Dòng sự kiện:

Lịch sử và Địa lý sẽ tích hợp thành một môn ở tiểu học, THCS

Theo VNE
15:11 15/01/2018
Kiến thức lịch sử và địa lý sẽ được tích hợp trong các chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử và Địa lý là bắt buộc ở cấp tiểu học (lớp 4-5) và THCS. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội, học sinh đã học tại các lớp 1-3.

Ở cấp tiểu học, mạch nội dung chương trình môn học không tách thành hai phân môn Lịch sử và Địa lý. Kiến thức ở hai lĩnh vực này được tích hợp trong các chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới, theo sự mở rộng về không gian địa lý và xã hội. Logic này đảm bảo để khi hoàn thành chương trình môn học bậc tiểu học, học sinh sẽ có kiến thức bước đầu về lịch sử và địa lý của địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới, để học tiếp môn Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS.

Ở bậc THCS, mạch kiến thức của Lịch sử và Địa lý được tích hợp ở mức độ đơn giản. Có 3 mức độ là tích hợp nội môn; tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và ngược lại, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa kiến thức của hai phân môn; tích hợp tạo thành chủ đề chung.

Lịch sử và Địa lý sẽ tích hợp thành một môn ở bậc tiểu học và THCS. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Với cách tích hợp nội môn, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới sẽ thay đổi cách viết riêng lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam của chương trình hiện nay. Kiến thức lịch sử trong chương trình mới sẽ lấy trục lịch đại (thời gian 0) làm trục xuyên suốt và thiết kế mỗi giai đoạn lịch sử theo mô hình: thế giới - khu vực - Việt Nam - lịch sử địa phương. Trong đó lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Đây là điểm mới trong cấu trúc, trong tích hợp của phân môn Lịch sử.

Về tích hợp liên môn, trong nội dung cụ thể của chương trình, sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lý khi học Lịch sử đòi hỏi học sinh biết đặt các sự kiện lịch sử trong bối cảnh địa lý, biết đánh giá tác động của yếu tố địa lý đối với tiến trình lịch sử. Ví dụ, sự hình thành các xã hội cổ đại, vương quốc cổ, có phần ảnh hưởng không nhỏ của điều kiện địa lý thời đại đó. Việc sử dụng thường xuyên các bản đồ lịch sử, địa lý trong dạy học sẽ nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử.

Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lý đòi hỏi học sinh khi học Địa lý biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lý. Học sinh khi đó cũng biết phân tích đối tượng địa lý trong sự vận động và phát triển, trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Ví dụ, khi xem xét một hiện tượng địa lý có quá trình hình thành, phát triển, biến đổi, suy thoái, chính là đang tìm hiểu lịch sử của hiện tượng này.

"Ngay ở cuối chương trình lớp 6, khi học về loài người trên Trái Đất, học sinh đã có thể sử dụng kiến thức lịch sử về xã hội cổ đại, đặc biệt là có thêm dẫn chứng về loài người là lực lượng hùng mạnh làm thay đổi thiên nhiên Trái Đất", tóm tắt dự thảo chương trình môn Lịch sử và Địa lý nêu.

Nguồn: Gia đình Việt Nam