Mẹ Việt tiết lộ bí quyết dạy con gái 7 tuổi nói lưu loát 5 ngôn ngữ
Dạy con thành thạo nhiều loại ngôn ngữ với chị Phạm Viết Phương Hảo là một trong những điều tuyệt vời nhất bởi theo chị, con làm quen với nhiều ngôn ngữ từ rất sớm sẽ giúp bé có được nhiều chìa khóa để hiểu biết, tư duy và khám phá những điều hữu ích hằng ngày cũng như tiếp cận được với tinh hoa của các nền văn hóa.
Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ tuyệt vời này để biết thêm câu chuyện cũng như kinh nghiệm dạy đa ngôn ngữ cho con:
- Chào chị, chị có thể giới thiệu một chút về tính cách và sở thích của cô con gái nhỏ được không?
- Con gái tên Bianca Agnese Diệu Minh, mình hỏi con nhắc tên Việt của mình nên con rất nhớ.
Bianca sinh ra tại Bangkok năm 2009 khi mình theo bố của bé đi làm việc cho dự án của tổ chức Bác sỹ không biên giới. Bianca là con gái đầu lòng của vợ chồng mình.
Bianca thừa hưởng nhiều nét Ý hơn nét Việt Nam nhưng khuôn mặt và thần thái đặc biệt giống mẹ, cô bé có cá tính mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ và rất thích học ngoại ngữ mới. Con thích đi du lịch vì đã quen cùng bố mẹ đi nhiều nơi từ khi mới 2 tháng tuổi. Hiện Bianca hơn 7 tuổi và con đã đi được khoảng 80 chuyến bay.
Con gái rất thích nấu ăn, trang điểm (con thích mặc quần áo và đi giày cao gót của mẹ để làm điệu, nhưng chỉ ở nhà thôi), ở lớp thầy cô thường nói con là đầu tàu vì rất năng nổ hoạt bát và thường tạo không khí vui vẻ.
Chị Phương Hảo bên con gái đầu 7 tuổi. |
- Chị bắt đầu dạy nhiều ngôn ngữ cho con gái mình từ khi nào? Động lực giúp chị làm việc này là gì?
- Mình chủ động nói tiếng Việt với con ngay từ khi con mới sinh ra. Thực ra lúc ấy mình không hề có mục tiêu gì về việc dạy ngôn ngữ cho con cả mà chỉ nghĩ đơn thuần rằng nên nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ vì mình là người Việt Nam. Đây là quyết định đúng đắn vì bố mẹ mình chỉ nói tiếng Việt, như vậy khi Bianca gặp ông bà hay những lúc về Việt Nam không bị bỡ ngỡ.
Trong thời gian ở Bangkok, gia đình mình sống tại một khu nhà nơi có rất nhiều người nước ngoài đến ở. Vì vậy ngoài thời gian tiếp xúc với mẹ bằng tiếng Việt và với cô trông trẻ bằng tiếng Thái, với bố bằng tiếng Ý, con thường xuyên gặp gỡ những người nước ngoài khác với những ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức, v.v… Có thể đây là chất xúc tác giúp khả năng tiếp thu ngôn ngữ của con phát triển mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Chị dạy ngôn ngữ cho con bằng cách nào? Bé đã tiếp thu như thế nào?
- Mình nói chuyện hằng ngày với con bằng tiếng Việt và chỉ nói tiếng Ý khi có mặt bố bé và tiếng Anh với người nước ngoài. Vì là con đầu lòng nên mình có nhiều thời gian dành cho con hơn so với con thứ hai và ba. Mình đọc sách cùng con, chơi trò đố hình, đếm số khi lên xuống cầu thang, đoán các bộ phận cơ thể khi tắm, v.v..
Thỉnh thoảng mình cho con xem phim hoạt hình tiếng Việt hoặc nghe các bài hát của thiếu nhi bằng tiếng Việt và thường là với giọng Bắc (vì mình đến từ Hà Nội) để con có thể nghe quen và hiểu. Khi con phát âm sai một từ thì mình sẽ tìm cách sửa ngay để con không bị hình thành thói quen.
- Mất bao lâu thì bé có thể nói lưu loát ngôn ngữ đầu tiên mà chị dạy? Chị có gặp khó khăn gì trong việc dạy con?
- Lúc 3 tuổi Bianca đã có thể nói khá lưu loát bằng tiếng Việt với mẹ, đôi khi con vẫn pha trộn các ngôn ngữ với nhau mỗi khi gặp phải từ mà con không biết bằng ngôn ngữ đang nói.
Phương châm của mình là luôn từ chối trả lời nếu con nói bằng tiếng Việt để con phải hiểu rằng ngôn ngữ chính của mẹ là tiếng Việt Nam. Nhờ vậy mà hiện nay khi nói với mẹ con luôn chủ động sử dụng tiếng Việt, khi có từ nào không biết thì con sẽ nói bằng tiếng Anh hoặc Ý và mẹ sẽ giúp con phát âm từ đó bằng tiếng Việt ngay.
Điểm khó khăn là Bianca không được tiếp xúc với nhiều người Việt ở những nơi bố mẹ đến ở và làm việc nên vốn từ vựng của con không nhiều. Mẹ là cuốn từ điển duy nhất mà con có nên đôi khi nói chuyện với người khác thì con chậm hiểu hơn do họ dùng từ khác với những từ mà mẹ hay dùng, hoặc con không hiểu tiếng Việt của những vùng miền khác.
- Hiện tại bé đã biết 5 ngôn ngữ, chị có thể cho biết kết quả học hiện tại về đa ngôn ngữ này như thế nào?
- Hiện nay con có thể nói tốt bằng 5 thứ tiếng (Việt, Ý, Anh, Pháp, Nga). Cách đây 2 năm, trước khi sang sống tại Uzbekistan thì Bianca có hơn 4 năm lớn lên tại Kenya và con có thể nói chuyện bằng tiếng Đông Phi (kiswhahili), nhưng do di chuyển và không sử dụng nữa nên con bị quên.
Nhờ được tiếp xúc nhiều với các ngôn ngữ khác nhau nên Bianca có khả năng phát âm và nhớ từ của ngôn ngữ mới rất tốt. Con cũng biết nhiều từ bằng tiếng Uzbek để nói chuyện với âm ngữ chuẩn như người bản địa.
Khi Bianca sắp lên 6 tuổi, mình có đến trường Pháp ở Nairobi (Kenya) định xin cho con vào lớp 1 nhưng bị từ chối vì theo hiệu trưởng trường này đã quá muộn để con bắt đầu học tiếng Pháp và họ yêu cầu con phải thi qua vòng phỏng vấn để được nhập học với vốn từ khoảng 6000 từ tiếng Pháp. Mình cho con đi nghỉ hè ở Guadeloupe – một hòn đảo ở Caribbean thuộc địa Pháp - trong 2 tháng để cho con làm quen với ngôn ngữ tiếng Pháp (chủ yếu là nghe cho quen tai).
Sau đó chuyển sang Uzbekistan thì may mắn được chấp nhận vào học trường Pháp. Tuần đầu tiên khá khó khăn vì Bianca không hiểu tiếng Pháp và lạ môi trường mới nên không muốn đi học, nhưng chỉ sau 2 tuần con đã nhập cuộc và nhanh chóng hoà đồng với các bạn mới với vốn từ ít ỏi.
Con mới kết thúc năm học thứ 2 ở trường Pháp và hiện giờ có thể giao tiếp bình thường với các thầy cô giáo người Pháp. Giáo viên nhận xét rằng tiếng Pháp của con tốt ngang với các bạn người gốc Pháp, kể cả giáo viên tiếng Nga cũng nhận xét rằng khả năng tiếp thu và phát âm của con rất tốt, đến mức thỉnh thoảng mình hoặc chồng phải nhờ con phiên dịch dùm khi nói chuyện với người Nga ở đây.
Mới đây khi gia đình mình đi du lịch trên tàu hỏa, có một du khách Pháp gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ngồi, Bianca đã giúp bà ấy nói chuyện với tiếp viên trên tàu và bà du khách đã rất cảm kích.
Chị có thể chia sẻ phương pháp và bí quyết giúp bé học đa ngôn ngữ hiệu quả tại nhà?
- Hai con lớn của mình (Bianca 7 tuổi và Carlo sắp lên 6) đều có thể nói 5 ngôn ngữ. Với mẹ, các con dùng tiếng Việt, với bố dùng tiếng Ý, nói với nhau bằng tiếng Anh (vợ chồng mình luôn khuyến khích hai con nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh để khỏi quên do môi trường sống hiện tại không sử dụng Anh ngữ nhiều), với các bạn ở trường thì hai con giao tiếp bằng tiếng Pháp và Nga. Con trai út của mình sắp được 7 tháng, mình cũng đã và đang trò chuyện hằng ngày cùng bé bằng tiếng Việt.
Ngoài việc mình quy định các con phải luôn nói với mẹ bằng tiếng Việt, khi có thời gian thì mình đọc sách tiếng Việt cho con hoặc thường thủ thỉ tâm sự, cho con nói chuyện với ông bà hay họ hàng qua internet.
Tiếng Ý là ngôn ngữ chính trong gia đình khi có bố của hai bé và chồng mình cũng thường chủ động giải thích cặn kẽ mọi việc cho các con bằng tiếng Ý nên ngôn ngữ này của hai con cũng rất tốt. Các con cũng thường gọi điện thoại cho bà nội ở Ý để nói chuyện với bà và hàng năm thường về Ý nghỉ hè khoảng 1 tháng. Trong thời gian nghỉ hè khả năng tiếng Ý của các con phát triển rất nhanh.
Với các ngôn ngữ khác: Các con được phép xem hoạt hình sau giờ ăn tối khoảng 1 tiếng và khi này thì mình thường cho các con xem bằng tiếng Anh hoặc Pháp, hiện giờ con con thích xem cả hoạt hình của Nga. Thời gian rảnh, mình không cho con đi học thêm ngoại ngữ mà khuyến khích các con chơi, vẽ hoặc hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe. Đó cũng chính là lúc các con tiếp xúc với các bạn khác để nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình. Vợ chồng mình cũng luôn chủ động cho các con chơi với trẻ em hàng xóm người bản địa và thuê cô trông trẻ biết nói cả tiếng Uzbek và tiếng Nga.
- Theo chị, bố mẹ đóng vai trò như thế nào trong việc dạy và học đa ngôn ngữ tại nhà cho con được hiệu quả?
- Người mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hướng về ngôn ngữ cho con cái vì mẹ thường có nhiều thời gian với con hơn so với bố. Cần xác định ngay từ đầu ngôn ngữ nào mẹ sẽ sử dụng với con và chỉ dùng duy nhất ngôn ngữ đó, ít nhất là cho đến khi con định hình được tiếng nào là tiếng mẹ đẻ.
Đôi khi cho các con về Việt Nam chơi, nhiều người chủ động nói chuyện với các con bằng tiếng Anh vì sợ các bé không hiểu tiếng Việt, mình luôn yêu cầu mọi người nói chuyện với con bằng tiếng Việt để con tập quen.
Vợ chồng cần thống nhất với nhau về cách sử dụng ngôn ngữ với các con. Cần kiên nhẫn vì có thể thời gian đầu con hay bị nhầm lẫn các ngôn ngữ với nhau, mẹ có thể nhắc lại hàng chục lần một từ trước sau con sẽ nhớ. Bố mẹ cần đầu tư nhiều thời gian với con, tiếp xúc và chơi cùng con vì đây là khoảng thời gian quý giá giúp bố mẹ và con cái gần nhau hơn và cũng là lúc con tiếp thu các ngôn ngữ của bố và mẹ.
Thời nay nhiều bậc cha mẹ ỉ lại vào công nghệ, internet hay games để rảnh tay làm việc khác, điều này theo mình là không nên vì bố mẹ và con cái sẽ không có thời gian gần nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau.
Hiện giờ các con đã tự tạo một thứ tiếng của riêng hai con mà chỉ có các con hiểu (các con hay gọi là tiếng Burachana, mình không rõ các con nghe từ này ở đâu. Có thể là từ tiếng Ấn Độ trong thời gian các con sống ở Kenya do có cộng đồng người Hindu rất lớn sống ở đây). Các con rất thích “nói chuyện” với nhau bằng thứ tiếng Burachana này và vô cùng thích thú khi bố mẹ không hiểu. Bản thân mình cũng thấy thú vị.
- Cảm ơn chị rất nhiều đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích với chuyên mục.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Cách dạy con vô cùng nghiêm khắc của cặp vợ chồng Kate Middleton khiến cả thế giới phải chú ý
- Ông bố kỹ sư dạy con không nhường đồ chơi khi bị bạn giật
- Cách hay giúp mẹ dạy con biết sẻ chia
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua