Dòng sự kiện:

GS Ngô Bảo Châu "mách" mẹ cách định hướng nghề nghiệp cho trẻ

09:22 05/05/2017
Thời điểm 'vàng' để hướng nghiệp cho học sinh, theo GS Ngô Bảo Châu là cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3, song song với việc học, thi, học sinh sẽ có hứng thú tìm hiểu và theo đuổi nghề mình mong muốn.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng bố mẹ, thầy cô nên định hướng nghề nghiệp cho trẻ

Hội thảo Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) ngày 3/5 có các diễn giả là GS Ngô Bảo Châu, PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu, TS Nguyễn Thành Nam, KTS Hoàng Thúc Hào... Nhiều học sinh, phụ huynh đã đặt câu hỏi làm thế nào để chọn nghề phù hợp với bản thân, xu hướng của xã hội hay việc hướng nghiệp nên bắt đầu khi nào.

Theo GS Ngô Bảo Châu, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên có sự tham gia của cả gia đình, xã hội. Nếu chỉ nhà trường làm công việc này sẽ không đủ thông tin cho các em lựa chọn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Có hai cách để người lớn hướng nghiệp cho học sinh là để các em được trải nghiệm, cọ xát và có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. GS Châu khuyên phụ huynh nên cho trẻ tham gia nhiều câu lạc bộ.

GS Ngô Bảo Châu..

Cách thứ hai là cho trẻ tiếp xúc với những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. Ngoài ra, người lớn cần đối thoại với trẻ để thể hiện được quan điểm của mình và hiểu tâm tư của con. "Khi lựa chọn nghề nghiệp, các con có thể không thực tế vì ảnh hưởng từ truyền thông, phim ảnh. Cha mẹ và con cái nên đối thoại để định hướng được con đường phù hợp nhất", GS Châu nói.

Thời điểm hướng nghiệp cho trẻ

GS Châu cho rằng, việc định hướng ngành nghề nên thực hiện từ cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3 song song với việc học, thi, học sinh có thể hứng thú tìm hiểu nghề mình mong muốn. Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân. Khi đã là sinh viên và theo học ngành toán ở Pháp, có thời gian ông thử sức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trải nghiệm này giúp ông nhận ra toán học mới là con đường phù hợp nhất và theo đuổi cho đến bây giờ.

Lựa chọn nghề nghiệp, ngoài nhìn vào những tấm gương thành công, mặt tích cực của công việc, theo các diễn giả học sinh cũng nên nhìn vào mặt trái của ngành nghề. PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu cho biết, mặt trái của ngành y là thời gian không thuộc về mình mà thuộc về người khác. Ngay khi diễn ra hội thảo, bác sĩ phải xin phép rời đi sớm vì đột xuất có ca cấp cứu. GS Ngô Bảo Châu thì thổ lộ "những người làm toán học luôn phải đồng hành với sự cô đơn". Bản thân ông khi làm toán rất ít khi trò chuyện với người khác, cũng không trả lời email.

Theo Gia đình Việt Nam