Dòng sự kiện:

Kiểm tra hậu sản giúp mẹ bầu loại bỏ rủi ro về sức khỏe

15:59 19/10/2015
Dù sinh bằng phương pháp sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể cũng đều hồi phục trở lại bình thường trong thời gian này. Do vậy, bạn cần khám hậu sản để loại bỏ những rủi ro về sức khỏe.
 

 

Các nước tiên tiến trên thế giới, việc khám hậu sản được các sản phụ tuân thủ khá nghiêm ngặt. Còn ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa phần là do thói quen nên khám hậu sản chưa được coi trọng.

Việc kiểm tra hậu sản cực kỳ quan trọng.

Thay đổi sinh lý trong quá trình mang thai và sinh nở đều dần dần điều chỉnh sau sinh, hồi phục trở về trạng thái sinh lý giống như khi chưa mang thai trước đây. Dù sinh bằng phương pháp sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể cũng đều hồi phục trở lại bình thường trong thời gian này. Rất nhiều phụ nữ sau sinh gặp phải những biến chứng nhiễm trùng đường sinh vô cùng nguy hiểm. Kiểm tra sau sinh chính là kiểm tra tổng thể những thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai và sinh con đó đã hồi phục về trạng thái bình thường hay chưa.
Việc khám hậu sản cũng là dịp để các mẹ có cơ hội nhờ bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc hậu sản, chăm sóc em bé. Điều này rất tốt cho cả mẹ và con đặc biệt với những người lần đầu tiên làm mẹ thì càng có giá trị nhiều hơn.

Xét nghiệm sinh hoá và huyết học

Để đảm bảo sản phụ đã phục hồi hoàn toàn và ổn định sau sinh, khi khám hậu sản các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm sinh hóa và huyết học kèm đo huyết áp. Thông qua các xét nghiệm này, sẽ biết được thể trạng của bạn có tốt hay không và sớm phát hiện những bệnh hậu sản có thể mắc phải. Từ đó, có cách điều trị và phòng tránh sớm.

Đo huyết áp

Bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu để đảm bảo tình trạng của sản phụ vẫn ổn định sau sinh.

Khám vú


Việc khám vú và hai đầu núm vú là để kiểm tra liệu sản phụ có bị tắc tuyến sữa hay nguồn sữa có đảm bảo hay không? Thông qua đó, có thể điều trị sớm tắc tia sữa, để ngăn chặn áp - xe vú hoặc nguy hiểm hơn có thể ung thư vú. 

Hơn nữa, nếu hai bầu sữa của bạn quá căng cứng, gây căng tức thông qua khám hậu sản các bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị và chăm sóc ngực, để chống ngực chảy xệ trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Khám bụng và đáy chậu


Nếu bạn sinh thường và trong quá trình sinh phải rạch tầng sinh môn thì các bác sĩ sẽ tiến hành khám đáy chậu để kiểm tra vết rạch đã khô và lành chưa. Bằng cách, bác sĩ sẽ cho tay vào âm đạo sau đó yêu cầu sản phụ co bóp, thắt chặt ngón tay của họ.

Nếu sinh mổ, bác sĩ sẽ kiểm tra vết mổ có bị nhiễm trùng hoặc có để lại sẹo hay không? Nếu có những bất thường sẽ sớm có cách điều trị để tránh viêm nhiễm nguy hiểm cho sức khỏe của sản phụ.

Khám âm đạo
Trong vòng 3 tuần sau sinh, xuất hiện hiện tượng âm đạo co và có nhiều nếp nhăn, nhưng không thể nào hồi phục được kích cỡ trước khi mang thai. Để tránh hiện tượng sa âm đạo sau sinh, bác sĩ kiểm tra cường độ cơ thịt của vùng này để có biện pháp giải quyết tối ưu.

Khám sản dịch


Thông thường phụ nữ sau khi sinh sản dịch sẽ chảy ra trong vòng 2 tháng (khoảng 6 tuần). Ban đầu sản dịch, có màu đỏ sau đó chuyển sang nâu, rồi nhạt dần thành màu trắng và sau đó trở lại bình thường.

Tuy nhiên, rất khó để có thể nhận biết được sản dịch có bình thường hay không, thông qua khám hậu sản các bác sĩ sẽ kiểm tra sản dịch từ đó cho bạn lời khuyên về cách chăm sóc cũng như phòng tránh biến chứng có thể xảy ra.

Khám tử cung
Trong quá trình “vượt cạn”, tử cung của người phụ nữ phải căng ra để em bé chào đời. Và để tử cung khôi phục lại trạng thái bình thường, người phụ nữ phải trải qua những cơn co thắt đau đớn trong một thời gian. 

Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem tử cung đã hoàn toàn bình phục lại như trạng thái ban đầu hay chưa. Cũng thông qua đó sẽ tư vấn giúp sản phụ biết cách chăm sóc và phòng tránh sa tử cung.

Kiểm tra vết thương sau sinh mổ


Vết thương sinh mổ phục hồi tương đối chậm so với vết thương sinh thường, ngày đầu tiên sau sinh rất đau đớn, khó chịu. Đau co tử cung cộng với đau vết thương khiến sản phụ không thể chịu nổi, cho nên có thể phải nhờ đến sự trợ giúp của thuốc giảm đau. Hiện nay, với sự phối hợp của bác sĩ gây tê, biện pháp kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật đã giải quyết triệt để được vấn đề này. Khi kiểm tra sau sinh, bên trong vết thương phải liền, có hiện tượng đỏ, sưng, có chất bài tiết bất thường hay không, hoặc có bị u cục hay không.

Thăm khám khẩn cấp ở các trường hợp

- Sản phụ bị ngất hoặc bất tỉnh 

- Ra nhiều máu, máu có màu đỏ tươi kèm những cục máu đông.

- Sốt cao, đau bụng dữ dội và cơn đau tăng dần lên.

- Sản phụ bị nôn, ói kèm tiêu chảy

- Sản dịch có màu bất thường hoặc có mùi hôi khó chịu

- Vết khâu tầng sinh môn khi sinh thường, hoặc vết khâu ở bụng khi sinh mổ có triệu chứng bị sưng, đỏ, chảy dịch.

- Nước tiểu hoặc phân chảy ra từ âm đạo

- Tiểu buốt.

- Sản phụ da xanh xao, nhợt nhạt, móng tay trắng nhợt, cơ thể mệt mỏi, thở gấp, thở hổn hển, mạch đập nhanh kèm hoa mắt, chóng mặt.

Kiểm tra sức khỏe sau sinh có thể phát hiện sớm triệu chứng viêm nhiễm sau sinh đối với mẹ áp dụng biện pháp điều trị bằng thuốc cũng như thông qua đường ăn uống cần thiết, nhằm giảm thiểu các di chứng về sau.

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam