Dòng sự kiện:

‘Ngã ngửa’ với lý do mẹ Việt không bao giờ tập ‘xi tè’ cho con

Theo PLXH
13:05 18/03/2017
Tập xi tè cho con được đưa ra như một lời khuyên “vàng bạc”, thế nhưng sự thật nó có tốt như mọi người thường nghĩ?

“Phải tập xi tè cho nó chứ, đóng bỉm cả ngày vừa bí vừa không tốt” – câu nói quen thuộc mà bất cứ bà mẹ mới sinh nào cũng phải nghe hàng ngày, hàng giờ từ các “bậc tiền bối” – các bà các mẹ dày dạn kinh nghiệm chăm con. Tập xi tè cho con được đưa ra như một lời khuyên “vàng bạc” với những lý do không thể hợp lý hơn như tiết kiệm tiền mua bỉm, vệ sinh và sạch sẽ. Thế nhưng, việc xi tè ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ như vậy có thực sự tốt như mọi người thường nghĩ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (TP HCM) không có khái niệm "tập xi tè" cho con". (Ảnh: NVCC)

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (TP HCM) là một bà mẹ có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ. Hiện chị có một bé hơn 8 tháng tuổi và cũng không bao giờ có khái niệm “tập xi tè” cho con. Bé nhà chị đến nay vẫn đóng bỉm thường xuyên.

Chị Vân cho biết trước khi sinh con chị cũng tham khảo khá nhiều tài liệu uy tín của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật về vấn đề nên hay không nên xì tè cho con. Chị được biết họ không hề có khái niệm này và lý do không xi tè cho con được đưa ra rất khoa học, hợp lý.

“Xi tè” không tốt cho sự phát triển bàng quang của trẻ

Giải thích cho điều này, chị Vân cho biết: “Khi xi tè thì bàng quang của bé chưa căng đã phải tè rồi, do đó hình thành tật thói quen có điều kiện. Mà bàng quang bé thì cần phải lớn lên liên tục nên không căng sẽ không tốt cho hệ thần kinh cảm giác. Bản thân bé cần phải cảm nhận cảm giác căng tức và từ đó hình thành liên kết cảm giác đó chính là sắp tè”.

“Bé dưới 6 tháng thì dĩ nhiên việc xi tè là vô nghĩa vì lúc này bàng quang bé còn nhỏ nên chỉ chứa 1 lượng nước ít cần đi liên tục. Khoảng 18 tháng là lúc bàng quang của bé tương đối lớn và lúc này liên kết hệ thần kinh cảm giác của bé đã tốt và bé đã bắt đầu cho ba mẹ thấy dấu hiệu sắp tiểu tiện và đại tiện. Nhưng khi ấy bé vẫn chưa biết phải làm gì khi có cảm giác đó, nghĩa là biết mình sắp tè nhưng không biết phải đi ngồi bô. Lúc này mình sẽ tập bé ngồi bô. Tập ngồi bô thì tập cho bé đại tiện trước rồi mới đến tiểu tiện. Lúc bé biết nói tầm 24 tháng là lúc dễ tập cho bé đi tiểu tiện nhất”, chị Vân nói thêm

Việc tập xi tè là không cần thiết và thậm chí còn phản khoa học. Thay vì để bé tự cảm nhận được tín hiệu và hiểu để điều chỉnh hành vi, thì lại để bé lệ thuộc vào âm thanh bên ngoài (hay 1 tác động nào đó mẹ quy ước cho bé). “Vậy nếu như quy ước đó được hình thành tức chỉ cần nghe hiệu lệnh là bé sẽ tè mặc dù không buồn tè, hoặc bé nghe 1 âm thanh nào đó giống như hiệu lệnh quy ước, hoặc ai đó chỉ cần vô tình xuất hiện âm thanh đó là bé sẽ đi, thế chẳng phải thành ra bé tè không kiểm soát rồi. Điều cốt lõi là để bé kiểm soát chính bản thân mình một cách hiệu quả”, chị Vân nhấn mạnh.

nga ngua voi ly do me viet khong bao gio tap xi te cho con
Bé nhà chị Vân hơn 8 tháng tuổi và chị vẫn đóng bỉm cho bé, chứ không tập "xi tè" theo lời khuyên của ông bà. (Ảnh: NVCC)

“Đừng vin vào cớ ngày xưa xi tè mãi mà có sao đâu”

Rất nhiều các bà nội, bà ngoại vin vào cớ “ngày xưa xi tè mãi mà con vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh, có làm sao đâu”, để phản bác lại quan điểm chỉ đóng bỉm, không xi tè cho con của các bà mẹ hiện đại. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Vân cũng có những chia sẻ rất thẳng thắn. Chị cho biết chuyện này cũng giống như chuyện “ngày xưa nêm mắm muối vào đồ ăn dặm lúc bé 2-3 tháng thì có làm sao đâu”.

“Về cái làm sao đó, phải nhìn tổng quan sức khoẻ của trẻ khi trưởng thành và ở tuổi trung niên, tức là khi 30 tuổi - 40 tuổi trở lên. Thật ra sứ khoẻ người Việt Nam mình khá yếu, 30-40 tuổi đã nhức mỏi, đau lưng, uể oải. Ở Nhật và các nước Châu Âu, nhiều người 60 tuổi vẫn đi du lịch khám phá, chứ không như mình, chỉ đi du lịch để nghỉ dưỡng. Họ cũng không phải ngày ngày uống thuốc bổ như các vị trung niên ở ta”, chị Vân nói.

“Chẳng có lý do gì phải xi tè cho bé cả”

Dù ai nói ngả nói nghiêng, chị Vân vẫn giữ vững quan điểm không xi tè cho bé. Chị nói: “Vì sao phải xi tè? Chẳng lẽ đến chuyện bé tè cũng cần phải tuân theo ý muốn của người lớn sao? Mình nghĩ đây là nếp quen của việc giáo dục truyền thống đó là áp đặt trẻ. Từ việc bé ăn, ăn phải theo định lượng định tính của người lớn, việc bé ngủ cũng cần theo ý bố mẹ, đến việc chơi cũng vậy. Trò chơi được tạo ra để bé chơi, nhưng mà bé chơi phải theo ý người lớn. Người lớn định nghĩa bộ logo là dùng để lắp ráp, thì khi bé cầm tháo ra, bé xếp vòng vòng dưới mặt đất mà không ráp chúng lại thì ngay lập tức người lớn sẽ đi lại hướng dẫn bé cần phải làm gì để lắp ráp chúng. Bé cần được tự do, cần có không gian, cần trải nghiệm, cần được tự quyết định cho chính bản thân mình. Kể từ đó bé mới hiểu được đâu là trách nhiệm mình cần phải làm, và bé sẽ học cách chịu trách nhiệm cho chính hành động của mình. Điều này trẻ em Việt Nam đại đa số chưa học tập được”.

nga ngua voi ly do me viet khong bao gio tap xi te cho con
Đóng bỉm không gây bí nóng cho bé nếu mẹ biết cách. (Ảnh: NVCC)

Vậy nếu không tập xi tè, thì giải pháp là gì?

Nếu không tập xi tè, thì chỉ còn giải pháp là đóng bỉm cho bé và hướng dẫn bé về việc ra dấu hiệu cho bố mẹ biết mỗi khi bé muốn đại tiện tiểu tiện. Dần dần bé sẽ học được cách kiểm soát cảm giác đó và biết xử lý chúng khi đã đủ nhận thức. Như vậy là bé tự gọi, tự ra hiệu chứ không phải mình bắt ép con tè bằng được bằng việc “xi xi”.

Về việc đóng bỉm bí, chị Vân cho biết vấn đề này tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: độ chật của bỉm, thời gian đóng bỉm, cách vệ sinh.

Đến khi bé được 2 tuổi thì có thể tập cho bé ngồi bô. Việc tập ngồi bô khác hoàn toàn với việc tập xi tè truyền thống. Tập ngồi bô là tập cho con biết ra hiệu, biết cảm nhận cảm giác buồn đại tiện, tiểu tiện và nói cho bố mẹ biết.

Nguồn: Gia đình Việt Nam