Dòng sự kiện:

Hiểm họa khôn lường khi cho bé tiếp xúc với điện thoại sớm

15:00 24/08/2015
Các mẹ có hiểu hết những hiểm hoạ không nhìn thấy mà điện thoại gây ra cho bé không?

Thời đại của công nghệ thông tin bùng nổ, những chiếc điện thoại smartphone được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, chúng thu hút sự chú ý của những em bé. Không khó để thấy những em bé có khi chưa đầy 1 tuổi đã biết dùng ngón tay di di màn hình; còn bé 2,3 tuổi thì khả năng sử dụng điện thoại, máy tính bảng có khi còn giỏi hơn người lớn. Thế nhưng các mẹ có hiểu hết những hiểm hoạ không nhìn thấy mà điện thoại gây ra cho bé không?

Sóng điện thoại

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những nguy cơ như giảm trí nhớ, u tế bào thần kinh, ung thư não ở những trẻ sử dụng điện thoại nhiều. Sóng điện thoại có thể làm nóng tế bào thần kinh, người càng sử dụng điện thoại lâu năm nguy cơ mắc càng cao. Trong khi các bé xương sọ rất mong manh, tế bào não đang trong giai đoạn phát triển nên chịu tác động càng lớn. Trẻ em có thể có các biểu hiện sớm như: tăng động, trầm cảm, rối loạn hành vi.... Ngoài ra đã nhiều nghiên cứu chỉ ra sóng điện thoại ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, sự phát triển của trứng, những tác hại "ầm thầm" mà ta khó nhìn thấy trước mắt, vậy là càng chủ quan!

Sạc điện thoại


Thông thường chúng ta có thói quen cắm sạc cố định ở ổ cắm hoặc sạc đầy pin không rút ra ngay. Các bé thì lại hiếu động hay cắn, hay giật những đồ vật trong tầm mắt. Bình thường sạc điện thoại không gây giật, thế nhưng khi ổ điện hở, dây điện bị cắn lớp nhựa bảo vệ an toàn bên ngoài thì lại rất nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm khi trẻ nghịch sạc điện thoại và bị giật dẫn đến tử vong. Nhà có trẻ nhỏ khi sử dụng ổ điện bố mẹ nên để xa tầm tay trẻ. Những ổ điện ở thấp nên hạn chế sử dụng, khi không dùng đến nên dùng băng dính cách điện dán lại.

Nghiện game sớm


Nhiều bố mẹ thường khen con mình rằng: còn bé mà chơi game trên điện thoại rất giỏi, biết mở mạng vào tìm game... Tất nhiên trẻ ở độ tuổi này rất nhanh nhậy, trí nhớ cũng rất tốt. Lúc này các bé như tờ giấy trắng, mọi sự tác động đều được tiếp thu nhanh. Các bé chưa phải suy nghĩ nhiều, chưa phải chịu áp lực từ việc học, đi làm. Nếu như trước đây trẻ thơ gắn liền với những trò chơi như: nhảy dây, nhảy ngựa, đuổi bắt trốn tìm... thì giờ các em hoàn toàn xa lạ với những trò chơi dân gian thú vị một thời. Thay vào đó các bậc cha mẹ cho con sử dụng điẹn thoại chơi game. Nó là cách để "dụ" trẻ hay nhất khi muốn trẻ nghe lời. Và hậu quả của việc chơi game quá sớm là khi bước vào tuổi đi học cấp 2,3, rất nhiều học sinh bị than phiền là suốt ngày chơi game. Bỏ học chơi game, trộm cắp chơi game, thậm chí giết người chơi game. Những hậu quả của việc chơi game thì chắc đã có quá nhiều bài học đắt giá. Thay vì mất bò mới lo làm chuồng, ngay từ khi còn nhỏ các bậc cha mẹ hãy dừng việc cho trẻ chơi game trên điện thoại của mình. Hãy dành thời gian đưa trẻ đi chơi, đi công viên, đi về quê để trẻ được trở về với đúng nghĩa tuổi thơ.

Giảm đi sự gắn kết giữa cha mẹ, con cái

Điện thoại trở thành phương tiện để kiểm soát con cái. Thế nhưng việc liên hệ thường xuyên bằng điện thoại khiến mối liên hệ thực sự giữa cha mẹ con cái mất dần đi. Không còn những cuộc nói chuyện trực tiếp, tâm sự chia sẻ nữa. Thậm chí những dịp để thể hiện tình cảm như sinh nhật, mùng 8/3 cũng được "mã hoá" thành những tin nhắn, cuộc gọi. Chính chúng ta vô tình cắt đứt sợi dây gắn kết tình cảm gia đình.

Chúng ta không phủ nhận những lợi ích tích cực của nó mang lại. Nhưng quá lạm dụng và cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại sẽ gây nguy hiểm sức khỏe khôn lương cho trẻ. Mẹ hãy tự mình biết sử dụng điện thoai hợp lý, và hãy giúp trẻ nói không với điện thoại.

 

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin