Dòng sự kiện:

Mỹ: kêu gọi cấm cha mẹ trừng phạt trẻ em bằng roi vọt, mắng chửi

Học viện Nhi khoa Mỹ (APP) đang mạnh mẽ chống lại việc đánh đòn trẻ em, thậm chí kêu gọi phải có lệnh cấm đối với các hành vi trừng phạt trẻ em. Học viên Nhi khoa cũng nói rằng "kỷ luật bằng lời nói khắc nghiệt", bao gồm sỉ nhục, khiến trẻ xấu hổ, rất có hại cho bộ não đang phát triển của một đứa trẻ.

Theo Lifehacker, AAP đã thông báo họ sẽ cập nhật bản "hướng dẫn kỷ luật hiệu quả" đã có trong 20 năm của mình, nói rằng "kỷ luật đánh đòn mang lại rất ít hiệu quả và có nhiều tác dụng phụ có hại. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần được khuyến khích và hỗ trợ trong việc phát triển các phương pháp giáo dục trẻ, chứ không phải là đánh đòn để quản lý những hành vi không mong muốn ở trẻ".

Bản hướng dẫn giáo dục trẻ mới tuyên bố mạnh mẽ rằng đánh đòn đơn giản là giải pháp giáo dục hạn chế. Đánh đòn vừa không hiệu quả lại vừa có hại.

Đánh đòn và mắng chửi gay gắt có thể khiến trẻ sợ hãi trong thời gian ngắn nhưng không cải thiện hành vi lâu dài và có thể gây ra những hành vi hung hãn hơn ở trẻ, theo AAP. Trong một nghiên cứu, trẻ em bị đánh đòn hơn 2 lần 1 tháng khi 3 tuổi sẽ hành động hung hăng hơn khi lên 5 tuổi. Những trẻ này khi lên 9 tuổi vẫn thể hiện hành vi tiêu cực và có điểm tiếp nhận từ vựng thấp hơn.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắng mỏ, la hét hoặc sỉ nhục trẻ có thể làm tăng các hormone căng thẳng và dẫn đến những thay đổi trong kiến ​​trúc của bộ não. Lạm dụng lời nói gay gắt cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên.

"May mắn là ngày càng ít bậc cha mẹ ủng hộ giải pháp giáo dục con cái bằng việc trừng phạt đánh đòn và mắng chửi như trước đây", Tiến sĩ Robert D. Sege, một cựu thành viên của Ủy ban AAP về Lạm dụng và Bỏ bê Trẻ em và là tác giả của chính sách cho biết. "Tuy nhiên, hình phạt đánh đòn, mắng chửi trẻ vẫn được pháp luật cho phép ở nhiều bang, mặc dù đã có những bằng chứng cho thấy nó gây hại cho trẻ em - không chỉ về thể chất và tinh thần, mà ở cách trẻ hành động ở trường và cách chúng tương tác với các trẻ khác".

Sử dụng các phương pháp kỷ luật bình tĩnh và có kiểm soát sẽ hiệu quả hơn, chẳng hạn như bằng cách thiết lập các quy tắc rõ ràng và đặt ra kỳ vọng, sẽ phù hợp hơn và tạo ra các hành vi tích cực.

Nguồn: Gia đình Việt Nam