Mẹ Việt ở Malaysia dạy con 4 tuổi làm 10 việc nhà, nói 4 ngoại ngữ khiến chồng nể phục
"Mình thấy con nít như một tờ giấy trắng và chúng ta vẽ sao nó sẽ thành như thế, nên đừng vẽ những nét quá cứng làm rách tờ giấy đi. Mình rất ưng ý câu nói: "Children see children do" - tạm dịch là Trẻ thấy sao làm vậy. Nghĩa là cha mẹ là tấm gương cho bé nhìn vào, và bé là tấm gương phản chiếu cho cha mẹ nhìn lại chính mình", chị Bích Tuyền - bà mẹ gốc Cần Thơ hiện đang sinh sống tại Malaysia chia sẻ.
Hai con gái chị, bé An và bé Vui được mẹ "huấn luyện" theo cách kết hợp nhiều phương pháp giáo dục, trong đó, quan trọng nhất là tính tự giác, tự lập. Tuy mới chỉ 3,4 tuổi nhưng các bé đã biết tự làm các việc cơ bản như sau:
Tự chải răng.
Tự gấp chăn.
Tự thay đồ và để đồ bẩn vào sọt cần giặt.
Tự biết thắt dây an toàn khi đi xe.
Tự đi bộ khi ra ngoài, bé đi được khoảng 4 tiếng liên tục, có nghỉ ngơi một chút nhưng tuyệt đối không cần bế.
Biết tự bảo vệ đồ cá nhân như: túi xách, gấu bông, kẹp tóc... khi mang ra ngoài.
Tự xúc cơm ăn.
Tự chịu trách nhiệm với việc làm sai và tự khắc phục. Không nghiện điện thoại.
Thêm một điều chị Bích Tuyền rất tự hào về con đó là con có thể đọc hiểu các ngôn ngữ: Hoa, Mã, Anh, có thể nghe hiểu thêm tiếng Việt, Thái, khả năng diễn đạt cao nhất là tiếng Anh và tiếng Việt.
Để làm được những điều tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng cần thiết ấy dành cho con, vợ chồng chị đã có những quy tắc nhất định:
- Đầu tiên 2 vợ chồng xác định là khen nhiều hơn trách và luôn tạo niềm vui trong lao động.
- Cả nhà luôn làm cùng nhau, đi chơi cùng nhau và chia sẻ đau thương cùng nhau, chia sẻ thức ăn và đồ chơi cùng nhau.
- Ba mẹ không ngại ôm hôn nhau trước mặt con hay trong siêu thị và nói yêu thương nhau.
Các hành động và cách khắc phục được vợ chồng chị Bích Tuyền thực hiện và chia sẻ cụ thể như sau:
Tự chải răng
Mình bắt đầu chải răng cho bé từ khi có một chiếc răng đầu tiên, và dùng bàn chải cho trẻ em. Đầu tiên trêu chọc con cười, cho con xem video chải răng, sau đó mình tự chải răng mình, và tiếp tục làm cho con, chỉ 30 giây, nhưng bé sẽ cảm nhận được hành động này, và biết được việc chải răng là bình thường và cần thiết.
Sau khi bé đi đứng được, thì 2 mẹ con làm trước gương vừa làm vừa chơi, và khi bé hiểu hành động nhổ nước ra ngoài thì bắt đầu với kem đánh răng. Cứ thế cho đến nay, con mình đã tự biết lấy kem và đánh răng một mình.
Tự gấp chăn
Đầu tiên mình chỉ cho con những điểm nhấn trong cái chăn của bé, sau đó chỉ cách nhanh nhất để kết nối 2 điểm đó lại, mình pha hài bằng nguyên tắc 2 ngón tay, chỉ nắm bằng 2 ngón tay và kết nối lại, thu nhỏ cái chăn đến khi bằng cái gối là được. Sau khi bé làm được, mình reo lên sung sướng và tán thưởng, kiểu: "Yeah, con làm được rồi, thấy chưa, mẹ nói là con chú ý thì con sẽ làm được mà". Sau đó 2 mẹ con chạm tay cho kêu và mình ôm bé quay vòng một cái, thì thầm nói "mẹ yêu con quá, con giỏi quá đi".
Gấp chăn có 1 phút, nhưng tán thưởng mất 5 phút. Đến chiều, khi bố đi làm về, mình lại nhắc lại hành động đó của bé để bố khen thêm lần nữa, và như thế là từ đó về sau, bé sẽ vui vẻ với việc gấp chăn mỗi sáng.
Tự thay đồ và để đồ bẩn vào sọt cần giặt
Việc này phải tập từ khi bé 1 tuổi, quan trọng là kiên nhẫn, bé tự làm sẽ rất lâu, nên mẹ phải kiên nhẫn chờ, không vì bé lâu mà làm giúp bé, cứ bình tĩnh, ngồi đợi và chờ đợi, bé có khó khăn tí thì động viên, thỉnh thoảng gợi ý: "Con có muốn mẹ giúp không?" Bé không muốn thì thôi. Chỉ can thiện giúp đỡ khi bé yêu cầu giúp.
Và như thường lệ, sau khi xong một phi vụ mặc quần áo sẽ là màn khen thưởng, cái này khó hơn nên cần thưởng, và mình đóng ngay cho bé chữ "Perfect" (Tuyệt vời) vào tay của bé, và không quên nhắc cho bố khen thêm lần 2.
Biết thắt dây an toàn khi đi xe
Việc này mình tập từ khi mới lọt lòng mẹ, từ bệnh viện ra xe về là bỏ vào ghế ngồi chuyên dụng trên xe cho trẻ, thắt dây an toàn lại, mỗi lần ra ngoài đều làm y như thế, cả nhà ai cũng phải thắt dây an toàn khi lên xe. Mãi cho tới khi bé lớn, có nhận thức sẽ giải thích vì sao phải thắt dây an toàn.
Tuy nhiên đôi khi bé không chịu, mình sẽ nói: "Ba mẹ và chị đều có dây an toàn, con cũng nên làm như thế để an toàn cho con", nhưng con kiên quyết không chịu thì mình cũng mở dây ra và nói: "giờ bố quay xe về nhà cho con ở nhà để mọi người đi chơi tiếp, vì ở nhà con không cần dây an toàn, con đợi chút nhé". Rồi bố cũng thêm một tí: "Đợi tí tới đoạn trước bố quay xe lại". Thế là con chịu cài dây an toàn.
Trong trường hợp con vẫn không chịu mình sẽ rẽ vào cây xăng gần nhất và cả nhà cùng xuống xe nói chuyện trong quán kem của cây xăng. Khi nào thương lượng được là lên xe phải thắt dây an toàn thì mới đi tiếp. Tuyệt đối không mắng, không ép, chỉ giải thích và thương lượng. Bé làm được sẽ được thưởng đậm hơn ví dụ sơn 1 ngón tay có màu sắc bé tự chọn. Thấy được sơn móng tay là bé sẽ rất vui và phấn đấu để được sơn 10 ngón.
Tự đi bộ khi đi ra ngoài
Việc này cũng huấn luyện từ lúc biết đi, cần phải kiên trì và hơi lì một chút. Mình không thích bế và nói luôn: "Con bế mẹ được không? Sao bắt mẹ bế con hoài được, mẹ mệt, mẹ mỏi chân, vậy sao mà đi chơi được, đi chơi mà mệt quá thì mẹ ở nhà cho sướng thân mẹ".
Khi bé dưới 2 tuổi mình đi ra ngoài với xe đẩy, và thỉnh thoảng có bế, nhưng sau 3 tuổi là mình bỏ xe đẩy, tuyệt đối không bế, con mệt quá thì cứ ngồi xuống đây nghỉ, mẹ đợi, khi nào con hết mệt chúng ta đi tiếp.
Thường thì con mình sợ bẩn và không chịu ngồi, mình tìm ghế ngồi hoặc tiếp tục đi, tuyệt đối không bế, dần dần thành thói quen đi bộ, nên các bé đi rất nhiều, không cần bế vì đòi cũng không được, chắc vậy mà nản lòng không đòi nữa.
Khi mình thấy con mệt thật sự sẽ vào quán uống nước, con có thể chọn bất cứ thứ gì con muốn trong danh sách mẹ đọc: nước dừa, sữa, trà, sinh tốt, trái cây, nước suối... cho con tự chọn.
Rồi tìm một cái gì đó thưởng nóng, ví dụ 1 bánh gato socola, hay sẽ hứa mua 1 cái sticker (dán hình) cho con chơi. Trước khi ra khỏi quán, cả nhà hay để tay chồng lên nhau kiểu tập thể rồi hứa đi bộ cùng nhau, chúng ta sẽ làm được, vậy là con rất nhiệt tình đi tiếp.
Tự bảo vệ đồ cá nhân
Trước khi ra ngoài con hay xin mang theo đồ chơi, mình thấy đồ hợp lý sẽ bảo: "Con có thể mang theo được, nhưng con phải tự cất và bảo quản nhé". Nếu con hứa sẽ giữ gìn thì mình đồng ý cho mang đi. Tuy nhiên đi được vài tiếng sẽ chán không muốn mang nữa và yêu cầu mình cất hộ, mình sẽ từ chối và nhắc lại lời hứa của con. Nếu con vẫn kiên quyết không chịu cầm thì mình cho phép con vứt vào sọt rác.
Mình chấp nhận mua đồ mới và từ nay về sau không cho con mang đồ ra ngoài chơi nữa. Con sẽ có lựa chọn là tự mang, cầu cứu bố hay vứt đi. Chồng mình lúc này sẽ thương lượng: "Bố cầm cho con một chút rồi con cầm lại nhé", rồi giúp con 1 tí và sau đó con cũng vui vẻ nhận lại món đồ của mình. Lần này thì khen ngợi sự cố gắng và tính kỷ luật của con, rồi nhắc lại tính tốt ấy mỗi lần đi ra ngoài, bé sẽ cố gắng làm tốt hơn những lần sau.
Tự xúc cơm ăn
Từ khi biết ngồi, biết cầm nắm mình đã cho con tự bốc ăn, đầu tiên có hơi bẩn và mệt, nhưng mình chấp nhận thu dọn chiến trường. Sau khi con 2 tuổi, sẽ bắt đầu ngồi ăn với mẹ, cho bé ngồi nhìn, mẹ ăn trước, bé sẽ chơi cái tô/bát và cái muỗng/muôi. Tự chơi nên bé sẽ quan sát mẹ làm và làm theo, sau đó tập dần cho thức ăn vào, bé sẽ tự xúc ăn và mẹ có phụ giúp thêm. Mình tuyệt đối không ép con ăn, nếu bé nói không là mình ngừng liền dù ăn được ít hay nhiều.
Đặc biệt, dù có đang xem ti vi nhưng ăn là tắt ti vi, ăn xong con sẽ được xem tiếp. Nên bé ăn ngoan, nhanh, rồi dần dần tự ăn cũng làm nhanh như khi có mẹ đút. Con mình ăn được các loại rau, củ, cơm, pizza, mì, bún…
Ra ngoài mình cũng cho con tự xử và khen thật to, cho vài bàn xung quanh nghe cũng không sao, miễn con vui và hạnh phúc. Mình không nấu đồ ăn riêng đem theo ra ngoài cho con ăn. Mọi người ăn gì con ăn đó, miễn có cái mềm và hợp lý là được. Mình luôn thủ bánh mì khi đi ra ngoài, nếu không có gì sẽ cho con ăn bánh mì, về nhà bổ sung rau thêm sau. Hiện bé lớn con mình 4,5 tuổi, cao 1m, nặng 18kg, bé nhỏ 3,5 tuổi cao 90cm nặng 15kg. Hiện đang tập ăn bằng đũa.
Tự chịu trách nhiệm và tự khắc phục
Khi con làm một cái gì đó sai, nếu có mình ở đó, mình sẽ lờ đi, coi như không biết gì, rồi con sẽ đến nói: "Con làm đổ nước rồi". Lúc đó mình sẽ bảo: "Đổ rồi à, vậy không có nước uống rồi, con coi có làm ướt cái gì xung quanh không?' Rồi mình đi đến bên con, lấy mấy cái đồ bị ướt liên quan ra, và lấy khăn lau, sau đó rót nước khác cho con và nói con cẩn thận.
Mình không hỏi vì sao đổ và không la hét gì hết, vì không giải quyết được gì và làm con khủng hoảng, rồi con sẽ nói dối khi lần sau làm sai. Nếu mình không thấy sự việc, khi phát hiện mình sẽ hỏi ai, nếu con chịu thiệt mình sẽ ôm hôn con khen con thật thà và cùng con khắc phục.
Nếu con nói dối mình biết được, lúc đó mình sẽ hỏi lại lần nữa và nhìn thẳng mắt con, nếu con nói dối mình sẽ bảo con đứng im, nhìn vô gương cho mẹ, sau đó mình nói: "Con quan sát kỹ coi cái mũi của con có bị dài ra chưa" (như truyện Cậu Bé Người Gỗ) xong mình sẽ dọn dẹp và quay lại bảo: "Ôi sao cái mũi con dài thế? Con nói dối mẹ hả?" rồi nói bé: "Lại đây mẹ giúp đẩy cái mũi của con vô cho, lần sau đừng nói dối mẹ nữa nghe chưa, đâu có tốt, mẹ biết mẹ buồn mà cái mũi của con lại bị dài ra".
Không nghiện điện thoại
Việc này phải từ bố mẹ là chính. Đầu tiên 2 vợ chồng thống nhất, không ôm điện thoại trước mặt con, mình quan điểm là nếu mình không chơi với con thì nó sẽ chơi với điện thoại. Nên ngoài giờ học, mình cùng chơi và nói chuyện với con rất nhiều, chồng đi làm về cũng đàn hát với con, cả nhà ngồi xem phim với con, chơi đồ hàng với con. Thường thì con mình bán hàng, mình và chồng là khách hàng.
Mình cho con xem Youtube trên tivi, thỉnh thoảng cho con mượn điện thoại xem Youtube nhưng mình cài đặt báo thức, ví dụ 15 hay 20 phút gì đó, khi nào điện thoại reo thì trả lại mẹ.
Con làm theo như thế và khen ngợi rồi lần sau cho mượn tiếp, đây cũng là hình thức chia sẻ đồ chơi cho nhau mình muốn chỉ cho con. Vì không cho con chơi với điện thoại, nên mình tốn nhiều thời gian chơi với con, tốn nhiều đồ chơi cho con, nhưng mình chấp nhận chi cho mấy thứ như thế hơn là điện thoại.
Học 5 ngôn ngữ cùng lúc
Mình chưa bao giờ bắt con ngồi vào bàn học, chưa bao giờ bắt con trả bài, con mình học 5 ngôn ngữ một úc và học một cách tự nhiên nhất có thể. Con học tiếng Việt bằng cách nói tiếng Việt với ngoại, mẹ, bạn của mẹ, xem Xuân Mai, Đô rê mon. Học tiếng Anh bằng cách nói chuyện với mẹ và ba, xem phim hoạt hình Peppa Pig, Caillu…, xem phim trên rạp và giao tiếp xung quanh.
Con học tiếng Thái bằng cách nói chuyện với bố, nội (qua điện thoại) nghe nhạc Thái, mỗi năm mình đi du lịch Thái Lan 1 - 2 lần trong vài tuần cho con chơi và nạp từ mới. Tiếng Hoa và Mã không ai trong nhà mình nói cả, nhưng con được học ở trường, cái này hơi chậm, và có phần hơi khó, mình không ngại khen thưởng, động viên, tới trường con chơi, cho con chơi với các bạn Hoa và Mã, cho con chơi các phần game học nói tiếng Hoa trên điện thoại của mình (có giới hạn thời gian).
Mỗi ngày con đều lớn hơn một chút, điều quan trọng khi làm bố, mẹ đó là kiên trì, kiên nhẫn, cùng dành thời gian cho con, cùng vui và cùng buồn với con, như vậy, việc giáo dục con cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Theo Khám phá
- Nữ nhà báo Mỹ chỉ ra 8 điều đáng học hỏi trong cách dạy con của hàng triệu mẹ Nhật
- Ai cũng tưởng dạy con theo những cách này là làm hư con, nhưng thực tế không phải như vậy
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua