Dòng sự kiện:

Hoa hậu Thu Thủy hé lộ "tuyệt chiêu" dạy con hiệu quả nhất

19:32 08/11/2015
“Bí quyết dạy con của tôi đó là hãy sống chân thành và đúng với những gì mình có, cư xử theo sự mách bảo của trái tim người mẹ” – hoa hậu Thu Thủy khẳng định.
[mecloud]CdaiNcqVhh[/mecloud]

Nằm trong số các Hoa hậu thành đạt, giờ Thu Thủy đã là mẹ hai con. Theo chị, mọi nguyên tắc trong cư xử đều phải xuất phát từ tấm lòng và trái tim. Dạy con cũng vậy, rất khó để áp đặt và cấm đoán bé, nhất là đối với trẻ con ở thời đại thông tin và sống gấp như bây giờ.

“Tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách về tâm lý trẻ em, lắng nghe con nói, cố gắng hiểu con và đặt mình vào suy nghĩ cuả trẻ để lý giải và tìm cách điều chỉnh nếu chưa đúng. Mặc dù rất bận nhưng khi ở bên con cái bao giờ tôi cũng dành một trăm phần trăm tập chung.

Tôi không dám vừa cho con ăn vừa nhắn tin, gọi điện, xem tivi hoặc vừa dạy con học vừa ngồi máy tính như thói quen của nhiều người. Gần đây, tôi cũng tự rèn mình để không to tiếng hay cáu gắt với con trẻ. Nói thì dễ nhưng quả thực với một núi công việc và áp lực như của tôi, đó lại là một nỗ lực rất lớn” – hoa hậu chia sẻ.

“Bí quyết dạy con của tôi đó là hãy sống chân thành và đúng với những gì mình có, cư xử theo sự mách bảo của trái tim người mẹ” – hoa hậu Thu Thủy khẳng định.

Hoa hậu Thu Thủy từng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con thú vị khi phát hiện trẻ nói dối:

“Nói dối là một trong những biểu hiện “bình thường” và “phải có” của một đứa trẻ phát triển bình thường. Vì vậy đừng bực tức hay lo lắng quá. Nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ qua hay lơ là trước hiện tượng này.

Nói dối là cách trẻ phản ứng lại các nguyên tắc và kỷ luật của người lớn đưa ra. Trẻ nói dối vì chúng không muốn làm theo: chưa ăn nói ăn rồi, không đánh răng buổi tối bảo đánh răng rồi… Hoặc nói dối để giấu diếm các lỗi lầm chúng đã phạm phải nhưng không dám nhận. Và nặng nhất là trẻ nói dối chỉ để nói dối vì chúng thích thú khi qua mặt được người lớn, một cách để trả thù những áp đặt của người lớn lên chúng.

Có mấy nguyên tắc sau khi phát hiện ra trẻ nói dối:

- Không nổi giận hay tỏ ra bực tức. Vì điều này chỉ cho thấy là chúng ta đang bất lực.

- Không trừng phạt trẻ ngay mà chỉ nên nêu ra các hình thức phạt sẽ thực hiện khi trẻ nói dối lần thứ hai, thứ ba.

- Không mắng hay phạt trẻ trước mặt người thứ ba (bạn của con, người giúp việc, anh chị em trong nhà, hàng xóm, khách, bạn của bố mẹ, họ hàng, ông bà…) làm trẻ mất mặt và xấu hổ, có những phản ứng tiêu cực sau đó.

- Nên đặt ra một code (qui ước) gì đó cho hành vi nói dối của trẻ, càng funny càng tốt chỉ có mình và trẻ được biết. Để khi nhắc nhở trẻ không nên nói dối trước mặt mọi người, chỉ mình và trẻ hiểu được. (Mình có chị bạn đặt là Orange, chị kể là chị có cô con gái, vào giai đoạn cao điểm con gái hay nói dối mẹ, chị để rất nhiều cam trong tủ lạnh, như là một cách rèn phản xạ có điều kiện cho cô bé).

- Nói chuyện với trẻ về mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Đưa ra các giả thuyết nếu trẻ nói dối thì các hệ quả dẫn đến là gì.

- Nói chuyện bình tĩnh, nhẹ nhàng nhưng phải cho trẻ thấy tinh thần nhất quyết không chấp nhận bất cứ sự gian dối nào trong gia đình.

- Không bỏ qua hay lơ là bất cứ hành vi gian dối nào của trẻ, không bao giờ được compromise với bất cứ lý do gì. Vì chỉ một lần trẻ qua mặt được người lớn chắc chắn sẽ có những lần tiếp theo.

- Tập cho trẻ cách nghĩ và nhận ra bạn buồn và tổn thương thế nào khi bị người thân lừa dối. Chúng sẽ không làm nữa vì sợ tổn thương bạn.

Nhưng cao hơn cả, trẻ con nhìn vào và làm theo những gì chúng ta làm chứ không làm theo những gì chúng ta bảo chúng phải làm. Vì vậy cách dạy trẻ hiệu quả nhất là hãy sống đúng với những gì mình có, mình làm… nghe qua thì đơn giản nhưng thực hiện thì nghiệt ngã và đau đớn lắm, sometimes.

Nhưng thành quả thì cũng thật ngọt ngào, đó là lúc nào bạn cũng đủ dũng cảm để nhìn vào những đôi mắt trong veo của con trẻ. Suy cho cùng thì người lớn chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ thích nói dối nhưng đã từ rất lâu chẳng bị ai kiểm soát và được trang bị những thứ đồ chơi tinh vi hơn hòng quên đi rằng chúng ta đang dối trá”.

Những kinh nghiệm này có thể coi là những bài học hữu ích cho những ông bố bà mẹ đang lo lắng hoặc lúng túng vì con không trung thực.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]QdQoltXFDk[/mecloud]


TAG