Homeschooling: “Học tại nhà, con tôi rất khó sống ở Việt Nam”
Sản phẩm khác biệt
Ba con của anh Quang lần lượt 13 tuổi, 10 tuổi và 8 tuổi. Hai vợ chồng anh từng rất trăn trở và đứng trước nhiều mối lo khi quyết định cho con học ở nhà hoàn toàn.
Từng có thời gian sinh sống ở Mỹ, vợ chồng anh cũng có cho con theo một chương trình học tại nhà của Mỹ được khoảng 2-3 năm trước khi về Việt Nam. Cháu lớn nhất 13 tuổi cũng từng đi học ở một trường bên đó. Từ khi về Việt Nam, anh chị quyết định cho các cháu học tại nhà vì không muốn con trở thành “gà nòi” chạy theo bệnh thành tích mà "trước đây bố mẹ chúng từng là nạn nhân".
Tuy nhiên, sau một quá trình đồng hành cùng các con, anh thừa nhận “homeschool có rất nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng giao tiếp với cộng đồng của các con rất kém”. Cũng vì lý do này mà đã có đôi lần anh lại cho con trở lại trường, sau đó lại quay trở lại với homeschool. Anh cho rằng, nếu trẻ đã được học ở trường học truyền thống trước khi học tại nhà cũng có nhiều cái hay để trẻ biết và làm quen với môi trường Việt Nam và có cái để mà so sánh.
Một trong những lý do lớn nhất khiến anh quyết định cho con học tại nhà là bệnh thành tích của hệ thống giáo dục. “Học rất vất vả, rất cố gắng nhưng học xong không ai dùng. Phương cách đào tạo khiến bằng cấp, trình độ của người Việt không được công nhận khi ra nước ngoài. Có bằng cấp nhưng sang nước ngoài chỉ lao động chân tay”.
“Tôi thấy kiến thức của chương trình trong nước thì ổn nhưng giáo dục con người về mặt thái độ thì kém. Ra đường không ai nhường ai, trẻ con nói tục chửi bậy rất nhiều, thái độ thiếu khiêm tốn…”
Ông bố này cho biết, thỉnh thoảng anh có cho con tham gia một số hoạt động ngoại khóa, thể thao như học bơi, đá bóng… để tạo môi trường cho các cháu giao tiếp, hòa nhập. Thế nhưng, anh nhận thấy rõ sự khác biệt giữa con mình và những đứa trẻ khác.
“Ví dụ khi tôi cho con tham gia đội bóng đá, những đứa trẻ khác thì ganh đua nhau, chứng tỏ mình giỏi hơn người khác, nói bậy rất nhiều, nhưng con tôi thì không nói gì. Cháu cũng không hòa nhập được với những đứa trẻ khác dù là trong những lúc ngồi uống nước giải lao. Nhưng khi gặp một số bạn nước ngoài thì các cháu lại thích chơi hơn.
Sự khác biệt đôi khi chỉ là các bạn Việt Nam hay nói to… Nhiều cái mà con nhà mình nhìn và bảo không thích, nó cho là không ổn và không muốn tham gia vào đội hình ấy. Nó nghĩ khác và có thái độ sống khác”.
Homeschool thì làm gì, sống ở đâu?
Hiện tại, các con của anh Quang đang theo học chương trình homeschool có tên là BJU của Mỹ. Hằng ngày các cháu sẽ học và làm bài tập theo chương trình trong đĩa. “Nếu không hoàn thành theo chương trình thì mình sẽ bị chậm thôi, chứ không có sức ép nặng nề phải học cái gì trong một thời gian cụ thể. Cuộc sống của các cháu thoải mái và đơn giản hơn” – anh Quang chia sẻ.
Trăn trở lớn nhất của vợ chồng anh khi cho các con học tại nhà là: sau này các cháu sẽ làm gì, sống ở đâu. “Chắc là sẽ đi du học thôi. Học theo kiểu homeschool sống ở Việt Nam khó lắm. Tư duy bọn trẻ hoàn toàn theo kiểu nước ngoài”.
Hòa nhập với bạn bè và cộng đồng là một trong những khó khăn mà phụ huynh có con học tại nhà lo lắng. Ảnh minh họa
Mặc dù đang cho con học ở nhà khá ổn nhưng anh Quang luôn nhấn mạnh một điều “homeschool rất khó, phụ huynh cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định”.“Vợ chồng tôi thì đồng thuận trong việc không cho con đến trường, nhưng cả nhà thì lo. Mọi người bảo không biết sau này bọn trẻ nhà này sống ở đâu. Đi nước ngoài thì tốn kém kinh khủng. Không sống được ở đây thì phải đi thôi, nhưng đi thì đi kiểu gì” – ông bố này trăn trở.
“Nếu phụ huynh nào đang có ý định cho con học ở nhà thì nên theo một giáo trình nào đó để con học, bố mẹ học theo và mọi thứ phải chuyển đổi dần dần, không nên khiến đứa trẻ bị “sốc”, gây căng thẳng trong gia đình”.
“Tôi cũng ủng hộ phương án vẫn cho các cháu đi học ở trường bình thường nhưng phải kiểm soát thật kỹ và không gây áp lực về thành tích với các cháu. Sau đó cho cháu học thêm chương trình nào đó ở nhà. Còn nếu homeschool hoàn toàn như nhà tôi thì rất khó ở Việt Nam. Học ở nhà mà không cẩn thận cũng rất nguy hiểm".
Anh Quang chia sẻ, hiện tại vợ anh dành toàn bộ thời gian để hỗ trợ các con học tập. “Home-school không đơn giản, phải đầu tư rất nhiều thời gian cho các cháu, Hai vợ chồng phải có người ở nhà toàn thời gian để làm việc với các cháu và phải luôn cập nhật kiến thức”. Vợ anh từng tốt nghiệp một trường đại học có tiếng trong nước, sau đó sang Mỹ học về Giáo dục đặc biệt. Bản thân anh hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Phụ huynh cần có niềm tin
Là một trong số ít gia đình cho con học tại nhà ở Hà Nội, vợ chồng anh Bùi Huy Kiên cũng đã đồng hành cùng con được 8 năm nay. Hiện con trai anh, 15 tuổi đang theo học chương trình Abeka của Mỹ. Nếu như trong lần chia sẻ cách đây 2 năm, gia đình anh vẫn còn phải gửi kết quả bài test sang Mỹ 6 tuần một lần thì bây giờ chương trình này đã có hệ thống kiểm tra online và học sinh có thể tương tác với giáo viên của trường dễ dàng hơn rất nhiều.
Bé Bùi Huy Khang và anh Bùi Huy Kiên
Anh Kiên cho biết, hiện tại ở Việt Nam vẫn còn rất ít phụ huynh nhận thấy đây là một hình thức học tập tốt và cũng ít người đủ can đảm cho con theo học, một số người tìm hiểu rồi lại thôi.Trước kia, cậu bé Bùi Huy Khang cũng đã từng đến trường như những đứa trẻ khác nhưng chỉ học nửa năm thì dừng hẳn và theo chương trình này đến tận bây giờ. Do người học có thể chủ động về thời gian học tập nên dù bắt đầu chậm hơn so với tuổi nhưng sau đó Khang vẫn bắt kịp chương trình.
Anh thừa nhận, việc các cháu có ít bạn bè để chơi là một điểm yếu của homeschool nhưng không đến nỗi quá khó khăn. “Nếu có môi trường vui vẻ để thi đua thì thích hơn, nhưng độc lập cũng tốt và cơ hội giao tiếp cũng có nhiều vì mình học không chỉ trong sách vở mà học bằng cách làm, chơi...”.
Để homeschool bớt vất vả hơn, ông bố này gợi ý nên cho trẻ học tốt tiếng Anh từ cấp 1 thì lên cấp 2 sẽ nhàn hơn. Bản thân con anh từng theo học ở một trường mầm non quốc tế và cho đi học tiếng Anh từ nhỏ nên trước khi theo học chương trình này cu cậu cũng đã biết một chút tiếng Anh.
Hiện tại dù anh chưa kiểm tra trình độ tiếng Anh của con bằng một kỳ thi nào nhưng nhận thấy cháu có thể giao tiếp, đọc sách và xem phim bằng tiếng Anh rất tốt.
Để con trai không “mất gốc”, vợ chồng anh cũng bổ sung kiến thức Lịch sử, địa lý Việt Nam cho con bằng nhiều cách khác nhau: qua sách vở, các hoạt động ngoại khoá, du lịch, tham quan… Đặc biệt, hai bố con rất thích đi thăm bảo tàng.
Theo anh, cái khó nhất của phụ huynh có con học ở nhà là có được niềm tin vững vàng, bởi xã hội hiện nay có nhiều dạng ganh đua, khiến phụ huynh dễ sa đà vào việc so bì với các gia đình khác.
Khác với nhiều người nhầm tưởng học tại nhà là không có bằng cấp, những chương trình homeschool như Abeka hay BJU đều được trường cấp giấy chứng nhận cho học sinh. Sau khi học xong phổ thông, nếu muốn học tiếp đại học, học sinh có thể sử dụng những thông tin về kết quả học tập ở trường để gửi cho các trường đại học xét tuyển.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Homeschooling ở Việt Nam: Những phụ huynh cải biên học tại nhà
- Tiền lớp 1: Đừng bắt trẻ học chữ học toán nữa, hãy để con được vui chơi nhiều hơn
- PGS Văn Như Cương: Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà
- Tôi không chọn homeschool vì những bất công ở trường rất hoàn hảo để con trưởng thành
- Homeschooling: Sự đột phá trong chiến lược giáo dục?
- Kinh nghiệm ‘home-school’ của bà mẹ Việt
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua