chuối, đu đủ, táo, lê, cam, bưởi,… Chất xơ có trong các loại trái cây này có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giúp trẻ dễ đi ngoài, đồng thời chúng còn chứa nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe của bé.

Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều chất xơ và các axit amin giúp kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa táo bón, giúp bé dễ đi ngoài hơn. Chỉ cần 100g khoai lang luộc mỗi ngày hoặc uống nước khoai lang luộc (vỏ khoai lang phải rửa sạch), tình trạng táo bón ở bé sẽ giảm hẳn.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]gy5Ohw93om[/mecloud]