Dòng sự kiện:

Nghiêm khắc với con từ tình yêu thương

Quan niệm “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã khiến các bậc phụ huynh thoải mái trút giận lên đầu con trẻ. Nhiều cha mẹ còn biện minh cho hành động của mình rằng họ dạy con. Cách dạy con như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tính cách của trẻ?

Bạo hành con bằng ngôn ngữ

TS tâm lý Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Hội liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường thế giới, trong buổi tọa đàm “Dạy con trong hoang mang” đã tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc Huế, cha mẹ luôn nghiêm khắc, áp đặt ước vọng lên con cái. Rồi những lúc tức giận, bố mẹ vô tình bạo hành bằng ngôn ngữ. Lúc đó, trong tôi suy nghĩ, họ như những người khổng lồ, cao to trợn mắt nhìn xuống một đứa con nít để mắng mỏ. Sau này, những lúc buồn tủi, thất bại, những hồi ức đó ùa về khiến tôi phải giật mình. Về sau tôi mới hiểu, những dư chấn ấy rất ghê sợ”.

Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, những câu nói phổ biến của người lớn như: “Bố, mẹ đang bận làm việc, con ra chỗ khác chơi”, “Con đòi hỏi nhiều quá, bố mẹ không có tiền, không có thời gian”, “Con nhìn bạn xem, bạn giỏi thế, con chả được tích sự gì cả”… như gáo nước lạnh dội vào con trẻ.

Nghiêm khắc trong giáo dục hàng ngày sẽ giúp trẻ xây dựng nền nếp ngay từ nhỏ

Có nhiều em nhỏ đã tìm đến chuyên gia tư vấn với tâm sự: “Cháu không bao giờ có thể nói chuyện với mẹ cháu. Mẹ cháu luôn trách mắng và đánh cháu. Cháu cần một người mẹ chứ không phải bà chủ”.

Trẻ em rất nhạy cảm với cách ứng xử của người lớn, nhưng chúng ta vẫn thường nghĩ trẻ em không biết gì. Đáng buồn hơn, đa số phụ huynh ngày càng xa rời con trẻ, vậy nên trẻ em càng không có người để chia sẻ.

Chỉ có yêu thương mới đẩy lùi bạo lực

Theo TS tâm lý Lê Nguyên Phương, chỉ có yêu thương mới đẩy lùi được bạo lực. Trong việc dạy con, không phải lúc nào cha mẹ cũng giữ được sự bình tĩnh, tránh được sự tức giận.

Tuy nhiên, tâm trạng, lời nói, hành động khi tức giận của cha mẹ có thể vô tình làm chấn thương tâm lý, bạo hành tinh thần đứa trẻ, tạo nên những vết thương, khiếm khuyết về nhân cách khi trẻ lớn. Những tổn thương, khiếm khuyết tính cách này ở trẻ nếu không biết có thể đổ cho cá tính riêng của trẻ.

TS tâm lý Lê Nguyên Phương khuyên các bậc phụ huynh hãy học cách nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh khi tức giận lúc dạy con. Hãy trở thành một phụ huynh vừa nghiêm khắc vừa từ bi, bao dung, thương yêu. Có thể la mắng, nghiêm khắc với con nhưng phải xuất phát từ tình thương yêu.

Sự la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ tình thương yêu sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự khác biệt với việc la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ sự bực dọc, tức giận, trút giận.

“Chọn sự sợ hãi để làm động lực bắt trẻ vâng lời chúng ta thì chúng ta đã vô tình làm thương tổn, chấn thương tinh thần của các em. Nếu chúng ta dạy cho các em sự nghi kị đối với tất cả những người lạ thì đứa trẻ khi lớn lên không có khả năng giao tiếp trong việc làm” - TS tâm lý Lê Nguyên Phương cảnh báo.

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự bùng nổ của Internet đã thay đổi cách nghĩ của các bậc cha mẹ về thế giới và về nuôi dạy con cái. Nhiều thế hệ con trẻ sẽ lớn lên cùng với chính nhận thức của các bậc sinh thành, dưỡng dục hôm nay. Bạo lực không những không có lợi mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Một đứa trẻ bị bạo hành từ nhỏ có thể có xu hướng bạo lực hoặc thu mình.

Nguồn: Gia đình Việt Nam