Dòng sự kiện:

Mách mẹ cách xử lý trẻ bị hóc các loại hạt ngày Tết

07:08 28/01/2017
Hóc các loại hạt hướng dương, hạt bí... trong ngày Tết vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ.

Trong ngày Tết, trẻ thường rất thích thú bắt chước người lớn đưa vào miệng các loại hạt như hướng dương, hạt bí, bánh kẹo... vì vậy khó tránh khỏi tai nạn hóc dị vật xảy ra.

Cách phát hiện sớm trẻ bị dị vật đường thở 

- Theo Trí thức trẻ, khi trẻ đang ăn mà tự nhiên ho sặc sụa, mặt mày tím tái khó thở thì cần nghĩ ngay tới việc trẻ bị hóc dị vật đường thở và cần kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Trong trường hợp trẻ bị hóc nhưng vẫn còn tỉnh táo thì tuyệt đối không được móc họng hoặc cố tình gây ói để trẻ nôn ra nhằm lấy dị vật. 

Tùy theo độ tuổi và tình trạng lúc hóc dị vật để có thể có những cách xử lý đúng đắn.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi cần làm biện pháp vỗ lưng, ấn ngực, hà hơi thổi ngạt và đồng thời gọi cấp cứu hoặc di chuyển trẻ đến bệnh viện. 

Đối với trẻ trên 2 tuổi, cần áp dụng phương pháp ép bụng. Cho trẻ đứng thẳng, một người ra phía sau đứng ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ rồi ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp sau đó đưa bé ngay vào viện.

Phòng tránh trẻ bị hóc dị vật

- Không cho trẻ chơi những đồ chơi có mảnh lắp ráp quá nhỏ, có nhiều bộ phận tách rời, nhiều góc cạnh.

- Nấu thức ăn cho trẻ cần lấy hết các mạnh vụn, xương trước khi cho trẻ ăn.

- Chú ý khi cho trẻ ăn hoa quả bởi chúng có thể bị hóc hạt mà không biết.

- Tạo môi trường an toàn cho trẻ vui chơi và học tập.

Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật

Chia sẻ trên báo PLXH, BS. Ngô Anh Vinh - Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương khuyến cáo:

- Khi trẻ mắc dị vật đường thở, nếu trẻ vẫn khóc to, ho được, hồng hào, tỉnh táo thì khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài. Nếu dị vật không được tống ra ngoài, người nhà phải đưa trẻ đến bệnh viện.

- Nếu trẻ ho và khóc yếu, tím tái, khó thở thì ngay lập tức gọi người hỗ trợ và tiến hành làm thủ thuật cấp cứu để tống dị vật ra ngoài.

Thủ thuật vỗ lưng: Bố mẹ đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay người làm thủ thuật, bàn tay giữ cằm để đầu của trẻ ngửa. Dùng gót bàn tay kia vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì người sơ cứu tiếp tục làm thủ thuật ấn ngực.

Thủ thuật ấn ngực: Lật ngửa trẻ để trẻ đầu thấp và nằm trên đùi người làm thủ thuật, người sơ cứu dùng hai ngón tay ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái cho đến khi di vật được đẩy ra ngoài”.

BS Vinh cũng cho biết, khi trẻ bị dị vật đường thở, người lớn tránh móc dị vật nếu không nhìn thấy rõ vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu hơn vào đường thở, khiến trẻ suy hô hấp nặng hơn.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Theo Gia đình Việt Nam