Dòng sự kiện:

Hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngày giá rét

Theo GDTĐ
09:06 06/02/2018
Theo quy định, HS mầm non và tiểu học được nghỉ khi thời tiết dưới 10 độ. Tuy nhiên, những ngày qua, hàng loạt các tỉnh khu vực phía Bắc có nền nhiệt độ dưới 10, thậm chí âm 1 độ nhưng nhiều em vẫn thích đến trường.

Trong những ngày này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, thầy cô nên quan tâm hơn đến sức khỏe của trẻ cũng như tăng cường công tác chống rét cho các em.

Giá rét, HS vẫn thích đến trường

Trong 2 ngày 30 - 31/1, hàng loạt các trường ở Hà Nội có thông báo về việc cho trẻ nghỉ học. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn đưa con đến trường, một phần vì trẻ thích đến lớp, phần vì gia đình không có người trông trẻ.

Anh Trần Đức Hùng (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Dù gia đình muốn con nghỉ ở nhà cho ấm nhưng con vẫn muốn đi học vì ở nhà buồn trong khi đến lớp có các bạn vui hơn. Hơn nữa, lớp học đều kín cửa, có điều hòa nên gia đình cũng yên tâm.

Còn tại Quản Bạ (Hà Giang), nhiệt độ thấp nhất có lúc xuống âm độ nhưng không có nhiều trẻ nghỉ học. Hiệu trưởng Trường MN Tùng Vài (Tùng Vài, Quản Bạ) Ngô Vân Anh cho biết: Quy định HS mầm non được nghỉ khi thời tiết dưới 10 độ nhưng ở vùng núi, nhiệt độ thường xuyên thấp hơn mức này, mặt khác cơ sở vật chất của gia đình không tốt nên đôi khi càng lạnh, cha mẹ càng muốn đưa trẻ đến trường.

Nguyên nhân do ở lớp trẻ được các cô trông, được ăn - ngủ đúng giờ. Tuy lớp học chưa khang trang, không có thiết bị sưởi ấm nhưng cũng đủ để tránh rét. Ngoài ra, nhà trường được các tổ chức tặng chăn, máy sưởi nên với nhiều trẻ, ở trường ấm hơn ở nhà.

Tương tự, Trường Tiểu học Tân Phượng (Đoan Hùng, Phú Thọ) tuy thời tiết giá rét nhưng không có HS nghỉ học. Thầy Nguyễn Mạnh Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường và phụ huynh cùng tham gia sửa sang phòng học bị hư hỏng đồng thời trang bị thêm rèm, chăn cho trẻ nên ở lớp vẫn đảm bảo an toàn, đủ ấm.

Với những trẻ ở xa (Tuyên Quang hay vùng lân cận) gia đình thuê ô tô đưa trẻ đi học nên không lo bị lạnh. Trẻ ở gần, những ngày này trường chủ động mở cửa sớm để khi được cha mẹ đưa đến, các em có thể vào lớp luôn. Do vậy, dù giá rét nhưng không có mưa nên nhà trường không có thông báo cho HS nghỉ học. Tuy nhiên, nếu gia đình có nhu cầu, trường vẫn tạo điều kiện và sẽ giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy bổ sung kiến thức cho các em.

Chung tay chăm sóc trẻ

Trong điều kiện giá rét như hiện nay việc giữ ấm cho trẻ là vô cùng quan trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), cơ thể trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Vì vậy, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ khi ở trong nhà và lúc ra đường. Theo đó cần cho trẻ mặc nhiều lớp quần áo để khi trẻ nóng có thể cởi dần, tránh nóng quá đổ mồ hôi thấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi.

Khi đi ngoài trời, việc giữ ấm cho trẻ đặc biệt quan trọng. Không chỉ giữ ấm người mà tay, chân, mặt cũng cần được bảo vệ. Ngoài ra, những ngày này, đồ ăn thức uống của trẻ phải đủ ấm.

Có thể cho trẻ ăn nhiều hơn một chút để sinh thêm năng lượng chống lại giá rét. “Một điều cần ghi nhớ là cha mẹ không để trẻ ngồi phía trước khi di chuyển bằng xe máy bởi như vậy vừa nguy hiểm và tăng nguy cơ nhiễm lạnh cho trẻ”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Những ngày này, trẻ em miền núi mới thực sự là “chiến binh” dũng cảm bởi còn không ít trẻ vẫn co ro trong bộ quần áo mỏng, chân đi dép tổ ong, bàn tay nứt nẻ vì giá rét. Để các em có đủ áo ấm khi đến trường, Bệnh viện E đã tổ chức hành trình mang áo ấm đến cho trẻ vùng cao Tây Bắc. 300 chiếc áo ấm cho các em nhỏ Trường Tiểu học Nà Mường (Mộc Châu, Sơn La) là tình cảm của cán bộ, nhân viên bệnh viện gửi tới các em với mong muốn giữ ấm cho các em trong ngày đông giá rét.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, trẻ miền núi thường có sức đề kháng tốt hơn nhưng không vì thế cha mẹ chủ quan. Ngoài việc giữ ấm, trẻ cần được quan tâm, chăm sóc hơn trong điều kiện giá rét, vì đây là lúc trẻ có nguy cơ bị bệnh đường hô hấp, viêm phổi nhiều nhất.

Ngay từ đầu mùa rét, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường học lên kế hoạch chống rét cho HS. Theo đó, tùy vào điều kiện cụ thể, các trường có thể điều chỉnh giờ học hoặc cho trẻ nghỉ học. Trong những ngày này, nếu gia đình vẫn đưa trẻ đến trường thì phải quản lý trẻ, tổ chức các hoạt động ở trong phòng ấm cho đến khi phụ huynh đón trẻ về.

Nguồn: Gia đình Việt Nam