Dòng sự kiện:

Lưu ý khi ăn và chế biến hải sản để vừa ngon vừa không hại sức khỏe

16:00 28/10/2015
Nhiều người “nghiền” các món ăn về hải sản nhưng lại có những sự kết hợp ăn uống “chẳng giống ai” dẫn tới việc dinh dưỡng thì không hấp thụ được mà còn rước bệnh hại thân.

 

 

 

Không dùng hải sản khi còn tươi sống

Với điều kiện môi trường hiện tại, việc dùng hải sản tươi sống không đảm bảo cho sức khỏe. ​

Trước kia, khi ngư trường còn sạch, các loài hải sản không nhiễm quá nhiều hóa chất. Người ta có thể tái chanh, tái giấm hay ăn sống cùng mù tạt loài hải sản vừa bắt được.

Song với điều kiện môi trường hiện tại, việc dùng hải sản theo những cách này không đảm bảo cho sức khỏe. Một số vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán và độc tố có trong hải sản chưa được chế biến kỹ lưỡng có thể gây ra tiêu chảy hoặc sinh ra độc tố gây bệnh.

Do vậy dù ăn hải sản tươi sống đảm bảo dinh dưỡng không bị hao hụt nhưng lại đặt bạn trước nhiều nguy cơ mắc mắc bệnh hơn.

Chế biến thật kĩ

Theo các nghiên cứu, trong những món gỏi hải sản đã qua chế biến, vẫn còn đến 85% ấu trùng lá gan còn sống sót. Trong khi đó ở món cua nướng đến độ vàng vỏ, ấu trùng loại này còn lại 65% và khi nướng đến cháy vỏ, ấu trùng này vẫn còn khoảng 23%.

Điều này cho thấy, hải sản được nấu dưới 80 độ C không đủ để loại bỏ được ký sinh trùng hiệu quả. Và do đó, thời gian cần thiết đủ để diệt vi khuẩn trong hải sản cần từ 5-6 phút sôi.

Không hấp hoặc luộc hải sản đông lạnh

Hải sản đông lạnh để nhiều này sẽ hao hụt lượng protein, khiến nó trở nên kém tươi ngon hơn đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn trong hải sản gia tăng và sinh sôi.​

Sò, ốc nên dùng ngay khi mua về

Sò, ốc vốn có chứa rất nhiều ký sinh trùng nguy hiểm, chính vì vậy, việc để sò, ốc quá lâu sẽ càng tạo điều kiện sinh sôi cho những loại ký sinh trùng này. Tốt nhất, khi mua, bạn nên chọn loại tươi sống và sau khi mua về nên chế biến ngay.

Không ăn đầu tôm, đầu cá


Nhiều người cho rằng mọi chất bổ dưỡng của các loài tôm, cá đều tập trung ở đầu nên tận dụng luôn cả bộ phận này. Tuy nhiên, đầu tôm, cá là bộ phận tích tụ một lượng khá lớn các nguyên tố kim loại nặng. Và điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của bạn.

Không nên dùng lại hải sản đã bảo quản tủ lạnh qua đêm

Dù được bảo quản trong tủ lạnh, các món ăn từ hải sản vẫn không đảm bảo sẽ đủ an toàn để bạn có thể hâm nóng lại và dùng vào ngày hôm sau. Vì thế, khi chế biến hải sản, bạn chỉ canh lượng vừa đủ với số người dùng để tránh phí phạm vì phần dư còn lại sẽ không thể tận dụng vào ngày hôm sau.

Không được ăn hoa quả sau khi ăn hải sản

Trong các nhà hàng hải sản cao cấp, bạn sẽ không bao giờ thấy dọn kèm hoa quả tráng miệng hoặc kết hợp trái cây cùng các món hải sản. Sở dĩ có nguyên tắc này vì họ muốn đảm bảo thực khách sẽ không bị tiêu chảy hoặc đau bụng ngay sau khi dùng các món hải sản.

Chính chất tanin trong trái cây khi kết hợp cùng canxi và protein vốn có hàm lượng lớn trong hải sản sẽ gây ra sự cản trợ cho hệ tiêu hóa và là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng khó chịu trên.

Tuyệt đối tránh ăn hải sản và uống bia

Trong các bàn nhậu, hải sản luôn được dọn kèm cùng ít lon bia. Nhiều người cho rằng, điều này có lợi cho việc tiêu hóa. Song, ngược lại sự kết hợp này có thể dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như thận hay gout.

Ăn hải sản thì không uống trà


Một số người có thói quen dùng trà sau khi ăn. Thói quen này thực sự không có lợi cho hệ tiêu hóa nhất là khi đó là bữa ăn ngập tràn hải sản. Thói quen không tốt này có thể khiến bạn khó tiêu, đầy bụng và gây ra chứng sỏi thận rất phiền phức. Nếu muốn dùng trà sau bữa ăn, bạn có thể đợi sau ít nhất 2 tiếng.

Cấm không ăn hàu sống

Đặc biệt, hàu thường được nhiều người dùng sống trong khi hàu sống cũng chứa nhiều chất purine (là hợp chất hữu cơ cũng được tìm thấy trong các cơ quan lọc khác của cơ thể người như gan và thận) và có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh gút của nam giới.

Hạn chế ăn hải sản nướng than

Hải sản nướng bằng than đá hoặc than củi được xem là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, đây là cách chế biến thực phẩm không có lợi chút nào cho sức khỏe.

Sở dĩ có điều này là bởi lẽ khói than có thể mang đến những căn bệnh nan y như ung thư và các bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng món ăn ngấm khói.

Nếu vẫn muốn ăn món nướng, tại sao bạn không nghĩ đến việc dùng một chiếc lò nướng điện.

Những người nên hạn chế ăn hải sản:

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Thường xuyên ăn đồ hải sản sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi hoặc của trẻ nhỏ, đặc biệt có những triệu chứng phải đến khi trẻ từ 7 đến 14 tuổi mới xuất hiện.

Vì thế, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hạn chế ăn đồ hải sản, tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần, mỗi lần dưới 100g.

Những người bị bệnh gout hay viêm khớp: Các món ăn từ hải sản cũng là những thực đơn “kiêng kỵ” đối với những người bị bệnh gout. Đây là căn bệnh được mệnh danh là “bệnh nhà giàu” do chế độ ăn nhiều thịt, hải sản và uống rượu bia làm tăng axit uric trong máu. Nếu không tiết chế kịp thời thì đến một lúc nào đó, bệnh nhân sẽ rất đau đớn, khó khăn khi vận động.

Những người bị dị ứng da: Hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng trong khi ăn uống. Chất gây dị ứng có trong đồ biển khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm.

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xuyên xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), ngứa ngáy, nôn nao khó chịu. Nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở...Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video được xem nhiều nhất: [mecloud]fkMcTHOSuQ[/mecloud]