Dòng sự kiện:

Mẹ Việt ở Đức kể câu chuyện đầy hấp dẫn về hành trình đi học mẫu giáo trong rừng của con

09:24 03/03/2018
"Phải dùng chữ ‘tàn nhẫn’ khi nói tới vấn đề này vì đó chính xác là từ mà nhiều người thực sự thốt lên khi biết tôi gửi con tới trường mẫu giáo trong rừng", chị Hoài Vũ-Bender chia sẻ.

Chị Hoài Vũ-Bender là một mẹ Việt và cũng là một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống và làm việc tại Burgschwalbach, Đức. Vốn là một người mẹ chăm chút và yêu thương con từ những điều nhỏ bé nhất, với chị việc cho con đi học ở Waldkindergarten (trường mẫu giáo trong rừng) là một quyết định vô cùng dũng cảm. Chị chia sẻ về quyết định đó của mình trong bài viết vô cùng chân thực và cảm động dưới đây.

-10 độ. Trời lạnh buốt như cắt da cắt thịt. Sau khi đưa con đi học, tôi về nhà ngồi lò sưởi ấm áp và uống trà nóng. Nếu tầm này khoảng 1 năm trước, tôi không thể an tâm ngồi uống trà khi biết rằng cậu con 3 tuổi suốt từ sáng sớm tới chiều chỉ ở ngoài trời, bất chấp trời mưa nắng hay tuyết rơi. Kể từ khi 3 tuổi, hai vợ chồng tôi đã đổi cho cu cậu từ nhà trẻ bình thường sang nhà trẻ trong rừng - Waldkindergarten. Đây là mô hình nhà trẻ không giống với các nhà trẻ thông thường khác, giúp trẻ gần gũi nhất có thể với thiên nhiên. Ngay cả với nhiều người Đức, Waldkindergarten cũng là một điều đặc biệt. Có rất nhiều người hỏi tại sao tôi lại cho con học trường này? Liệu có quá "tàn nhẫn" khi để một đứa trẻ trong một môi trường rèn luyện như thế? Phải dùng chữ "tàn nhẫn" khi nói tới vấn đề này vì đó chính xác là từ mà nhiều người thực sự thốt lên khi biết tôi gửi con tới Waldkindergarten. Liệu tôi có phải là 1 "mẹ hổ"?

Trước khi con chính thức bước chân vào ngôi trường này, chúng tôi có 1 tuần thử nghiệm để xem xét liệu bé có thể thích nghi với môi trường mới này không. Điều kiện với trẻ khi nhập trường là từ 3 tuổi trở lên và đã bỏ bỉm. Cũng như rất nhiều người khác khi mới nghe về trường, mặc dù rất thích ý tưởng giáo dục này nhưng chúng tôi cũng lo sợ không hiểu con mình có thể theo được không. Chúng tôi cũng lo sợ con mình bé thế kia, liệu có thể đi bộ mỗi ngày vào rừng, trèo đèo lội suối vài km, liệu có chịu nổi mùa đông khắc nghiệt khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm độ. 1 tuần đầu tiên đó, tôi đi học cùng con và thực sự có những trải nghiệm thật đáng nhớ.

Bé Flynn, 4 tuổi, con trai của chị Hoài Vũ-Bender đã có một hành trình đi học mẫu giáo trong rừng đầy đáng nhớ. (Ảnh: Hoài Vũ-Bender)

Buổi sáng khi tới lớp, các bạn có thể tới sớm hay muộn nhưng đều trước 9 giờ sáng. 9 giờ sáng bắt đầu bằng màn chào hỏi buổi sáng (Morgenkreis). Có 1 căn phòng nhỏ trong nhà văn hoá Kreml được gọi là ‘tổ kiến’ của ‘những chú kiến rừng’ (mỗi bạn nhỏ là một chú kiến rừng). Căn phòng này rộng chừng 15m vuông, chỉ có ghế, vài cái bàn nhỏ, móc treo túi trong đó có quần áo của từng bạn để thay nếu bị ướt. Phía sau căn phòng là một nhà vệ sinh cho các bé. Căn phòng đơn giản, tuyềnh toàng hơn bất kỳ nhà trẻ nào ở Việt Nam mà tôi từng thấy.

Cô trò ngồi quây quần thành một vòng tròn và bắt đầu hát với đàn ghi ta bập bùng. Lớp có 16 bạn nhưng có tới 5 cô và 2 cô chú thực tập. Sau màn hát hò, chào hỏi, các bạn nhỏ giở ba lô ra và ăn sáng với các đồ ăn bố mẹ chuẩn bị sẵn từ nhà. Sau khi ăn uống xong, các bạn bắt đầu hành trình vào rừng. Waldkindergarten của Flynn nằm ở giữa nhiều khu rừng khác nhau, mỗi khu rừng lại có một tên gọi riêng: chiếc sô pha màu xanh, bãi cướp biển, khu rừng thổ dân, cây sồi cổ thụ… Khi vừa đặt chân tới rừng, mọi người lại dừng lại, hát bài hát ‘mở cửa rừng’ một cách hào hứng rồi mới đi tiếp: "Rừng ơi, hãy mở cửa để chúng tớ vào nhé, nhà của chúng ta là rừng…"

Và đúng là như vậy. Với bọn trẻ ở Waldkindergarten, những cánh rừng này đã là nhà của chúng. Ngôi nhà ấy không có tường, ngôi nhà ấy không có đồ chơi. Đồ chơi của bọn trẻ chính là thiên nhiên. Bọn trẻ nô đùa cười khanh khách trốn tìm sau những rặng cây. Đứa thì nằm lăn lê dưới đất, chân vắt chữ ngũ giống như nằm trên chiếc sô pha ở nhà. Đứa thì chơi trò thổ dân trong các túp lều Tipi dựng từ những thanh củi. Một gốc cây trở thành một ngôi nhà búp bê. Những viên sỏi trở thành kho báu của những tên cướp biển. Một thế giới đầy màu sắc và trí tưởng tượng trong những cánh rừng sồi giống như trong những câu chuyện cổ tích vậy.

- ‘Cô lại đây, cháu chỉ cho cô cái này’. Một bạn nhỏ kéo tôi lại gần một gốc cây.

- ‘Cô ngửi thử mà xem’.

- ‘Ngửi cái cây này phải không?’

- ‘Vâng, đúng rồi’.

Tôi cũng chúi mũi ngửi. Cái cây khô chứ có gì đâu nhỉ.

‘Cô biết không, cái cây này rất đặc biệt nhé. Mùi của nó rất khác khi mùa đông. Thơm nhè nhẹ cô nhỉ. Nhưng khi mùa xuân, cô sẽ gửi thấy mùi khác đấy’.

Tôi thực sự ấn tượng, ngạc nhiên và thậm chí cảm thấy xấu hổ vì thiếu tinh tế của mình trước một cô bé như thế.

Mỗi ngày nhà trẻ trong rừng lại có 1 chủ đề riêng: thứ 2- ngày âm nhạc, thứ 3- diễn kịch, thứ 4-làm thủ công, thứ 5- nhóm lửa nấu ăn ngoài vườn, thứ 6 là ngày tự chọn, ngày này các bạn có thể chọn những gì mình muốn theo bình bầu. Nếu nhiều người chọn 1 địa điểm thì tất cả sẽ cùng tới đó.

Rừng quả thật là một trường học lớn. Từ 4 tuổi, những đứa trẻ của Waldkindergarten đã bắt đầu với việc sử dụng dao gọt khoai tây. Cứ tới thứ 5, nhà trẻ lại nhóm lửa trong vườn và nấu nướng cùng nhau. Bọn trẻ giúp các cô nhóm lò, đốt lửa và gọt khoai tây. Từ 5 tuổi, mỗi bạn có trong ba lô một con dao (Schnitzelmesser) để có thể cắt và vót các cành cây trong rừng. ‘Bọn trẻ phải học cách dùng dao vì điều đó rất có ích nếu sống trong thiên nhiên. Chúng học cách sử dụng dao để không làm đau bản thân mình và không làm đau người khác’, một cô giáo giảng giải khi thấy tôi cứ nhìn một cậu bé sử dụng dao gọt một cách thiện nghệ.

Bọn trẻ con ở Waldkindergarten được tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể. Mùa xuân, chúng đào đất trồng rau củ. Mùa hè, chúng có thể lội suối cả ngày khi trời nắng nóng. Mùa thu, chúng thu đi thu hoạch khoai tây, bí ngô. Mùa đông chúng trượt tuyết, nghịch băng.

Kể từ khi đi nhà trẻ trong rừng, Flynn ít ốm và trở nên mạnh bạo hơn rất nhiều. Cu cậu đi bộ rất nhiều và hoàn toàn không cần phải dùng tới xe đẩy nữa. Cu cậu thuộc rất nhiều tên các loại cây trong rừng, biết cây nào có độc, cây nào không có độc và được phép sờ vào. Một lần thấy Flynn đứng gần cây tầm gai, mẹ hết hồn hét lên: ‘tránh xa cái cây đó ra, động vào nó là rát tay lắm đó’. Flynn nói: ‘mẹ ơi, cây này sờ được nếu mẹ biết cách chạm vào nó. Sau cơn mưa, nó ướt, những cái lông của nó cụp xuống rồi nhé, và nếu mình vuốt theo chiều từ trên xuống dưới thì sẽ hoàn toàn không làm sao cả’. Ai nói người lớn biết nhiều hơn trẻ con nhỉ. Kể từ khi làm mẹ, tôi thực sự đã học được rất nhiều từ các con của mình.

Điều mọi người nghi ngại nhất về nhà trẻ trong rừng là: làm sao chúng có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt?

Người Đức có câu: "Es gibt kein schlechtes Wetter, nur schlechte Kleidung", nghĩa là ‘không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp’.

Với người Đức, với mọi điều kiện thời tiết, họ đều có cách thức đối phó riêng: trời mưa có loại quần áo cho trẻ con nghịch nước, nghịch bùn, trời tuyết có quần áo chống tuyết, không thấm nước. Trời lạnh, bọn trẻ con được trang bị từ đầu tới chân giống như các vận động viên trượt tuyết vậy. Trường có hướng dẫn phụ huynh mặc thế nào cho con của mình. Khi trời lạnh cần có cả quần áo giữ nhiệt và mặc nhiều lớp. Đôi giày được chú trọng đặc biệt vì các bé phải đi lại nhiều trên các địa hình hiểm trở, tốt nhất là các loại giày thể thao ngoài trời của các hãng uy tín.

Tại sao người lớn chúng ta run rẩy trước cái lạnh -10 độ rồi về ngồi lò sưởi mà vẫn xuýt xoa, đó là vì chúng ta không vận động. Còn trẻ con của nhà trẻ trong rừng toàn bộ thời gian chạy nhảy hoạt động không ngừng. Các bạn ấy đào cát, nghịch đất, cào tuyết, xây lâu đài từ những tảng băng lạnh buốt.

Trời mưa thì sao?

Nếu bạn từng có tuổi thơ tắm mưa thì bạn sẽ thấy trời mưa vui thế nào. Bọn trẻ con có thể chạy dưới mưa, hứng nước mưa trong những cái xô bé xíu (tất nhiên có mặc áo mưa, quần áo giày dép chống thấm). Trò yêu thích nhất của chúng là nhảy vào những vũng nước đầy bùn đất.

Mặc dù với những lý thuyết rất tích cực như vậy nhưng nhiều cha mẹ người Đức vẫn cảm thấy ái ngại và không phải ai cũng lựa chọn phương pháp giáo dục này. Cũng có nhiều tranh cãi liệu nhà trẻ trong rừng có phải là ‘sự đày đoạ’ trẻ không? Rất nhiều mẹ đã hỏi tôi: ‘Nghe nói rằng Flynn đã chuyển sang Waldkindergarten rồi. Đó không phải là chuyện đùa đó chứ? Tại sao vậy? có phải nhà trẻ bình thường ở đây có điều gì khiến cô không hài lòng?’. Tôi cười và nói rằng: ‘chuyện đó có thật đó, không phải là đùa đâu. Nhà trẻ bình thường cũng không có lỗi gì cả. Đó chỉ là sự lựa chọn của chúng tôi với một phương pháp giáo dục khác mà chúng tôi nghĩ là phù hợp hơn với con mình, làm con mình vui và hạnh phúc hơn thôi’.

Có những ngày ông con đi học về trông như từ trong đống bùn chui lên, quần áo đen sì, đầy đất cát, bố mẹ chồng nhìn tôi một cách ái ngại và hỏi: ‘thật sự các con muốn con mình bẩn thỉu như thế kia à?’. Tôi chỉ tử tốn trả lời: ‘dạ vâng. Chúng ta muốn thấy một đứa trẻ sạch sẽ hay một đứa trẻ hạnh phúc ạ?’.

Thực sự cả hai vợ chồng chúng tôi cũng đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình rất nhiều về chuyện đổi nhà trẻ. Nhưng giờ đây sau một năm, mỗi ngày đón con, nhìn thấy gương mặt nhem nhuốc nhưng hớn hở của cu cậu, tôi không còn phải lo lắng gì. Và mỗi khi đi dạo trong rừng cùng nhau, thấy con chạy sà tới ôm các gốc cây, vuốt ve từng ngọn cỏ, tránh đường để không dẫm vào những chú kiến rừng… tôi thấy vui vì những gì mình đã làm. Tôi không quan tâm tới chuyện ai đó nói tôi là ‘mẹ hổ’. Ừ, mẹ hổ cũng được, nhưng là mẹ của những chú hổ hạnh phúc.

Theo Helino