Làm sao dạy con tự giữ kỷ luật và nền nếp ngày Tết?
Con tôi bình thường ăn ngủ khá điều độ, đúng giờ. Phần ăn nhìn chung cũng được mẹ chăm chút cho ăn thêm rau, bớt thịt, bớt đồ ngọt, đồ béo... Khổ nỗi, ngày tết mọi thứ cứ xáo trộn, không ai còn tâm trạng nấu nướng, chỉ thích kéo nhau ra ngoài ăn. Có ăn ở nhà cũng ăn qua quýt cho xong. Trước tết đã vậy, trong tết đi qua nhà ông bà, con cũng tha hồ ăn ngọt, uống nước ngọt. Mẹ có than phiền, ông bà bênh ngay: “Con nó thèm gì cho nó ăn. Với lại có mấy ngày tết, khắt khe làm gì?”.
Bọn chúng cứ thế mà chỉ ăn ngọt, ăn thịt mà thôi. Ði chơi với ba, mấy chú vui vui còn rủ uống ngụm bia nữa. Giờ ngủ cũng vậy, tới giờ lùa chúng về nhà cho ngủ lại nghe người này người kia chen vô: “Thôi, có mấy ngày tết mà, cho con chơi thoải mái đi”. Ngay cả ba bọn nhỏ cũng thoải mái như vậy. Bọn nhỏ thì chỉ chờ có được ai đó mở lòng là tụi nó nằn nì, mè nheo các kiểu...
Muốn cứng rắn với tụi nó cũng không được. Mình thì bực vì mọi thứ không còn nền nếp gì cả. Nhưng nếu nhăn nhó, la ó, cau có thì lại làm cả nhà mất vui.
Làm sao dạy con tự giữ kỷ luật và nền nếp hằng ngày đây, thưa chị? Cảm ơn chị rất nhiều.
Thi Giang (Phú Nhuận, TP.HCM)
Chị Thi Giang mến,
Tâm lý ngày tết mọi người muốn được vui chơi, muốn được thoải mái trong việc ăn, ngủ, nghỉ… cũng là điều bình thường. Với trẻ con thì nhu cầu được thoải mái, tự do trong mọi việc càng lớn hơn người lớn. Một trong những lý do các em mong tết đến, hè sang là để được ăn, chơi, ngủ muộn, ngủ nướng thoải mái. Rất mong chị cùng các bậc cha mẹ thấu hiểu và chia sẻ nhu cầu này của trẻ.
Tuy nhiên, lo lắng của chị và nhiều cha mẹ là rất thực tế. Nếu chúng ta để trẻ ăn uống không điều độ, quá nhiều thịt và đồ ngọt sẽ sinh hậu quả xấu cho sức khỏe của trẻ như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tăng cân… Nếu chúng ta cho trẻ ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng của trẻ ngày hôm sau. Có gia đình đã lỡ giờ đi chúc tết cùng đại gia đình vì con ngủ dậy trễ, hoặc trẻ dậy muộn, ngủ chưa đủ giấc nên dễ mè nheo, khóc lóc khiến cả nhà mất vui…
Cuộc sống của chúng ta rất cần nền nếp, rất cần kỷ luật trong các sinh hoạt để giữ sức khỏe, tâm trạng tốt mỗi ngày. Ngày tết mỗi người lại càng cần sức khỏe niềm vui. Con chúng ta càng cần hơn hết điều ấy.
Chị có thể linh hoạt trong việc thực hiện nền nếp, kỷ luật trong những ngày tết với các con để sao cho vẫn khiến các con thoải mái chơi tết vừa giữ được sức khỏe tốt.
Trước hết các cháu cần hiểu ý nghĩa, tác dụng của các quy định kỷ luật của mẹ các cháu mới vui vẻ làm theo dù là ngày tết hay ngày thường. Ví dụ các cháu cần biết lợi ích của việc ăn rau, tác hại của việc ăn nhiều thịt, nhiều đồ ngọt. Ngày tết mẹ càng cần nhắc lại những điều này, nhưng nói một cách vui vẻ chị nhé, để giữ không khí tích cực cho cả gia đình.
Nếu các con có ăn nhiều hơn một chút, chị cũng không nên quá khắt khe ngăn cản ngay lúc đó mà khéo léo cho con lựa chọn các món ăn hữu ích. Nếu ở nhà chị là người nấu ăn, chị có thể giảm bớt các món có hại cho sức khỏe của các cháu. Nếu các cháu đi ăn tại nhà khác, chị hãy vui vẻ cho các cháu được tự do lựa chọn thức ăn, khi về nhà, chị có thể rút kinh nghiệm riêng với con về cách ăn uống, giao tiếp bên ngoài gia đình để dạy con về cách ăn uống lịch sự, có ích cho cơ thể khỏe mạnh.
Tương tự chuyện ngủ ngày tết, chị có thể quy định giờ ngủ ngày tết muộn hơn ngày thường một tiếng, thỏa thuận trước với các cháu để các cháu vui vẻ mỗi khi mẹ nhắc đi ngủ đúng giờ quy định. Nhưng có lúc chị cũng cần du di cho các cháu có thời gian vui chơi cùng người lớn, xem một chương trình ti vi ngày tết, chơi một trò chơi cùng ông bà, anh chị em họ hàng, vì cả năm các cháu mới gặp được họ...
Sau tết, gần đến ngày đi học, chị bắt đầu đưa các con dần quay về nền nếp sinh hoạt thường ngày để chuẩn bị cho các cháu bước vào kỳ học sau tết thuận lợi. Ví dụ ngủ sớm hơn và thức dậy gần với giờ thường ngày đi học hơn. Cha mẹ trò chuyện với con về chuyện trường lớp, bạn bè để các cháu chuẩn bị tinh thần đến lớp gặp lại thầy cô, bạn bè. Nếu các cháu đủ lớn, trong ngày tết cha mẹ có thể cho con điện thoại thăm hỏi thầy cô, bạn bè.
Chúc chị cùng con hưởng tết, chơi tết trong không khí vui vẻ, thoải mái, an toàn và mạnh khỏe!
Chuyên viên tham vấn tâm lý
Phụ nữ TPHCM
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Cha mẹ đã hiểu đúng về kỷ luật và trừng phạt con trẻ?
- 5 mẹo để kỷ luật trẻ dưới 10 tuổi bướng bỉnh
- 8 sai lầm phổ biến của bố mẹ khi kỷ luật con
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua